Then kỳ yên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở lam vỹ, định hóa, thái nguyên tiếp cận từ góc độ văn học dân gian (Trang 46 - 55)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Then kỳ yên

Quan niệm của người Tày cũng giống như một số dân tộc khác ở Thái Nguyên, con người sinh ra đều có hồn vía. Vía là trung tâm của đời sống tinh thần gắn chặt với cơ thể con người. Họ cho rằng ốm đau bệnh tật là do một hay nhiều vía

bị mất hoặc bị tách khỏi cơ thể con người đi lang thang đâu đó trong thế giới vô hình. Vì thế người làm Then phải trình diễn các điệu hát, múa qua các cửa Then để xin, tìm vía về và làm các thủ tục nghi lễ để đuổi ma tà, mở đường cho vía về đoàn tụ với cơ thể con người, phục hồi lại sức khỏe cho người bệnh và mang lại cuộc sống bình yên, may mắn cho gia đình. Cũng chính vì vậy, người Tày quan niệm rằng đầu năm phải mời thầy Then về làm lễ, thứ nhất là để tẩy uế, xua đuổi những tà ma còn sót lại của năm cũ, thứ hai là để cầu mong, cầu chúc một năm mới được bình an, mạnh khỏe.

2.2.1.1. Không gian và thời gian diễn xướng .

*Thời gian diễn xướng

Then kỳ yên ở Lam Vỹ Định Hóa, Thường được tổ chức vào đầu năm. Mỗi khi trong bản làng có một ai đó làm Then, cho dù bận đến mấy người ta cũng thu xếp công việc để đến xem, thường một nghi lễ Then trong phạm vi gia đình thường diễn ra trong khoảng từ 20h tối hôm trước kéo dài đến 8 – 9 h tối hôm sau. Riêng Đại lễ Then cấp sắc hay còn gọi là Lẩu Then thời gian kéo dài hơn từ một đến hai ngày tùy vào gia chủ. Chủ nhà hôm đó phải trải chiếu trong nhà, ngoài sàn để đón tiếp các vị khách hàng xóm, láng giềng. Nếu là lễ Then cấp sắc thì đó lại là ngày hội lớn của cả bản, cả làng.

*Không gian diễn xướng

Buổi hát Then kỳ yên đầu xuân, được tổ chức ấm cúng trong gia đình để cầu mong các vị thần linh, Ngọc Hoàng đem lại cho mọi người trong gia đình, thôn xóm một năm mới trâu bò, lợn gà khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt mưa thuận gió hoà. Đó là khi lòng người còn chưa làm chủ được vận mệnh luôn luôn bị quan niệm sống, chết ám ảnh. Bởi vậy phải cầu bình yên.

Then kì yên còn được gọi là ‘‘ Then vui’’, chủ yếu hát về ‘‘Tình ca’’, ‘‘ tình sử’’. Ngoài ra, người ta còn tổ chức hát Then để mừng thượng thọ, trong dịp này, họ làm thơ chúc mừng nhau.

Ngày nay, sống trong xã hội văn minh, hiện đại với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật phong phú với nhiều hình thức khác nhau, nhưng Then vẫn còn tồn tại trong niềm say mê của quần chúng nhân dân và giữ một vị trí quan trọng trong

đời sống văn hóa tinh thần của người Tày ở Lam Vỹ, Định Hóa, Thái Nguyên. Dường như Then cầu an, giải hạn từ lâu đã đi vào đời sống tâm linh cũng như tinh thần của người dân nơi đây. Nhiều người nói, đầu năm mà chưa tổ chức được nghi lễ Then họ sẽ thấy không yên tâm, làm được Then rồi họ mới thấy tinh thần thoải mái .

