Về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục Về kinh tế xã hội:

Một phần của tài liệu Luận án Trần Thị Thúy Chinh (Trang 79 - 83)

Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế lớn, quan trọng của cả nước. Đây là vùng bao quanh tam giác kinh tế trọng điểm của miền Bắc, do đó trong quá trình CNH, HĐH, vùng này có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải phòng, Quảng Ninh..., góp phần nâng cao đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội của vùng phát triển năng động.

Đồng bằng sông Hồng là vùng đi đầu trong việc phát triển nền KTTT định hướng XHCN so với các địa phương khác trong cả nước. Sự phát triển của KTTT định hướng XHCN đã tạo ra điều kiện thuận lợi giúp cho các gia đình năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình, làm cho đời sống vật chất được nâng cao, có điều kiện để nuôi dưỡng con cái, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng góp phần phát triển công tác xây dựng GĐVH ở nơi đây. Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, “phú quý sinh lễ nghĩa”, vì thế nhiều giá trị ĐĐNG không những được

các gia đình lưu giữ mà còn phát huy, nhân rộng trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Con cháu có điều kiện quan tâm, báo hiếu ông bà cha mẹ, chăm sóc ông bà cha mẹ có cuộc sống vật chất đầy đủ, thoải mái; trẻ nhỏ trong gia đình được cha mẹ đáp ứng tốt về điều kiện sống, điều kiện học hành; vợ chồng có điều kiện quan tâm tốt hơn đến nhu cầu, sở thích, mong muốn của nhau. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế với cơ cấu ngành nghề đa dạng, người phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng vào kinh tế gia đình và xã hội, quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình ngày càng được nâng lên. Đây là cơ sở kinh tế quan trọng dẫn đến sự xung đột và xu hướng phá vỡ những định kiến cũ trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa anh chị em trong gia đình..., góp phần thực hiện tiêu chí ứng xử trong GĐVH “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” [6, tr.1]. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với những mặt trái của nó cũng dẫn đến “Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng..., nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Những xung đột thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới” [27, tr.27]. Hơn nữa, nhiều người, nhiều gia đình hiện nay do quá chú trọng giá trị vật chất, lợi nhuận mà sẵn sàng làm ăn phi pháp, bất chấp đạo lý, tạo ra tiền lệ xấu cho con cái làm theo, từ đó hình thành nên vấn nạn nhức nhối cho xã hội. Điều này tác động tiệu cực tới việc xây dựng GĐVH.

- Về chính trị - xã hội:

Thiết chế xã hội là yếu tố mạnh mẽ nhất của kiến trúc thượng tầng, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Do đó, với lịch sử gần một nghìn năm (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX), dưới sự tồn tại của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trên vùng đồng bằng sông Hồng (đặc biệt từ thời Lý), Nho giáo được bảo trợ bởi chính trị đã tiến những bước dài trong quá trình ảnh hưởng so với thời kỳ trước độc lập. Cũng giống như các triều đại phong kiến Trung Quốc, đa phần các Vương triều phong kiến Việt Nam đều trọng dụng tư tưởng Nho giáo, coi đây là

pháp trị, đức trị góp phần tạo nên sự hưng thịnh của Vương triều. Từ góc độ chính trị - xã hội, đạo đức Nho giáo đi vào đời sống của các gia đình đồng bằng sông Hồng xưa với tư cách là một thiết chế ràng buộc, quy định hành vi và các mối quan hệ giữa con người với con người, cơ sở duy trì sự ổn định từ trong gia đình đến ngoài xã hội thông qua những quy định nghiêm khắc đã được luật hóa như: là người quân tử phải trung với vua, hiếu với cha mẹ, tuân theo Ngũ thường; là phụ nữ phải tuân theo Tam tòng, Tứ đức... Những quy định này, một mặt tạo nên sự ổn định, bình yên, trật tự trên dưới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, mặt khác thiết chế xã hội này đã để lại hậu quả nặng nề trong tâm lý xã hội với tính gia trưởng độc đoán ở người đàn ông, với sự cam chịu, an phận của người phụ nữ.

Ngày nay, với tư cách là trung tâm chính trị của cả nước, gắn với Thủ đô Hà Nội, đồng bằng sông Hồng vẫn tiếp tục khẳng định được vị trí của mình trong việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội với vai trò tiên phong thông qua sự lãnh đạo của cấp ủy và sự quản lý chặt chẽ của chính quyền các tỉnh. Công tác gia đình và xây dựng GĐVH được các tỉnh trong vùng quan tâm và đẩy mạnh việc thực hiện thông qua hệ thống văn bản, chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và sở Văn hóa thể thao du lịch các tỉnh như: Kế hoạch triển khai chỉ thị của thủ tướng chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; kế hoạch triển khai thực hiện bình đẳng giới và công tác gia đình; các phong trào như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, phong trào gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan; các cuộc vận động: Xóa đói giàm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc... Đây là cơ sở chính trị - xã hội quan trọng để công tác GĐVH của vùng đạt kết quả cao trong thời gian qua.

