- Thu dựa trên các văn bản pháp luật
Như đã biết, thu BHXH có tầm quan trọng đặc biệt, không những có vai trò to lớn trong việc cân đối quỹ, thu còn đóng vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của toàn ngành BHXH.
Hoạt động thu BHXH có phạm vi hoạt động và quy mô rộng lớn, liên quan nhiều mặt đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến lợi ích của số đông NLĐ trong cộng đồng xã hội. Nếu hiệu quả thu BHXH đạt hiệu quả cao sẽ có nhiều đối tượng được tham gia vào hệ thống BHXH, số thu huy động vào quỹ BHXH ngày càng cao, từ đó quỹ BHXH được phát triển và đảm bảo an toàn. Ngược lại, khi thu BHXH đạt hiệu quả thấp, số huy động vào quỹ BHXH thấp, đây là nguyên nhân trực tiếp gây mất cân đối quỹ BHXH, quỹ BHXH dựa trên nguyên tắc cơ bản là có thu thì mới có chi vì vậy khi số thu nhỏ hơn số chi sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển và tồn tại của toàn ngành BHXH.
Do vậy để hoạt động thu BHXH đạt hiệu quả cao thì nguyên tắc đầu tiên của thu BHXH là phải đảm bảo thực hiện đúng theo các văn bản pháp luật quy định từ đối tượng thu, số tiền thu, phương thức thu, lập kế hoạch thu lẫn công tác tổ chức và kiểm tra giám sát thu BHXH… Trong quá trình thực hiện thu theo các văn bản pháp luật quy định sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh trong văn bản luật, nhiều văn bản còn chưa thực sự chặt chẽ, tạo nhiều lỗ hổng để đối tượng tham gia BHXH lợi dụng nhằm trốn đóng hoặc đóng không đúng quy định, đòi hỏi các cán bộ làm công tác thu vừa phải nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của văn bản luật quy định vừa phải có sự đóng góp với cấp trên nhằm hoàn thiện hơn nữa các văn bản quy định về thu BHXH. Hiện nay thu BHXH ngoài việc thực hiện theo Luật BHXH (ra đời ngày 15/06/2000) cũng có các Thông tư, Nghị định sửa đổi bổ sung như: Nghị định 152/2006/ NĐ-CP ngày 22/6/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH; Quyết định 51/2007/QĐ-BTC ngày 22/6/2007 của BTC và các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam, từ 1/7/2007, việc thu BHXH, chỉ các chế độ ngắn hạn thực hiện theo hướng dẫn và biểu mẫu mới; Quyết định số 902/QĐ-BHXH ngày 26/6/2007 về quản lý thu BHXH, BHYT.
- Thu đúng đối tượng, thu đủ số lượng và đảm bảo đúng thời gian quy định Muốn thực hiện được nguyên tắc này cần phải :
Thứ nhất, nắm chắc được các nguồn thu BHXH, nguồn thu của quỹ BHXH quy định tại Luật BHXH bao gồm:
+ Nguồn đóng BHXH của NLĐ tham gia BHXH + Nguồn đóng BHXH của chủ SDLĐ
+ Tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư tăng trưởng
+ Nguồn hỗ trợ của nhà nước: Hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào quỹ BHXH để bảo đảm trả đủ lương hưu, trợ cấp BHXH đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; đóng BHXH cho thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với người NLĐ có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.
+ Các nguồn khác: viện trợ, biếu tặng
Để nắm chắc được các nguồn thu trên phải tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các nguồn thu, đối với các nguồn thu khác nhau phải có phương pháp quản lý thích hợp .
Thứ hai, các cơ quan doanh nghiệp đóng BHXH thì phần đóng góp phải dựa trên quỹ lương, quỹ lương này bao gồm toàn bộ là lương cứng và các khoản phụ cấp vào lương, đồng thời quỹ lương này phải chi trả cho tất cả các đối tượng tham gia đóng BHXH.
Thứ ba, thu BHXH phải mang tính trực tiếp, hạn chế tối đa hiện tượng khoán thu để được hưởng hoa hồng.