2.2.1.2. Các yếu tố bổ trợ trong diễn xướng Then

* Văn học

Hành trình Then kỳ yên là bản trường ca gồm nhiều mẩu Thần thoại ,truyền thuyết ,chuyện kể dân gian. Dù là cuộc hành trình lên thiên giới nhưng vẫn ít nhiều mang tính chất hiện thực ,chẳng khác gì một cuộc chảy quân thời xưa từ miền núi đến Kinh đô. Trong hành trình có nhiều đoạn như mượn gậy Dả Dìn ,chiếc gậy chỉ gốc thì chết, chỉ ngọn thì sống ,đánh lừa Pú Cấy, ông khổng lồ nằm giữa đường phải đứng dậy. Chuyện chơi cờ cùng công chúa, cảnh bắc cầu, cảnh bắt ve, chuyện vua Khỉ, vua hổ, sự tích hạt gạo, cảnh chợ búa.

Trình tự một đêm Then kỳ yên kết hợp rất nhiều yếu tố: tự sự, trữ tình và cả yếu tố mê tín có sự lẫn lộn giữa người và ma, ma và người…Lời Then khá chau chuốt. Thể thơ năm chữ, bảy chữ, chín chữ, có nhiều câu láy lại để đẹp lời , tạo nhạc điệu. Phần lớn trong Then là thể loại thơ trữ tình có tác động mạnh mẽ đến ước mơ, tình cảm của người nghe

Nhân vật trong Then sử dụng ngôi thứ nhất tự sự (Tôi). Hành trình Then có những đoạn hai nhân vật nói chuyện với nhau, có đoạn hai mẹ con nhà nai than thở, có đoạn hai vợ chồng phu căn dặn nhau khi tiễn biệt.

Chức năng thực hành xã hội của Then kỳ yên chính là nguồn an ủi cho những gia đình hoạn nạn đem lại cho con người sự tin tưởng, bình ổn trong tâm hồn. Nghi lễ then kỳ yên mang tính chất vui vẻ, đầm ấm trong gia đình, những lời ca cất lên để cầu chúc cho cuộc sống bình an, may mắn.

* Âm nhạc

Trong các loại hình thức âm nhạc, tín ngưỡng của đồng bào Tày, hát Then có nội dung chương đoạn khác nhau, nên phần âm nhạc cũng phong phú nhất và đạt giá trị nghệ thuật cao nhất. Âm nhạc trong Then ở Lam Vỹ Định Hóa Thái Nguyên cũng có tính chất êm dịu, nhẹ nhàng, ấm cúng và tâm tình, nó như một thứ ngôn ngữ giao

tiếp đặc biệt trong đời sống thường nhật của người Tày. Dự một đêm Then mới thấy giọng hát và âm nhạc góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao giá trị Then.

Nhạc cụ quan trọng trong trình diễn Then là cây đàn tính (tiếng Tày còn được gọi là ăn tính, ăn nghĩa là cái, tính nghĩa là đàn). Cây đàn tính gồm 3 phần: Cần đàn, bầu đàn và đầu đàn. Đàn được làm bằng nguyên liệu địa phương có sẵn, cần đàn làm bằng gỗ nhe, ít cong vênh, bầu đàn được làm bằng quả bầu già, phơi khô, dây đàn được xe nhỏ bằng sợi tơ tằm hoặc sợi ni lông (cước) được làm bóng nhẵn bằng sáp ong.

Cây đàn tính và người hát Then luôn gắn bó với nhau. Với nghệ nhân tài hoa, kĩ thuật biểu diễn cây đàn tính được vận dụng, khai thác một cách khá sinh động và phong phú. Khi đàn tính kết hợp với hát, nó được Then vận dụng để biến hóa khôn lường, để thể hiện nhiều giai điệu của bài hát. Có lẽ xuất phát từ khả năng đặc biệt của cây đàn mà người nghệ sĩ dân gian đã trình diễn khiến cho cây đàn tính trở nên có ‘‘Tính thiêng liêng’’.

