Tư tưởng Tam cương

Một phần của tài liệu Luận án Trần Thị Thúy Chinh (Trang 34 - 36)

Tam cương chỉ ba mối quan hệ chủ yếu của con người từ gia đình đến xã hội, cụ thể là: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ. Thuật ngữ “tam cương” xuất hiện trong tư tưởng của Đổng Trọng Thư vào thời Hán Vũ Đế, tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ của nó thì có ngay từ thời Khổng - Mạnh. Trong tư tưởng Khổng Tử thì gọi là “nhân luân”, trong tư tưởng của Mạnh Tử thì gọi là “ngũ luân”, bao gồm: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ, anh - em, bạn bè. Trong đó, nhấn mạnh đến ba mối quan hệ: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ được xem là cơ bản nhất.

Trong MQH vua - tôi (quân - thần), Nho giáo Khổng - Mạnh đưa ra hai chuẩn mực đạo đức để ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ giữa vua và thần dân.

Theo đó, để cai trị dân thì vua phải dùng “đức trị”, “nhân trị”. Để làm được điều đó thì đòi hỏi vua (người cầm quyền) phải tu thân, phải rèn luyện đạo đức. Chính vì vậy, Nho giáo rất mực đề cao việc rèn đạo đức không chỉ đối với vua mà cả đối với thường dân, trong sách Đại học đã viết: “Từ bậc thiên tử cho tới thường dân, tất cả đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Gốc rối loạn, mà ngọn được sửa trị, chẳng có vậy” [104, tr.1043]. Còn đối với dân thì phải lấy lòng “trung” để thờ vua. “Vua lấy lễ sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung để thờ vua” [35, tr.255]. Tuy nhiên, đến thời Đổng Trọng Thư thì trong mối quan hệ vua - tôi trở nên gay gắt theo hướng một chiều, vua giữ vai trò quyết định so với bề tôi, bề tôi phải tuyệt đối trung thành với vua đến mức: Vua bảo thần chết, thần không thể không chết.

Trong mối quan hệ cha - con (phu - tử), Nho giáo Khổng - Mạnh đưa ra hai chuẩn mực đạo đức là “từ” và “hiếu”. Theo đó, cha mẹ phải thương yêu và có trác nhiệm dưỡng dục con cái và ngược lại, con cái phải kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Tuy nhiên, trong MQH này, Nho giáo luôn đề cao vị trí, vai trò của cha mẹ đối với con cái, thể hiện rõ trong Nho giáo Đổng Trọng Thư khi khẳng định người cha giữ vai trò quyết định đối với con. Do đó, các nhà Nho yêu cầu con cái phải có nghĩa vụ đối với cha mẹ - đó là “hiếu”. Có thể khẳng định, từ xưa đến nay, hiếm có một học thuyết nào, một trường phái nào đề cập đến chữ “hiếu” một cách sâu sắc và cụ thể như Nho giáo.

Trong MQH chồng - vợ (phu - phụ), Nho giáo Khổng - Mạnh đưa ra phạm trù “nghĩa” - là chuẩn mực đạo đức nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa vợ và chồng. Theo đó, vợ chồng phải yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ chia sẻ cùng nhau. Mặc dù vậy, theo quan niệm của các nhà Nho, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội luôn được nhìn nhận và đánh giá thấp hơn nhiều so với nam giới. Đến Nho giáo Đổng Trọng Thư trong mối quan hệ này thì tuyệt đối hóa vai trò của người chồng, yêu cầu vợ phải theo chồng, phải giữ tiết hạnh với chồng và trong mối quan hệ này thì người chồng giữ vai trò quyết

định đối với người vợ. Để thực hiện điều này, Nho giáo đã xây dựng nên hệ thống học thuyết “tam tòng”, “tứ đức” kìm hãm, trói buộc người phụ nữ.

Như vậy, có thể thấy rằng “tam cương” chứa đựng cả ưu điểm và hạn chế. Một mặt, “tam cương” có giá trị điều chỉnh hành động của con người theo những chuẩn mực của xã hội, góp phần giữ gìn trật tự, nền nếp từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nhưng mặt khác, với những quy định khắt khe đã trói buộc con người vào các khuôn khổ trong những mối quan hệ định sẵn, làm mất đi động lực và tính sáng tạo của con người. Hơn nữa, “tam cương” của Đổng Trọng Thư thể hiện mối quan hệ một chiều, mang tính chất mệnh lệnh, tuyệt đối phục tùng, làm mất đi quyền dân chủ, bình đẳng của con người.

Một phần của tài liệu Luận án Trần Thị Thúy Chinh (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w