Then cấp sắc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở lam vỹ, định hóa, thái nguyên tiếp cận từ góc độ văn học dân gian (Trang 55 - 63)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Then cấp sắc

Những người làm Then thường cứ ba hoặc năm năm phải làm lễ cấp sắc một lần. Đại lễ cấp sắc là đỉnh cao, là sự tập trung các nghệ thuật Then. Niềm mơ ước của các Then là được cấp sắc. Mỗi lần cấp sắc là một lần sát hạch về chuyên môn, là thăng cấp phẩm cao hơn, người làm Then sẽ có uy tín hơn trong làng Then và trong con mắt cộng đồng, làng bản nói riêng và của đồng bào Tày nói chung.

2.2.2.1. Thời gian và không gian diễn xướng

* Thời gian diễn xướng

Thường người ta làm Then cấp sắc vào tháng 9 âm lịch sau khi thu hoạch mùa màng hoặc vào tháng 2 âm lịch tức là sao tết – mùa hoa nở. Đồng thời, công việc ruộng nương chưa bận rộn. Ngày làm Then phải chọn ngày tốt ( như ngày Giáp Thìn, Giáp Dần).

* Không gian diễn xướng

Then cấp sắc có thể tiến hành ngoài trời hoặc tại nhà các thầy Then sẽ được phong giáo phẩm. Ngày hôm đó, thầy Then sẽ ăn mặc theo nghi thức và hát múa hai ngày ba đêm.

Then cấp sắc là bậc Then cao nhất lễ cấp sắc rất tốn kém, giết lợn gà để cúng. Trong lễ này người được cấp sắc sẽ được cấp mũ, đạo cụ, trang phục tiêu biểu bậc nhất của nghề làm Then. Then Cấp sắc ở Lam Vỹ, Định Hóa cũng giống Then ở các vùng miền khác như Cao Bằng, Lạng Sơn… đều diễn ra trong một không gian linh thiêng.

2.2.2.2. Các yếu tố bổ trợ trong diễn xướng Then

* Văn học

Lời Then trong Lễ cấp sắc là một áng văn thơ trường ca theo kiểu” thất thất trường thiên” tức là thơ bảy chữ của người Tày. Nội dung trong Then cấp sắc được trình bày một cách nghiêm trang, kính cẩn, biểu lộ lòng cầu khẩn thiết tha của họ trong suốt quá trình từ chuẩn bị lễ vật đến lựa quân và cuộc hành trình gian nan vất vả lên gặp Ngọc Hoàng để xin cấp tăng sắc.

Trong Then cấp sắc, ta có thể thấy rõ những yếu tố dân gian bằng cách sử dụng trí tưởng tượng phong phú. Tính dân gian được thể hiện ở chỗ đề cập tới nhiều vấn đề của đời sống của quần chúng nhân dân. Ta thấy cảnh săn bắn hươu nai, đánh cá, xuyên rừng và vượt biển… Những làn điệu dân ca như điệu bổn, nàng Hai, giao duyên mang sắc thái trữ tình được sử dụng. Trong Then kỳ yên còn sử dụng yếu tố thần thoại. Trong đó, có mụ Dả Dìn, cung tiên, Ngọc Hoàng, Diêm Vương… Nhưng hình tượng nổi bật vẫn là hình tượng con người với trí thông minh, tài giỏi, sức khoẻ phi thường. Quan niệm về Thổ công, Thành Hoàng, Diêm Vương, Thuỷ phủ Ngọc Hoàng, mười

cung trời, mười hai vực âm phủ… được hình dung cụ thể, sinh động qua mỗi chương đoạn đều có cốt truyện, có lớp lang, mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn.

Cách biểu diễn của họ chủ yếu là kể chuyện bằng văn vần, hình thức câu thơ nhiều khi thay đổi linh hoạt có thể là năm chữ, sáu chữ hoặc thơ tự do nhưng chủ yếu là thơ bảy chữ “thất thất trường thiên”. Ngôn ngữ có chọn lọc, mang sắc thái tu từ.