Trong Then Tày ở Lam Vỹ Định Hóa Thái Nguyên, người hành lễ không thể thiếu được chùm nhạc xóc. Cấu tạo của chùm xóc đơn giản, thường gồm nhiều vòng tròn đúc bằng đồng hoặc bạc, lồng vào nhau thành từng chuỗi, từng chuỗi này lại được ghép với nhau bằng một vòng tròn to hơn để cầm hoặc ngoắc vào ngón chân khi sử dụng. Ở nhiều chương, đoạn Then, ông Then, bà Then vừa đàn vừa xóc nhạc phụ họa cho nội dung lời ca. Khi hát, Then dập nhạc đều đều để thể hiện trạng thái thong dong của đoàn quân Then, còn lúc chùm nhạc xóc được lắc mạnh, dồn dập là tiếng ngựa phi nước đại….

Hát Then kỳ yên có đặc điểm là cùng một giai điệu nhạc ‘‘tàng nặm’’(đường nước) hoặc ‘‘ tàng bốc’’ nhưng qua các đoạn lại có các nội dung khác nhau nên khi hát nghệ nhân phải có sự diễn cảm và sáng tạo linh hoạt mới chuyển hóa được các làn điệu cố định cho phù hợp với nội dung. Một yêu cầu không hề thiếu là để mọi người (kể cả người ốm đang được làm lễ) cảm thụ được đẩy đủ nội dung của làn điệu Then, nghệ nhân Then phải hát rõ lời, mạch lạc, dù lỡ bị tiếng đàn hay tiếng xóc phụ họa cũng không làm át lời ca.

Tiếng hát Then hòa cùng âm thanh của chùm nhạc xóc và cây đàn tính cất lên trong đêm khuya thanh vắng đã xua tan đi cái lạnh lẽo của núi rừng âm u, hoang vắng, đánh thức được tiềm năng của con người, giúp con người lớn nhanh, mạnh mẽ trước đất trời và lòng tràn đầy niềm tin, hi vọng của ngày mai. Đó chính là hiệu quả nghệ thuật biểu diễn âm nhạc trong nghi lễ Then kỳ yên .

* Múa

Trong Then kỳ yên, múa được quy định trình diễn trong một số chương, đoạn nhất định. Tùy từng loại Then, người ta sử dụng những đoạn múa khác nhau để diễn tả nội dung của loại Then đó. Những chương đoạn Khảm hải,suôi Sluông, Phong Slư, khẩu tu vua….Thầy Then vừa kết hợp múa quạt và múa gậy tạo nên sự linh hoạt, uyển chuyển.

Chẳng hạn, đoạn Khảm hải có múa chèo thuyền. Người múa làm động tác chèo thuyền tại chỗ, phần thân trên và tay chuyển động uyển chuyển nhịp nhàng theo giai điệu Then. Đoạn khẩu tu vua có múa chầu. Nghệ nhân Then có thể cầm quạt, cầm nhạc….để múa động tác chầu, bái lậy ( gọi là chầu quạt hoặc chầu nhạc).

Trong Then kỳ yên, có những trường đoạn. Người làm Then thường ngồi một chỗ múa nửa thân trên kết hợp với việc sử dụng quạt và nhạc xóc, khăn trắng hoặc đỏ. Người làm Then vừa ngồi chiếu vừa xoay nửa thân trên chủ yếu là phần lườn vận động vừa gập vừa xòe lên liên tục, tay cử động nhẹ nhàng làm chiếc khăn buộc trên cánh tay ( hoặc vắt trên vai) không lúc nào ngừng chuyển động, múa lượn rất sinh động. Có những lúc thầy Then chỉ làm động tác xòe quạt.

Trong Then có loại chỉ có hát mà không có múa như Then văn và loại chỉ múa mà không có hát như : “Xuôi Sluông’’. Các Then giải hạn, cúng mụ, kỳ yên, chữa bệnh, thượng thọ, Then cấp sắc, tùy theo từng loại mà có các động tác múa, nhiều ít để minh họa và diễn đạt. Các hình thức múa chủ yếu như múa gậy, múa chèo thuyền, múa chọi gà, múa quạt….

