Trong quan niệm về đạo đức gia đình, Nho giáo đặc biệt nhấn mạnh sự hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ, xem đó là một phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. Theo Nho giáo: Hiếu kính cha mẹ tức là phải tôn trọng, yêu thương, phụng dưỡng cha mẹ, biết công ơn sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của người con đối với cha mẹ. Nho giáo cho rằng: “Hiếu hữu Tam: Đại hiếu tôn thân, kỳ hiếu phất nhục, kỳ hạ năng dưỡng” Hiếu phân làm ba: thứ nhất, đại hiếu tôn kính cha mẹ; thứ hai, không làm nhục cha mẹ; thứ ba, nuôi dưỡng cha mẹ” [85, tr.165-166].
Theo Nho giáo, “hiếu” là “nết đầu trong trăm nết”. Hành vi của người ta không gì lớn bằng chữ “hiếu”, người con có hiếu, có ý thức đầy đủ về tình cảm và bổn phận của mình đối với cha mẹ, đó là sự biết ơn, cù lao chín chữ “cha sinh ra ta, mẹ nuôi ta, thương thay cha mẹ” (ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao), đó là ý nguyện thường xuyên làm sao để cha mẹ được vui sướng, dù mình có phải ăn gạo xấu, uống nước lã cũng thỏa lòng (Lễ ký).
Theo Nho giáo, “hiếu” với cha mẹ là phải xuất phát từ “tâm”. “Hiếu” của con cái đối với cha mẹ là phải nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu, nhưng phải bằng tấm lòng thành kính, chứ đừng như: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính, hà dĩ biệt hồ?” (hễ thấy ai nuôi được cha mẹ thì khen là có hiếu. Nhưng, những chú chó, ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên, nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì khác gì nuôi thú vật đâu?) [Luận ngữ - Vi chính 2.7]. Đồng thời, Nho giáo cho rằng: “Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kỳ lao, hữu tửu, tự, tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ?)” (Nét mặt mới khó. Có việc con cái vất vả phục vụ; có rượu cơm mời cha mẹ ăn; chừng ấy đã đủ là hiếu sao?) [Luận ngữ - Vi chính 2.7].
Để có “hiếu” thì phận làm con phải vâng lời cha mẹ, không được oán trách cha mẹ. Mạnh Tử cho rằng: “Phụ mẫu ố chi, lao nhi bất oán” (Phàm làm con, nếu cha mẹ có ghét, thì mình làm lụng cực nhọc cho cha mẹ và chẳng hề than oán) [Mạnh Tử - Vạn chương 1]. Mạnh Tử còn nói “Bất đắc hồ thân, bất khả dĩ vi nhân; bất thuận hồ thân, bất khả dĩ vi tử!” (Dẫu được lòng thiên hạ, mà chẳng được lòng cha mẹ thì chẳng đáng làm người; dẫu thiên hạ quy thuận mình, mà mình chẳng thuận hòa với cha mẹ thì chẳng đáng làm con!) [Mạnh Tử - Lâu Ly 1.28]. Hơn thế nữa “Phú quí vô túc dĩ giải ưu giã. Duy thuận ư phụ mẫu, khả dĩ giải ưu” (giàu có, sang trọng, đều chẳng đủ giải mối u sầu…, chỉ có sự hòa thuận với cha mẹ mới có thể giải lấp mối u sầu) [Mạnh Tử - Lâu Ly 1.28]. Đó là chân giá trị của sự “vâng lời”, còn cao hơn cả “giàu nhất thiên hạ”.
Để người con có “hiếu” với cha mẹ, bên cạnh thành kính phụng sự và vâng lời cha mẹ thì còn cần phải giữ gìn bản thân mình, chớ để cha mẹ lo lắng. Tức là, việc phụng dưỡng thờ kính cha mẹ phải gắn với việc giữ bản thân, người con biết giữ gìn thân thể lành mạnh, trọn vẹn để cha mẹ yên tâm, không làm gì để cha mẹ cảm thấy lo lắng thì cũng đã là việc báo hiếu rồi, bởi “bậc cha mẹ chỉ lo sợ con cái mang bệnh tật mà thôi”. Trong các việc phải phụng sự thì việc phụng sự cha mẹ là lớn, còn trong những cái phải giữ gìn thì giữ gìn thân thể mình là căn bản. Chính vì thế, người con làm việc gì cũng phải thận trọng như
“đi trên lớp băng mỏng”, không được phép làm càn mà hủy hoại thân thể khiến cha mẹ đau lòng.