Thứ nhất, thể hiện trong tình yêu thương và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ đặc trưng, cơ bản của GĐ. Trong mỗi GĐ Việt Nam nói chung và gia đình vùng ĐBSH nói riêng, do ảnh hưởng đậm nét bởi tư tưởng ĐĐNG cùng với quan niệm dân gian coi trọng con cái của người Việt, xem con cái là tài sản quý giá nhất - “đông con hơn nhiều của”, “có con là có của”…, con cái trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc và mục đích sống của cha mẹ. Chính vì lẽ đó nên giá trị con cái có ý nghĩa rất thiêng liêng. Trong một cuộc khảo sát các gia đình ở ĐBSH của tác giả Trịnh Duy Luân, khi được hỏi về “Mức độ quan trọng của việc có con” thì 72,8% người được hỏi khẳng định “Con cái đem lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình”, 61,6% cho rằng “Có con để có người chăm sóc khi về già” và 68,2% cho rằng “Con cái là nhân tố củng cố mối quan hệ giữa vợ và chồng” [49, tr.101]. Do đánh giá cao ý nghĩa của việc có con, nên người dân ĐBSH luôn dành trọn tình yêu thương cho con cái. Tình yêu thương vô bờ đó thể hiện ở sự chăm sóc con cái từ khi chào đời cho đến lúc trưởng thành; từ việc chăm sóc, nuôi dưỡng về vật chất đến sự quan tâm, đáp ứng về nhu cầu tinh thần; sự uốn nắn trong giáo dục gia đình cũng như sự đầu tư điều kiện học tập…, để con cái có cuộc sống tốt nhất. Đó là đức “Từ” mà bậc làm cha mẹ trong gia đình ĐBSH dành cho con. Trong khảo sát của tác giả luận án, khi được hỏi: “Theo ông/bà (anh/chị), ứng xử
của cha mẹ đối với con cái trong gia đình hiện nay thường biểu hiện ở những điểm nào sau đây? thì có 98% người trả lời lựa chọn “Cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con”, 92.5% trả lời “Cha mẹ tạo mọi điều kiện để con được ăn học đầy đủ”, 65.3% khẳng định “Cha mẹ chăm chỉ làm việc và tích lũy để dành dụm tài sản cho con", 93.5% cho rằng “Cha mẹ lo lắng cho tương lai sự nghiệp và việc dựng vợ gả chồng của con” (Phụ lục 5.4). Điều này cho thấy, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống gia đình của người dân ĐBSH hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhưng tình yêu thương và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái thì dường như không thay đổi. Ngày nay, họ không chỉ coi trọng việc tích lũy tiền bạc để dành dụm cho con, mà hơn thế, họ quan tâm nhiều đến việc nuôi dưỡng, dạy dỗ con, lo lắng cho tương lai của con và tạo mọi điều kiện cho con được học hành.
Khi về già, mặc dù không còn là nguồn nhân lực chính trong lao động sản xuất để nuôi gia đình, nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn luôn cố gắng hỗ trợ giúp đỡ con cháu trên nhiều mặt. Trong một cuộc khảo sát người dân ở tỉnh Bắc Ninh của tác giả Lê Ngọc Lân về “Mức độ cha mẹ cao tuổi giúp đỡ con cháu” (Mức độ thường xuyên) thì 11,3% người trả lời cho rằng cha mẹ cao tuổi vẫn “tham gia giúp đỡ công việc sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập gia đình”, 7,3% người khẳng định cha mẹ cao tuổi “cho tiền/cấp vốn làm ăn”, 19,3% cha mẹ cao tuổi “chỉ bảo kinh nghiệm công tác/ứng xử xã hội”, đặc biệt 51,2% người trả lời khẳng định cha mẹ cao tuổi giúp đỡ con cái trong việc “Dạy dỗ các cháu/ trông cháu”, 23,2% người trả lời khẳng định cha mẹ thường xuyên giúp đỡ con “Đưa đón các cháu đi học”, 52,4% người trả lời cha mẹ cao tuổi giúp con cái trong “Việc nhà/ nội trợ” [42, tr.36]. Đó là những hành động rất cụ thể, thiết thực của tình yêu thương và trách nhiệm mà cha mẹ dành cho con cái.
Tình yêu thương, trách nhiệm, sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái là cơ sở để những đứa con trong gia đình hoàn thiện nhân cách, sống có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Trong một nghiên cứu về “Thái độ của thanh niên Hà Nội về giá trị sống vì gia đình và các yếu tố tác động”, dựa vào số liệu điều tra tình dục và sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên ở Hà Nội,
tác giả Trần Thị Thanh Loan đã rút ra nhận định: “Mối liên kết gần gũi giữa cha mẹ và con cái đóng vai trò quan trọng trong định hướng và duy trì thái độ sống tích cực vì gia đình của nam nữ thanh niên ở Hà Nội” [46, tr.16].