Nhạc cụ đệm cho múa chủ yếu là đàn tính tẩu, chùm xóc, quả nhạc, ngoài ra cũng có khi có trống, thanh la, kèn ‘‘chuông’’. Ngoài ra nhạc cụ còn có đạo cụ cũng như hát chèo, chiếc quạt tuy không phát ra âm thanh nhưng động tác xòe quạt, gập

quạt như là để quy ước chuyển điệu, chuyển khúc có tính ước lệ cao. Ở Khảm hải người múa ngồi khoanh tròn chân, tượng trưng cho chiếc thuyền lắc lư tay theo động tác chèo thuyền, cứ như thế múa theo khúc hát của người dẫn đường ‘‘khóa quan’’ thoải mái không bị gò bó. Thầy Then tay phải cầm quạt, tay trái cầm chùm nhạc xóc, khi hành lễ quạt được xem là một đạo cụ được xòe ra gấp vào rất linh hoạt, một thứ công cụ ngoài để chuyển làn điệu ra nó còn thể hiện quyền uy…. Khi Then thoát xác và nhập hồn thầy Then rung và xóc nhạc thật mạnh, lắc người rất mạnh rồi lấy quạt che mặt. Có lúc thầy Then lại biểu diễn động tác gấp quạt, xòe quạt nhẹ nhàng uyển chuyển, có khi lại rất nhanh và mạnh là để phù hợp với nội dung của từng đoạn Then.

* Trang trí mỹ thuật

Then là một loại hình dân gian khá phong phú, gần gũi với quần chúng. Là loại hình văn hóa có từ rất lâu đời gắn bó với tín ngưỡng của người Tày nên Then không chỉ phong phú về lời ca, âm nhạc mà còn rất đa dạng về mĩ thuật. Đó là sự phong phú về phục trang, những hoa văn trang trí trên nhạc cụ và đặc biệt trang trí trên bàn thờ Then.

Áo lễ của thầy Then ( cả Then nam và Then nữ) là loại áo dài của phụ nữ Tày được cắt từ vải bông tự dệt, màu đỏ hoặc vàng. Áo cổ tròn hay thấp, cài khuy sang phải, áo dài quá đầu gối, áo có pha màu ở cổ tay, ở đường xẻ(áo rộng hay hẹp tùy thuộc vào kích thước của người làm then). Thân áo thêu bằng những họa tiết sặc sỡ, chủ yếu là màu đen, vàng…. Áo lễ được coi là vật linh thiêng nên được các Then giữ gìn cẩn thận. Đối với Then nữ có thêm chiếc khăn đội đầu. Khăn được làm bằng vải gai thô đen hoặc vải nhung hoa hoặc màu, trang trí đường viền với nhiều màu sắc, xung quanh đường viền gắn thêm những quả chuông nhỏ. Khi Then nhảy, múa, lắc… những quả chuông nhỏ này cũng chuyển động theo chùm nhạc xóc.

Khăn được làm bằng hai lượt vải bằng hai màu khác nhau, lượt ở dưới vắt ra sau lưng, lượt ngắn ở trên, có khi Then hất lượt khăn ngắn che mặt khi hát ở từng đoạn Then có nội dung khác nhau.

Mũ Then thường làm bằng vải màu vàng hoặc đỏ được trang trí và thêu những họa tiết cầu kỳ. Phía trên của mũ là bốn điểm nhọn, trong đó phần nhọn ở giữa cao hơn một chút, phía trước mũ gắn một chiếc gương nhỏ. Hai bên mũ được gắn thêm

hai tua dài chấm ngang vai bằng vải đỏ viền vải tối màu, còn phía sau mũ gắn tua dài đến ngang lưng bằng vải màu hoặc thổ cẩm, số tua thể hiện số lần cấp sắc của Then. Qua tìm hiểu một số nghi lễ Then ở Hà Giang, chúng ta thấy khi Then mới “vào nghề” thì mặc áo đỏ, đội mũ đỏ, còn Then đã được cấp sắc mặc áo vàng, đội mũ trang trí chủ yếu là màu vàng. Áo lễ, khăn, mũ... Của Then Kỳ Yên ở ở Lam Vỹ Định Hóa cũng tương tự như trên.