Tuy nhiên, thực tế chỉ đạo việc thực hiện, kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị các tỉnh đối với công tác xây dựng GĐVH vẫn còn hạn chế, “ở tất cả các cấp từ xã, phường trở lên, các hoạt động xây dựng GĐVH được lồng ghép

thực hiện cùng các hoạt động của các ban ngành, đoàn thể... Cả ba địa bàn nghiên cứu đều chưa có sự xuất hiện của một cơ quan riêng biệt phụ trách hoạt động xây dựng gia đình văn hóa..., các cán bộ làm công tác xây dựng gia đình văn hóa cũng chưa thực sự nắm rõ và chưa nêu ra được chính xác nội dung, còn nhầm lẫn với một số phong trào khác có liên quan mật thiết đến phong trào xây dựng gia đình văn hóa” [28, tr.32]. Những hạn chế này dẫn đến khó khăn trong việc khắc phục ảnh hưởng tiêu cực và phát huy ảnh hưởng tích cực của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng GĐVH ở địa phương.

-Về văn hóa, giáo dục:

Trong lịch sử hình thành và phát triển của nền văn hóa Việt Nam, khu vực đồng bằng sông Hồng có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây “là cái nôi hình thành dân tộc Việt, là quê hương của các nền văn hóa Việt” [43, tr.97]. Từ cái nôi này, trong quá trình tồn tại, nền văn hóa đó đã giao lưu, tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhiều nước trên thế giới, tiêu biểu là văn hóa Trung Quốc. Thông qua lịch sử một nghìn năm dưới sự đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc với chính sách đồng hóa về văn hóa, cộng với một nghìn năm dưới sự cai quản của các triều đại phong kiến Việt Nam, văn hóa Nho giáo (mà tiêu biểu là tư tưởng đạo đức Nho giáo) đã thẩm thấu một cách tự nhiên, trở thành tâm lý, tính cách, phong tục tập quán, lối sống, đạo đức, văn hóa không thể thiếu của cư dân ĐBSH.

Đồng bằng sông Hồng là vùng đất có nền giáo dục khoa cử phát triển sớm trong lịch sử. Với truyền thống hiếu học, “trọng người có chữ” trở thành nhân tố tác động tạo ra một lớp trí thức đông đảo ngay từ rất sớm trong lịch sử. Thăng Long (Hà Nội) với vai trò là kinh đô, đảm nhận vị trí một trung tâm giáo dục. Với sự ra đời của Văn Miếu (1070), của Quốc Tử Giám (1076) cùng với chế độ thi cử kén người hiền tài do các Vương triều phong kiến tổ chức..., đã tạo ra cho vùng này một đội ngũ trí thức, những nhà Nho ngày càng đông đảo. Giáo sư Đinh Gia Khánh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian) từng khẳng định: “Trong thời kỳ Đại Việt, số người đi học, thi đỗ ở vùng đồng bằng miền Bắc tính theo tỷ lệ dân số thì cao hơn rất nhiều so với các nơi khác. Trong lịch sử

850 năm (1065 - 1915) khoa cử dưới các triều vua, cả nước có 56 trạng nguyên thì 52 người là ở vùng đồng bằng miền Bắc” [38, tr.57]. Qua đây cho thấy, đồng ĐBSH trong lịch sử rất phát triển về giáo dục Nho học. Đây là một khía cạnh văn hóa - lịch sử có tác động lớn đến ảnh hưởng của ĐĐNG trong đời sống xã hội của vùng nói chung và trong gia đình nói riêng. Với sự phát triển của nền giáo dục Nho học từ trong gia đình đến ngoài xã hội, dựa trên phương châm giáo dục: “Tiên học lễ hậu học văn”, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nên những gia đình nền nếp, lễ nghĩa, coi trọng giá trị và các mối quan hệ gia đình, tạo nên sự ổn định, bền vững và sức mạnh của GĐTT, đồng thời là sức đề kháng giúp hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của nền KTTT đến gia đình hiện nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của nền giáo dục Nho học đã làm hạn chế quyền tự do cá nhân, quyền tham gia vào hoạt động xã hội và sự chủ động, tích cực trong hoạt động kinh tế của các thành viên trong gia đình.

Có thể nói, những đặc điểm về vị trí địa lý tự nhiên và về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù của vùng ĐBSH đã tác động sâu sắc đến ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng GĐVH ở nơi đây. Chính vì vậy, để khắc phục mặt hạn chế, phát huy mặt tích cực của đạo đức Nho giáo đến xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH thì cần phải dựa trên những đặc điểm của Vùng để nghiên cứu thực trạng, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Một phần của tài liệu Luận án Trần Thị Thúy Chinh (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w