7. Cấu trúc luận văn
3.2. Chức năng duy trì cuộc thoại của hành vi cảm thán
3.2.4. Hành vi cảm thán được dùng để hồi đáp cho hành vi thông báo
Hành vi thông báo là hành vi nhằm đưa đến một lượng thông tin mà người đối thoại chưa biết, chưa được sáng tỏ, đang cần phải biết. Hành vi cảm thán được sử dụng để hồi đáp hành vi này có thể thể hiện nhiều nét tâm trạng khác nhau như: bất ngờ, vui mừng, phấn khởi, bực tức… Hành vi cảm thán được dùng để hồi đáp cho hành vi thông báo có số lượt sử dụng nhiều lần trong tác phẩm
thống kê được: 56 lượt (chiếm 10,57 %). Ví dụ:
[96] “Riêng con Mận, ngón tay nào của nó cũng có hoa tay. Các đường
vân tròn xoay, đều tăm tắp. Tôi nhìn những ngón tay nở hoa của nó, nói giọng ghen tị:
Sp1: - Mày nhiều hoa tay thật đấy. Nếu mỗi bàn tay của mày có sáu ngón như ông Năm Ve, chắc mày có tới mười hai cái hoa tay.
Con Mận rụt cổ:
Sp2: - Eo ôi, mình sợ lắm! Mình không cần tới mười hai cái hoa tay đâu!” [1; 15].
Lượt lời của Sp1 (nhân vật Thiều) nhằm thông báo cho Sp2 (nhân vật Mận) biết được thông tin: Mận có nhiều hoa tay. Ngoài ra Sp1 còn thông báo cho Sp2 rằng nếu mỗi bàn tay Sp2 có sáu ngón như ông Năm Ve thì nó sẽ có tới mười hai cái hoa tay. Thông tin mà Sp1 thông báo khiến cho Sp2 cảm thấy sợ hãi.
Ví dụ:
[97] “Sp1: - Tường nè. - Giọng tôi chùng xuống.
Sp2: - Gì hở anh?
Sp1: - Sắp đến mùa hè rồi đó.
Sp2: - Dạ.
Sp1: - Khi nào mùa hè tới, lũ ve sầu trở lại, tao sẽ dẫn mày đi rình bắt ve ve.
Sp2: - Ôi, thích quá! Bắt bằng mủ mít hở anh?” [1; 99].
Trong lượt lời của Sp1 (nhân vật Thiều) có nêu lên thông báo về việc khi mùa hè đến, lũ ve sầu trở lại Sp1 sẽ dẫn Sp2 (nhân vật Tường) đi bắt ve ve. Thông báo này của Sp1 khiến cho Sp2 rất thích thú, vui mừng và vô cùng háo hức mong đến mùa hè.