* Âm nhạc

Các lễ Then khác chỉ có một người diễn xướng còn lễ cấp sắc là một cuộc diễn xướng hoà tấu tổng thể cả giọng điệu Then của cá nhân và tập thể. Thầy Then vừa đàn vừa hát, lúc nghỉ, lúc xóc nhạc, lúc múa diễn tả cuộc hành trình từ ngôi nhà mặt đất mang lễ vật đến Ngọc Hoàng. Cuộc lễ tạo nên một niềm vui kì lạ vừa thực, vừa hư, nhờ lối diễn xướng sinh động lúc êm ả, lúc nhộn nhịp. Âm thanh của ca hát, của đàn tính, tiếng xóc nhạc, động tác múa nhảy. Trong Then cấp sắc có làn điệu Pây tàng diễn tả nhịp điệu của người ngựa đi đường. Điệu Khoả quan giọng hơi trầm, Khao sluông giọng vui thanh cao, chậm rãi…

* Múa

Trong lễ cấp sắc có hai điệu múa tập thể của Then với những động tác uyển chuyển độc đáo thu hút và hấp dẫn người xem là múa sluông với những động tá uyển chuyển, chèo thuyền vượt biển bằng một bài múa quạt khoảng bốn mươi phút. Tiếp theo là điệu múa chầu. Thầy Then múa trong đoạn dẫn người được cấp sắc vào trời yết kiến Ngọc Hoàng nên gọi là múa chầu.

* Mĩ thuật

Là loại trang trí đặc biệt khác với nghi lễ khác. Trang trí bàn thờ tổ sư nghề Then thường được đóng riêng ở nơi cao nhất. Trang trí bàn thờ có câu đối “tó sàn”, một tờ giấy đỏ dán ở giữa có đề bằng chữ Hán. Ở giữa là một sào vắt quần áo và mũ thiên của Then. Quãng cuối là một cái sào vắt toàn bộ tặng phẩm của họ hàng, bạn bè đến tặng người được tăng sắc. Dưới sào quần áo là sào hoa khảo quang, hoa cây chít, hoa thông… tượng trưng các loài hoa trường sinh không ai chăm sóc đến mùa xuân vẫn nở hoa. Bên cạnh đó có sào lúa nếp để cả bông tượng trưng cho thành quả lúa giống sinh sôi,trường tồn ngàn năm phát triển để nuôi con người. Đây là tầng thấp

của bàn thờ. Còn trên tầm cao có cầu hào quang làm bằng hai cây trúc, không chặt gốc, chặt ngọn trải từ một đến hai gian nhà, miếng vải đen ở phía dưới, miếng vải trắng ở trên,suốt theo chiều dài của cầu, khoảng từ ba đến bốn mét vải đen và trắng.

Mỗi đoạn cầu khoảng 40 cm có một cái rốn ngang cắt một miếng giấy mầu hình đồng tiền dán suốt từng chặng cầu. Trên cầu có mân lễ, mâm rượu ngọt, mâm én lễ… Trong lễ cấp sắc, không gian nhà được trang trí rất lộng lẫy và cảm xúc tâm linh in sâu lòng người. Mỗi một hình thức trang trí đều mang một ý nghĩa riêng biệt. Trang phục hành lễ của thầy Then là quần áo lễ, đầu đội mũ triều thiên. Còn khoá quan không có quần áo lễ, mỗi người quàng một miếng băng đỏ vắt qua vai từ phải qua trái vì đây là người bình thương không có bằng sắc, quần áo lễ.

* Trình tự các bước trong lễ Then cấp sắc

Cuộc hành trình ba ngày ba đêm với hàng nghìn câu hát, trải qua mười hai đoạn đường, mỗi đoạn là một vấn đề hoặc giới thiệu một địa danh. Mở đầu là xôi hương như tiền tấu của bản trường ca. Nội dung của xôi hương nói về động tác khởi động người ta phải động binh xem xét lại hành lý và giới thiệu mục đích cũng như nội dung cuộc cúng. Hành trình của Then cấp sắc ở ở Lam Vỹ, Định Hóa gồm các bước

Bước 1: Đẩm táng

Đoàn quân Then khởi hành từ nhà nên phải cúng lạy xin phép tổ tiên rồi kể sơ qua quê quán của người được cấp sắc.