Có thể nói rằng, tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc và trách nhiệm của cha mẹ với con cái trong gia đình vùng ĐBSH là cơ sở quan trọng để những đứa trẻ trong gia đình được nuôi dưỡng và giáo dục tốt, góp phần khắc phục tình trạng trẻ em sa vào tệ nạn xã hội, sống có lý tưởng và trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thứ hai, thể hiện trong tình yêu thương và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ
Trong các chuẩn mực đạo đức Nho giáo thì đạo hiếu được coi là chuẩn mực hàng đầu trong “đạo làm người”, làm con mà không biết ơn cha mẹ, không yêu thương, phụng dưỡng cha mẹ thì con người đó sẽ bị xã hội khinh rẻ, lên án. Chính vì vậy, trong gia đình truyền thống xưa cũng như gia đình hiện nay, tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ luôn được đề cao. Trong điều kiện xã hội thay đổi, cách thức thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ cũng có sự thay đổi nhất định, nhưng đề cao chữ hiếu và giáo dục đạo hiếu vẫn là vấn đề cơ bản được các gia đình vùng ĐBSH coi trọng. Thông qua kết quả khảo sát người dân 6 tỉnh ĐBSH (2017) của tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, cho thấy: Trong những phẩm chất đạo đức của gia đình hiện nay thì “Con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ” là một phẩm chất được coi là không thể thiếu trong gia đình với 89,2% người lựa chọn và 90,2% số người được hỏi cho rằng “cần phát huy đạo hiếu trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH” [88, tr.83]. Đặc biệt, trong một cuộc điều tra xã hội học của tác giả Lê Ngọc Văn về vùng ĐBSH cho thấy: “Hiếu kính với tổ tiên” là một giá trị tinh thần được người dân lựa chọn và đánh giá cao với 95,2% [114, tr.122]. Còn theo khảo sát thực tế của tác giả luận án tại địa phương, khi được hỏi: “Theo ông/bà (anh/chị), ứng xử của con cái đối với cha mẹ trong gia đình hiện nay thường biểu hiện ở những điểm nào sau đây?” thì có 95.5% người dân lựa chọn “Con cái phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu”; 88.3% người dân khẳng định “Con cái vâng lời và đáp ứng mọi nguyện vọng của cha
mẹ”; 90.5% người dân cho rằng “Con cái coi trọng việc tổ chức lễ tang, cúng giỗ khi cha mẹ mất”; 76.8% người dân lựa chọn “Con cái không làm gì để cha mẹ phải lo lắng, phiền lòng” (phụ lục 5.5). Qua đây cho thấy, đạo hiếu của con cái đối cha mẹ của người dân vùng ĐBSH biểu hiện rất đậm nét trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Đạo hiếu cơ bản nhất của con cái đối với cha mẹ là sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Cha mẹ có công sinh thành và nuôi con khôn lớn, dạy con những điều hay lẽ phải, tạo mọi điều kiện để con lập thân, lập nghiệp; khi cha mẹ về già, con cái có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng để cha mẹ có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Hành động hiếu thảo của con cái thể hiện trước hết là việc chăm sóc cha mẹ lúc về già, lúc ốm đau bệnh tật... chính là biểu hiện thiết thực và cụ thể nhất của đạo hiếu. Thông qua kết quả khảo sát (tại tỉnh Bắc Ninh) trong một đề tài nghiên cứu khoa học của tác giả Lê Ngọc Lân, cho thấy: Khi được hỏi “Một số nhận định về người cao tuổi và mối quan hệ trong gia đình” thì 100% người dân (những người con trong gia đình) đều cho rằng: “Con cái phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ cao tuổi trong bất kể hoàn cảnh nào” [42, t.55]. Do đó, khi cha mẹ ốm đau thì cách thức thể hiện đạo hiếu của đa số gia đình ĐBSH hiện nay là con cái phân công nhau chăm sóc (53,1 % người trả lời lựa chọn) hoặc “Tự mình chăm sóc bố mẹ tất cả mọi việc” (40,6% người trả lời lựa chọn) thay vì “Tìm người giúp việc để chăm sóc bố mẹ” (chỉ có 3,1% lựa chọn) hoặc “Tìm họ hàng thân thiết để chăm sóc bố mẹ” (0,3%) [31, tr.203]. Điều đó cho thấy, mặc dù xã hội hiện đại với bộn bề công việc phải lo toan, nhưng với lòng hiếu thảo của con cái đối với bậc sinh thành, dưỡng dục thì những người con trong gia đình vẫn thường cùng nhau chia sẻ, gánh vác trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già lúc ốm đau bệnh tật. Trong cuộc phỏng vấn sâu người dân (nam, nông dân, 64 tuổi, Hà Nội), ông khẳng định: “Tôi chưa thấy ở địa phương tôi có trường hợp nào mà chửi bố mẹ và đuổi bố mẹ ra ở riêng hay bố mẹ ốm đau không nuôi. Ngược lại chúng nó tranh nhau nuôi mà còn khó” [31, tr.191]. Điều này cho thấy, giá trị đạo hiếu trong gia đình người dân ĐBSH còn rất đậm nét.
