Các đơn vị thuộc tập đoàn là các đơn vị chịu sự kiểm soát chung. Kiểm soát là quyền chi phối các chính sách tài chính và sản xuất kinh doanh của một đơn vị để thu lợi ích từ các hoạt động của đơn vị. Các đơn vị thuộc tập đoàn gồm công ty mẹ, công ty con và các công ty con cùng tập đoàn.
Các bên liên quan khác gồm các công ty liên kết. Xem thuyết minh số [13] “Các giao dịch với các bên liên quan” để biết thêm chi tiết và định nghĩa về các bên liên quan.
11. Dự phòng
Một khoản dự phòng là một khoản nợ phải trả không chắc chắn về thời điểm và giá trị. Dự phòng khác với các khoản nợ phải trả khác chẳng hạn như phải trả thương mại và dồn tích do không có mức độ chắn chắn về thời điểm hoặc giá trị của khoản kinh phí trong tương lai cần giải quyết. Mặc dù đôi khi cần ước tính giá trị hoặc thời gian dồn tích, mức độ không chắc chắn thường ít hơn nhiều đối với các khoản dự phòng. Các khoản dồn tích thường được báo cáo là nằm trong các khoản phải trả thương mại và các khoản phải trả khác, trong khi đó khoản dự phòng được báo cáo riêng rẽ.
Các khoản dự phòng phải được trình bày theo các loại riêng. Để xác định các loại dự phòng hoặc nợ phải trả tiềm tàng nào có thể gộp được thành một loại, thì cần thiết phải xem xét liệu bản chất của các khoản mục là đủ tương đồng để có thể kết hợp vào thể hiện thành một khoản.
Đối với mỗi loại dự phòng, đơn vị phải trình bày:
• Giá trị ghi sổ đầu kỳ và cuối kỳ;
• Số dự phòng tăng trong kỳ, kể cả tăng các khoản dự phòng hiện có;
• Số dự phòng sử dụng đến (nghĩa là: phát sinh và hạch toán từ mức dự phòng) trong kỳ;
• Số dự phòng không sử dụng đến được hoàn nhập trong kỳ;
• Số dự phòng tăng trong kỳ do giá trị hiện tại của khoản dự phòng tăng lên theo thời gian và do ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ lệ chiết khấu dòng tiền.
Không yêu cầu trình bày thông tin so sánh đối với các nội dung mô tả ở trên.
Khuyến khích đơn vị nên trình bày (đây là thông lệ tốt) những nội dung sau đối với mỗi loại dự phòng:
• Đoạn mô tả tóm tắt bản chất nghĩa vụ và thời điểm dự tính của dòng chi phí lợi ích kinh tế;
liên quan đến các sự kiện trong tương lai;
• Giá trị của khoản bồi hoàn dự tính nhận được (ví dụ như từ một vụ kiện đòi bồi thường hoặc bồi thường bảo hiểm), nêu giá trị của mọi tài sản đã được ghi nhận liên quan đến khoản bồi hoàn dự tính đó.