Thứ tư, về nguyên tắc cơ quan BHXH phải quyết toán hàng tháng (hoặc hàng quý), phải đảm bảo tất cả các số thu phải ăn khớp với nhau và phải thực sự cân đối giữa NLĐ, NSDLĐ, loại hình doanh nghiệp, loại hình thu.
Thứ năm, lãi đầu tư quỹ nhàn rỗi BHXH, về nguyên tắc phải được bù đắp vào quỹ để bảo toàn và tăng trưởng nguồn quỹ, phần trích ra chi cho các mục đích khác như chi cho khen thưởng, chi quản lý và những khoản chi khác phải tuân thủ theo đúng những quy định của Pháp luật. Các khoản tài trợ của các tổ chức, các quỹ từ thiện, đặt biệt là các khoản nợ của người tham gia phải được hạch toán riêng, các khoản nợ khó đòi được phải tính tới lãi suất.
Thu đúng đối tượng, đủ số lượng và đúng thời gian quy định phụ thuộc vào công tác quản lý thu BHXH, thực tế có rất nhiều đơn vị nộp không đủ số lượng theo quy định hàng tháng, tình trạng trốn đóng và nợ đọng BHXH còn xảy ra nhiều, để quản lý tốt cần có biện pháp quản lý thu BHXH khoa học kết hợp với các biện pháp hành chính cứng rắn.
- Bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH
Bảo vệ quyền lợi của NLĐ là nhiệm vụ quan trọng trong các đơn vị được tham gia BHXH. Đây là quyền lợi chính đáng và hợp pháp của NLĐ đã được quy định trong văn bản Luật BHXH, nhưng trong thực tế do doanh nghiệp phải trích đóng cho cơ quan BHXH là 18% (năm 2015) tổng tiền lương hàng tháng trong hợp đồng lao động còn NLĐ chỉ phải đóng 08% (năm 2015) tổng tiền lương hàng tháng trong hợp đồng nên nhiều doanh nghiệp đã chủ động không đóng BHXH cho NLĐ hoặc đóng không đủ, không đúng số lượng quy định điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Khi số tiền lương đóng thấp hoặc không đóng thì mức trợ cấp cho NLĐ
khi phát sinh: ốm đau, tai nạn lao động, thai sản, tử tuất… sẽ không được hưởng hoặc hưởng ít hơn so với quyền lợi của họ.
Vì vậy đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH là nguyên tắc quan trọng của ngành BHXH, nhằm thực hiện được mục tiêu ASXH của Chính phủ giao cho toàn ngành BHXH.
- Bảo đảm hoạt động thu BHXH ổn định, bền vững, hiệu quả
Tính ổn định, bền vững, hiệu quả của hoạt động thu BHXH là những mục tiêu mà bất kì một hệ thống BHXH nào, của một quốc gia nào cũng mong muốn đạt được. Hoạt động thu BHXH đóng vai trò là xương sống của toàn ngành BHXH, vì vậy đảm bảo hoạt động thu BHXH luôn được ổn định, bền vững, hiệu quả cũng chính là giúp ngành BHXH phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả. Song, để đạt được những mục tiêu này phải đảm bảo các điều kiện:
Thứ nhất, hoạt động thu BHXH được định hướng đúng đắn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trong mỗi thời kì. Định hướng công tác thu đó là: thu đúng, thu đủ, thu đúng thời gian quy định, không để thất thu, từ đó hướng mọi nỗ lực của cá nhân, tổ chức vào mục tiêu đó.
Thứ hai, hoạt động thu BHXH được điều hòa, phối hợp nhịp nhàng, từ đó giúp tăng cường ổn định trong hệ thống nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu quản lý thu BHXH.
Thứ ba, tạo động lực cho mọi cá nhân trong tổ chức. Thông qua công tác đánh giá, khen thưởng những cá nhân, tổ chức thu BHXH tốt, kịp thời uốn nắn những sai lệch, thiếu sót của cá nhân trong tổ chức có biểu hiện làm thất thoát số thu hoặc số thu đạt hiệu quả thấp.