“ Động vào tổ chủ, tổ già Động vào tổ bố mẹ, tổ tiên…”

Bước 2: Thổ công

Thổ công là chủ mảnh đất, mảnh vườn mình ở, ra đi để lo một việc quan trọng phải lên tới trời nên phải xin Thổ công, thổ địa phù hộ cho chủ nhà để cho đoàn quân Then lên đường gặp nhiều may mắn.

“ Chúa nhắc các ngọc nữ cầm cau Chúa nhắc các nàng tiên bổ quả….”

… và mời ông thành hoàng thổ địa Đông người không có ai biết nói dối

Bước 3: Phi slan

Trên chặng đường lên Ngọc Hoàng trình báo .Đường toàn là đưởng rừng đường núi ,mỗi góc cây to ,mỗi hòn đá to ,nhỏ dị hình đều có ma có thần cả nên khi đi qua đó phải có trình báo cầu mong các thần phù trợ

Bước 4 : Phủ thành lâm

Đây là một địa điểm nửa như phố nửa như làng bản. Ở đây Ông thần nông làm chủ lúa, đoàn sứ thần lướt qua nơi này

Bước 5 : Hành khiển

Nhịp điệu đến cửa hành khiển trở nên tươi vui rộn rã .Cuộc hành trình vẫn tiếp tục mải miết, cảnh vật nơi đây trái ngược với mặt đất,

“ Ra lên đường hành khiến … …Ngựa trên khắc chữ vạn vào đuôi …Cây quay rễ lên trên

Chuối quay buồng xuống dưới …”

Bước 6 :Po pỏi

Po pỏi là nơi toàn các ông thầy bói, đó là sự hỗn loạn, của trật tự xã hội ,vi phạm đạo đức luân lý. Đây cũng là hình ảnh hiện thực xã hội.

“Qua lên còn chửa hoang không bố Dẫn lên bản chị em tranh chồng Qua lên bà cùng dâu tranh trai …”

Bước 7 : Xung

Thầy Then vẫn kể tiếp về cách cúng .Nếu em bé dưới 12 tuổi thì cúng mụ, tới tuổi thiếu niên thì cúng xung giải hạn. Tới tuổi thanh niên thì làm khoăn cúng vía. Có lẽ vì vậy mà làng này có một số thợ chuyên tang ma...

…Lên làng thợ làm nhà táng … Dẫm lên làng thợ trống

Qua tới đồng chợ chiêng ”

Bước 8 : Đẳm bôn

Đoàn sứ thần đến với vùng đất mới, nơi có tổ tiên trên trời. Chúng ta chứng kiến một quang cảnh tươi đẹp như sự sống , sinh sôi muôn vật tươi tốt như của chúng ta dưới mặt đất

Bước 9 : Nặm lẩu

Nặm lẩu là vùng nước rượu. Đây cũng là vùng nằm trong sự cai quản của Ngọc Hoàng. Ở đây là vùng trồng mía, có mía đỏ mía vàng, mía hồng , mía đỏ . Leo lên ruộng mía hồng

Leo lên đồng mía đỏ

Bước 10: Nặm kim

Nặm kim là dòng sông vàng. Đây là dòng sông lớn có hiểm nguy nhưng đầy thú vị. Thầy không chỉ đàn hát trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp, mà phải múa, phải chèo thuyền ..

Chúa đến bờ nước vàng Người vào máng nước bể Bốn bên nước biển mênh mông Các chúa ta tạm dừng chân

Bước 11: Phố Tam quang

Đây là cảnh nửa chợ nửa phố, đúng ngày chợ phiên đông như trảy hội. Phố có chợ có đường ngang đường dọc bày la liệt đủ các thứ hàng. Trước khi qua chợ phải qua nơi thờ thủ công thành hoàng làng. Chợ vui thế coi chừng vía lạc

…Chúa thu vía cốt thổ Chúa giữ vía cốt thổ

Con vía đừng ngã vào chợ Tam Quang …

“Đường lên rượu” là đường phủ thơm hoa ,thơm lá sau khi đoàn quân Then đã qua ba trăm lối đi, chín trăm nẻo đường .Biết bao gian nan vất vả .Đây thực sự là xứ tiên

Đường trên đường đi rượu Đường dưới đường giải hạn Đường giữa đường đi mụ

Như vậy Then cấp sắc đi qua 12 trạm đường. Lẩu Then hay Then cấp sắc là cuộc lễ long trọng và rất vui. Đây cũng là một cuộc diễn xướng dân gian cần được bảo tồn như một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng của người Tày .

