BẰNG ĐỘNG CƠ HONDA
Tác giả: LÊ VĂN HỮU (70%) và ĐINH VĂN HIỆP (30%) Địa chỉ: thôn Phú Cang 1 Bắc, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 0396876303
1. Tính mới của giải pháp
Trong trồng bắp, làm cỏ là một trong những khâu quan trọng trong quá trình chăm sóc để cây bắp đạt năng suất, chất lượng cao. Hiện tại, đa số nông dân làm cỏ bắp theo phương pháp thủ công là dùng cuốc và sức người để cuốc cỏ, cách làm này quá nặng nhọc mà năng suất lao động không cao. Nếu tính trên ruộng bắp 500 m2 thì phải mất 3 công lao động trong 1 giờ. Ngoài ra khi làm cỏ theo phương pháp thủ công việc xới đất không được sâu dẫn đến đất không được tơi xốp, thông thoáng nên cây bắp ít phát triển. Từ thực tế của gia đình, ông Hữu và ông Hiệp đã rút ra nhiều kinh nghiệm và có ý tưởng chế tạo công cụ làm cỏ bắp bằng động cơ xe Honda. Mục đích của sáng kiến này là để tăng năng suất lao động trong khâu làm cỏ cây bắp, dùng sản xuất đại trà quy mô lớn, giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập.
Các bộ phận của máy làm cỏ bắp bằng động cơ Honda gồm: Dùng sắt Ø14 làm 2 vành xe, Ø8 làm tâm xe, dùng típ sắt làm trục bánh xe, dùng sắt chữ V dày 0,3 cm rộng 2 cm dài 10 cm hàn dính 2 vành xe thành bánh xe, đồng thời làm răng bánh xe giúp bánh xe bấm
vào đất cho máy chạy tới. Sườn máy làm bằng típ sắt dày 0,27 cm uốn thành sườn một đầu có tay nắm để lái máy, đầu còn lại ráp vào bánh xe. Lốc máy được sử dụng bằng lốc máy xe Honda cũ, lốc máy được gắn vào sườn bên trên có gắn 1 bình xăng. Sên, nhông của máy tận dụng từ xe máy cũ. Cần số được độ bằng sắt công Ø6. Tay ga được độ bằng một thanh sắt mỏng và một sợi dây thép một đầu gắn vào tay cầm đầu, đầu còn lại nối với bộ chế hòa khí của lốc máy. Trạnh cày được làm bằng sắt tấm rộng 15 cm dày 0,3 cm. Mũi cày được làm bằng thép tấm dày 0,3 cm, một đầu nhọn, một đầu rộng 20 cm. Mũi cày được ráp liền với trạnh cày gọi là lưỡi cày. Lưỡi cày gắn vào khung máy bởi một thanh sắt rộng 6 cm dài 50 cm dày 1 cm.
Cơ chế vận hành: khi động cơ hoạt động, lực chuyển từ nhông lốc máy (nhông 1) bằng dây sên đến một nhông lớn (nhông 2) được gắn trên khung sườn có đường kính 25 cm, trên trục nhông này có gắn một nhông con (nhông 3) đường kính 5 cm. Nhông 3 tiếp tục truyền lực đến nhông 4 có đường kính 20 cm cũng được gắn trên khung sườn, trên trục nhông 4 lại gắn một nhông nhỏ (nhông 5) đường kính 5 cm. Sau đó lực tiếp tục truyền từ nhông 5 đến nhông 6 có đường kính 20 cm, nhông 6 được gắn vào trục bánh xe làm cho máy chạy. Khi máy chạy sẽ kéo theo lưỡi cày, lưỡi cày chính là bộ phận làm cỏ bắp.
Nhờ giải pháp này, năng suất làm cỏ của máy đạt 1.500 m2/giờ (tương đương 9 công lao động), tiết kiệm thời gian, sức lao động. Loại máy này có thể làm cỏ
được cho các loại cây hoa màu khác, phù hợp với nhiều địa hình.
2. Tính hiệu quả
- Hiệu quả kinh tế:
Năng suất làm cỏ của máy đạt 1.500 m2/giờ, tương đương 9 công lao động. Chi phí cho 1 giờ máy hoạt động gồm tiền xăng, công lái máy, khấu hao máy là 59.600 đồng. Trong khi đó 9 công làm cỏ hết 180.000 đồng/giờ. Chênh lệch tiền công trong 1 giờ khi làm bằng máy là 120.400 đồng.
- Hiệu quả xã hội:
Giải phóng lao động bằng sức người, khuyến khích sáng kiến trong lao động, sử dụng công cụ lao động có động cơ, giúp nông dân có tư duy công nghiệp hóa trong lao động sản xuất. Giảm chi phí trong lao động, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận trong sản xuất, góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Giải pháp giúp khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng bắp, làm tăng lượng cây xanh trong môi trường và tăng sản phẩm cho xã hội.
3. Khả năng áp dụng
Quy trình vận hành máy đơn giản như điều khiển một xe Honda, nguyên liệu sẵn có ở địa phương, dễ chế tạo, dễ lắp đặt. Ngoài việc làm cỏ bắp còn có thể sử dụng máy để rạch hàng tỉa bắp, cày lật đất, xới xáo đất cho nhiều loại cây trồng khác.
Giải pháp có khả năng áp dụng rộng rãi và hiệu quả cao.