Xã hội hiện nay có nhiều thay đổi, môi trường sống hiện đại khiến nhiều người con trong gia đình ĐBSH không có điều kiện ở cùng hoặc ở gần cha mẹ, nhưng họ vẫn có sự quan tâm, chăm sóc cha mẹ theo một cách khác như: hỗ trợ cha mẹ về vật chất, biếu tiền, thuốc men…Trong số liệu Điều tra về Gia đình ở Hà Nội cho thấy: Con cái thường hỗ trợ cha mẹ cao tuổi về vật chất dưới các hình thức sau (mức độ thường xuyên và thi thoảng): Hỗ trợ tiền bạc (51,9%), hỗ trợ hiện vật (thuốc men/đồ dùng) là 68,6% [42, tr.33]. Đặc biệt, sự hỗ trợ này càng cao và mức độ thường xuyên hơn với con cái trưởng thành, có mức sống khá giả. Đây là sự thay đổi trong cách thức thể hiện đạo hiếu so với trước kia do sự thay đổi của môi trường xã hội.
Sự hiếu kính, quan tâm, chăm sóc cha mẹ còn thể hiện ở những hành động rất đời thường như trò chuyện, tâm sự, hỏi han cha mẹ hàng ngày, hay những gia đình con cháu không có điều kiện ở cùng hoặc ở gần thì vẫn cố gắng thu xếp thời gian về gặp gỡ, thăm nom cha mẹ. Đây chính là sự quan tâm về mặt tình cảm, tinh thần và cũng là một biểu hiện của lòng hiếu thảo. Đặc biệt trong xã hội hiện nay, khi con người (nhất là lớp người trẻ tuổi) ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy của công việc, kiếm tiền, cũng như những thú vui thỏa mãn nhu cầu bản thân, thì việc dành thời gian tâm sự, chia sẻ, hỏi thăm ông bà, cha mẹ là một hành động có ý nghĩa lớn đem lại hạnh phúc cho người cao tuổi. Trong một cuộc khảo sát người dân ở vùng ĐBSH khi được hỏi về “Mức độ con cháu gặp gỡ ông bà”, có 63,2% người trả lời thường xuyên “Trò chuyện hàng ngày” với ông bà, 36,8% người trả lời “vài ba ngày một lần”, hay “chỉ gặp gỡ vào ngày cuối tuần” hoặc vào dịp lễ tết. Lòng hiếu thảo, sự quan tâm về mặt đời sống tinh thần của cha mẹ già còn thể hiện trong cách thức cử xử, nói năng hàng ngày của con cái đối với cha mẹ. Trong một cuộc khảo sát người dân ở tỉnh Bắc Ninh về quan hệ ứng xử với cha mẹ cao tuổi trong 12 tháng qua, có 82,9% người trả lời khẳng định “Không lần nào to tiếng làm các cụ phật ý”, 98,3% cho rằng “Không lần nào văng tục, nói hỗn”, 97,6% trả lời “Không lần nào quát mắng/xúc phạm gây giận dỗi”, 99,3% khẳng định “Không lần nào chửi các cụ”, 99% trả lời “Không lần nào bỏ mặc khi các cụ cần giúp đỡ” và 99,3% khẳng định “Không lần nào
xúc phạm thân thể” các cụ [42, tr.45]. Chính sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng của con cái cả về vật chất lẫn tinh thần đã tạo ra niềm vui và sự hài lòng của cha mẹ. Khi được hỏi về “Mức độ hài lòng của người cao tuổi đối với cách chăm sóc, phụng dưỡng của con cái” thì 62,5% người cao tuổi cảm thấy “hài lòng”, 32,5% cảm thấy “Tương đối hài lòng”, chỉ có 2,4% cho rằng “Không hài lòng” và 2,6% cảm thấy “Khó trả lời” [31, tr.205] về vấn đề này.
Với quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu, thì việc coi trọng tang ma, cúng giỗ khi cha mẹ qua đời cũng là một biểu hiện trong đạo hiếu của nhiều người con đối với cha mẹ ở vùng ĐBSH. Hầu như tất cả mọi gia đình, mọi người con dù điều kiện, hoàn cảnh như thế nào (giàu sang hay nghèo khó) thì khi cha mẹ mất, họ cũng cố gắng thực hiện đầy đủ và tốt nhất mọi nghi lễ tang ma, cúng giỗ. Điều này thể hiện rõ thông qua kết quả khảo sát của tác giả luận án khi có đến 90.5% người dân cho rằng “Con cái coi trọng việc tổ chức lễ tang, cúng giỗ khi cha mẹ mất” (phụ lục 5.5). Chính sự hiếu thảo của con cái mà trong thời gian qua, công tác chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ ngày càng được các gia đình quan tâm, chú trọng. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ các gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông bà, cha mẹ ngày càng tăng và đạt từ 80% số hộ gia đình trở lên [5, tr.125]. Đây là con số rất đáng mừng cho thấy truyền thống về đạo hiếu trong các gia đình ĐBSH vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy, góp phần khắc phục tình trạng người già cô đơn, không nơi nương tựa; hơn 80% hộ gia đình đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ già [5, tr.126]. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội trong thời điểm hệ thống phúc lợi và các dịch vụ chăm sóc người già chưa thật sự tốt. Đây cũng là một cơ sở quan trọng góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng GĐVH ở các địa phương.