Đối chiếu với lễ cấp sắc của người Dao ,lễ cấp sắc của người Tày có sự khác biệt .Nếu như người Dao làm lễ cấp sắc cho nam thanh niên để đánh dấu sự trưởng thành ,để khẳng địn bản thân trong cộng đồng xã hội . Thì người Tày làm lễ cấp sắc cho những thầy Then có điều kiện phẩm chất và tài năng để tăng sắc phẩm ,mỗi lần tăng sắc là một lần lên cấp bặc trong nghề. Tuy có những hạn chế như tốn kém về kinh phí nhưng lễ cấp sắc của người Tày hiện nay vẫn tồn tại như một nét đẹp trong văn hoá của tộc người này.

Tiểu kết

Các dạng thức Then Tày ở Lam Vỹ, Định Hóa, Thái Nguyên rất phong phú và đa dạng. Nó thể hiện văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Tày. Tùy theo mục đích sử dụng mà người ta chia ra các loại Then khác nhau. Có thể nói, Then gắn bó với người Tày từ lúc sinh ra đến lúc mất đi. Khi trong cuộc sống gặp những bất an người ta sử dung Then Kỳ Yên để cầu mong cuộc sống bình yên, an nhàn, hạnh phúc. Những người không có con hay hữu sinh vô dưỡng người ta làm lễ Bắc cầu xin hoa, hoặc để mừng thọ cho cha mẹ thì họ sử dụng Then mừng thọ, rồi đến khi con người nhắm mắt xuôi tay Then cũng đi cùng họ trong lễ tang ma. Trong đó, nghi lễ Then lớn nhất là lễ cấp sắc, có thể gọi là đại lễ cấp sắc.

Tùy theo mục đích sử mà người ta có các dạng Then khác nhau, nhưng dù ở dạng thức nào thì Then cùng đều có không gian và thời gian diễn xướng nhất định, đó có thể là không gian nhỏ như tổ chức trong nhà như: Then Bắc cầu xin hoa, Then

mừng thọ, Then Kỳ Yên… Chỉ có Then cấp sắc được tổ chức ở không gian lớn hơn và thời gian dài hơn. Ngoài ra, trong Then còn có những yếu tố bổ trợ như: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa…

Trong đời sống của người Tày, Then là nếp sinh hoạt tín ngưỡng quen thuộc và trở thành nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Then mang lại những giá trị tốt đẹp cho con người. Then kỳ yên làm cho tâm hồn thanh thản, bình yên. Then bắc cầu xin hoa giúp con người giảm bớt lo âu, tác động vào tâm hồn tình cảm khiên con người thêm lạc quan, hi vọng. Then mừng thọ, tang ma giúp con người thể hiện chữ hiếu, nghĩa. Then cấp sắc là bài học về chuẩn mực đạo đức truyền thống để con người vươn tới. Tất cả các loại Then đều có mối quan hệ chặt chẽ với sinh hoạt văn hoá của dân tộc Tày ở Lam Vỹ, Định Hoá, Thái Nguyên.

Then không chỉ phản ánh ước mơ bình yên, hạnh phúc của con người mà còn có yếu tố ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc. Vốn là một loại hình dân gian gắn bó với tín ngưỡng của người Tày nên rất chau chuốt về ca từ, phong phú trong hình thức múa, đa dạng về mĩ thuật, du dương với âm điệu mượt mà giàu nhạc điệu…Các hình thức diễn xướng phong phú, nội dung đa dạng đã truyền tải tâm hồn, tình cảm và niềm tin trong cuộc sống của người Tày. Chính diễn xướng góp phần làm cho Then có sức hấp dẫn và tồn tại lâu dài với thời gian.

Chương 3

NỘI DUNG, NGHỆ THUẬT THEN TÀY Ở LAM VỸ, ĐỊNH HÓA, THÁI NGUYÊN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở lam vỹ, định hóa, thái nguyên tiếp cận từ góc độ văn học dân gian (Trang 55 - 63)