Người diễn xướng ngoài hát những lời ca, phải sử dụng linh hoạt nhạc cụ là cây đàn tính, chùm xóc nhạc làm sao cho phù hợp với từng chương, đoạn của Then.

Trong nghi lễ làm Then kỳ yên, người diễn xướng trở thành người độc diễn. * Trình tự các bước trong Then kỳ yên

Quân Then giúp gia chủ mang các lễ vật lên dâng cho các vị thần tối cao, linh thiêng với một mong muốn là các vị thần linh sẽ giúp đỡ họ được bình an, may mắn. Đoàn quân then phải vượt qua bao nhiêu cửa ải mới lên được đến thiên đình. Theo các nghệ nhân ở ở Lam Vỹ, Định Hóa, Thái Nguyên, Then kỳ yên ở đây gồm các bước sau.

Bước 1: soi hương lặp mạ (khấn hương, hương ở đây có nghĩa là một cây hương để đốt)

Kẻn hương khửn lặp ma Kén hương lên đón ngựa Kẻn slơ khửn lặp binh Kén slơ lên đón binh

Đây là bước đầu tiên của một đêm Then, nội dung chủ yếu là tìm,tập hợp các binh tướng về đầy đủ và giao đồ lễ cho quân Then. Khi đã nhận được đầy đủ lễ vật quân Then chuẩn bị lên đường.

Bước 2: Lồng tàng dâng lễ (lên đường dâng lễ) : sau khi tập hợp đầy đủ binh mã đoàn quân then bắt đầu hành binh đi từ đại bản doanh của Then (từ bàn thờ của Then) bắt đầu lên mường trời.

slăp quân mà tới mả thổ công Tiến binh mà mả ông thổ địa

Bước thứ 3: Trình “lườn nghè” (chủ ruộng, miếu) Người Tày thường dựng một cái lều nhỏ ở ngoài nhà đặt bát hương để bàn thờ hoặc đầu làng, chủ bản có

miếu thờ, quân Then đi đến nơi đây phải vào chào và nói lý do đi qua đây và có quà biếu (vàng hương )

Mạ chúa mà hang slưa tém mằng Ngựa chúa đến ngồi trên đuôi hổ Luông tiên mà thâng đẳm họ hàng Rồng tiên tới trình tổ họ hàng

Bước 4: Trình thổ công (thổ công đầu làng hay thần làng) Đoàn quân Then đi qua cửa này có thần thổ công trấn giữ , muốn vượt qua được cửa này phải trình bày lý do với thổ công, có quà biếu xong lại tiếp tục lên đường.

Bước 5: Vào đền Thanh Lâm (Thần rừng) Con đường Then đi đã được một chặng đường , quân Then dừng chân nghỉ ngơi vào chào thần rừng và nói lý do đến đây và có quà biếu. Đến đây con Then thấy con cháu trong nhà bị oan khuất thì Then sẽ giải oan bằng cách làm một nhà ba gian, người giải cùng với thầy Then chui đi chui lại (nam 7 lần, nữ 9 lần) xong quân Then lại lên đường đi tiếp .

Cấm hết thảy hươu trong rừng không giác Cấm hết thảy hổ rừng già không gầm.

Bước 6: Cấp binh mã đúc khoăn (xin cấp thêm binh mã) Khi quân Then đã đi được một chặng đường dài, mọi người đều mệt mỏi mới đến được nơi vua Công Đồng ở, nhà Then vào nghỉ chân và xin vua cấp thêm binh mã để cho then thêm đông quan và có thêm sức mạnh, rồi quân Then lại tiếp tục lên đường.

Bước 7: Khẩu bắt quỷ (vào bắt quỷ) Quân Then đến đây gặp những con quỷ dữ không cho quân Then đi qua, quân Then phải đánh bại được quỷ rồi lại tiếp tục lên đường.

Bước 8: Lôi tố tâu ẳm éc (bàn thờ Tổ gia đình) Đến đây quân Then dừng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở lam vỹ, định hóa, thái nguyên tiếp cận từ góc độ văn học dân gian (Trang 46 - 55)