* Quan niệm về gia đình
Gia đình là một thiết chế xã hội nhỏ nhất được hình thành từ rất sớm trong lịch sử xã hội loài người. Khi nghiên cứu về GĐ, C.Mác khẳng định: “Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình” [50, tr.41]. Theo Tổ chức UNESCO: Gia đình là một nhóm người có quan hệ họ hàng, cùng sống chung và có ngân sách chung; các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi về mọi mặt, được
pháp luật thừa nhận. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau” [66, tr.1].
Từ những quan niệm trên, dưới góc độ luận án nghiên cứu thì quan niệm về gia đình được hiểu là: Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt được hình thành và phát triển trên cơ sở các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng, đồng thời có sự gắn kết về kinh tế - vật chất, qua đó nảy sinh những nghĩa vụ và quyền lợi giữa các thành viên trong gia đình.
Từ quan niệm trên ta thấy, trong gia đình có 3 mối quan hệ cơ bản, đó là: Quan hệ hôn nhân: là một trong những quan hệ cơ bản hình thành và phát triển gia đình. Đây là mối quan hệ giữa vợ và chồng nhằm đảm bảo nhu cầu sinh lý, tình cảm để duy trì nòi giống. Quan hệ huyết thống: là quan hệ cơ bản đặc trưng của gia đình, đó là quan hệ cùng dòng máu giữa các thành viên trong gia đình. Quan hệ nuôi dưỡng: đó là sự quan tâm, chăm sóc nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình về vật chất và tinh thần. Thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người trong gia đình.
* Quan niệm về gia đình văn hóa
Gia đình văn hóa là một khái niệm động, chính vì vậy, xét dưới góc độ thuật ngữ thì có nhiều tên gọi khác nhau. Trong tác phẩm “Đời sống mới” được bác viết năm 1947, Người dành một phần để nói về gia đình và xây dựng gia đình mới. Ngày 15-3-1975, Bộ Văn hoá Thông tin và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Gia đình văn hoá mới. Thuật ngữ GDVH mới, GDVH xã hội chủ nghĩa (XHCN) ra đời. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, thuật ngữ “gia đình văn hóa” chính thức được sử dụng cho đến nay.
Để xây dựng GĐVH phù hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, ngày 16-7-1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tại Nghị quyết này, vấn đề GĐVH
và xây dựng GĐVH đã được đề cập một cách cấp thiết, đó là: Cần giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hoá. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 01/2002/QĐ-BVHTT ngày 02/02/2002 ban hành quy chế công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “khu phố văn hóa”, trong đó xác định cụ thể tiêu chuẩn gia đình văn hóa: 1. Xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, mạnh khỏe và hạnh phúc; 2. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; 3. Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình; 4. Đoàn kết tương trợ cộng đồng dân cư.
Năm 2011, Bộ VH-TT-DL đã ban hành thông tư số 12/2011/TT- BVHTTDL ngày 10/10/2011 quy định cụ thể các tiêu chí của GĐVH (Phụ lục 2) thể hiện trên các mặt của đời sống xã hội, đó là: 1. Gia đình văn phải gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; 2. Gia đình văn hóa phải là gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; 3. Gia đình văn hóa tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, các thành viên trong gia đình có đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần ngày càng nâng cao.
Dựa vào những tiêu chí nêu trên, đặt trong đối tượng, phạm vị nghiên cứu của luận án, tác giả xác định khái niệm gia đình văn hóa như sau: Gia đình văn hóa là một hình thức gia đình kiểu mới; được hình thành, phát triển dựa trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại trong thời đại mới; là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành, phát triển nhân cách con người toàn diện.
Từ khái niệm trên, có thể rút ra đặc trưng của GĐVH:
Thứ nhất, GĐVH là gia đình kiểu mới, được ra đời và phát triển gắn liền với sự nghiệp đổi mới đất nước, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, GĐVH là gia đình kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Vừa kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, của văn hóa dân tộc, đồng thời kề thừa, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại.
Thứ ba, GĐVH là gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con người toàn diện, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Gia đình văn hóa vừa chú trọng phát triển đời sống tinh thần, vừa chú trọng phát triển đời sống vật chất cho con người.