Kết quả nghiên cứu của chúng tôi (biểu đồ 3.2) cho thấy tự sát là triệu chứng xuất hiện sớm. Ngay trong những năm đầu bị bệnh trầm cảm. Kết quả này phù hợp với ý kiến của Sadock B.J. (2004), khi cho rằng ý tưởng và hành vi tự sát thường xuất hiện sớm trong các giai đoạn trầm cảm [73].
- Thể bệnh
Kết quả nghiên cứu ở biểu đồ 3.3 cho thấy về thể bệnh ở nhóm nghiên cứu, nhiều nhất là nhóm giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần (F32.3) với 16 trường hợp, chiếm 28,6%. Giai đoạn trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần (F32.2) có 8 trường hợp, chiếm tỷ lệ 14,3%.
Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn trầm cảm nặng không có các triệu chứng loạn thần (F33.2) có 12 trường hợp (21,4%). Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn trầm cảm nặng có các triệu chứng loạn thần (F33.3) có 9 trường hợp (16,1%).
Theo lý thuyết cũng như y văn: Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn trầm cảm nặng có các triệu chứng loạn thần là nhóm có tỷ lệ tự sát cao nhất. Phù hợp với nghiên cứu của chúng tôi có 8 bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần (F31.5) với 7 bệnh nhân có hành vi tự sát tự sát chiếm 18,4%. ít gặp nhất trong nhóm nghiên cứu là rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn trầm cảm nặng, không có các triệu chứng loạn thần (F31.4) chỉ có 4 trường hợp, chiếm tỷ lệ 7,1%. Như vậy, tự sát có thể gặp ở cả trầm cảm nặng có hoặc không có loạn thần. Nhưng trầm cảm có loạn thần thì nguy cơ tự sát cao hơn.
Năm 2004, Sadock B.J. cho rằng loạn thần không phải là yếu tố quan trọng dẫn đến tự sát trong trầm cảm nặng. Tác giả cho rằng tỷ lệ tự sát là như nhau giữa hai loại trầm cảm này [73].
Khi so sánh giai đoạn trầm cảm trong trầm tái diễn cảm và trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực, Guillaume S. và cộng sự (2010), cho rằng các giai đoạn trầm cảm của rối loạn cảm xúc lưỡng cực có nguy cơ tự sát cao hơn các giai đoạn trầm cảm [46].
- Các triệu chứng đặc trưng của trầm cảm
Qua kết quả nghiên cứu ở bảng 3.8 chúng tôi thấy rằng tất cả các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu đều có đầy đủ 3/3 các triệu chứng đặc trưng của trầm cảm. Điều này cũng là đương nhiên vì đối tượng nghiên cứu đều là các bệnh nhân trầm cảm nặng, vì thế có đầy đủ các triệu chứng đặc trưng của trầm cảm.
Năm 2008, Đỗ Tam Anh nghiên cứu đặc điểm lâm sàng hoang tưởng và ảo giác ở bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng cho thấy các triệu chứng đặc trưng có 100% trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu [1].
Theo Kaplan H.I. (1994), trầm cảm mức độ nặng đòi hỏi phải có tất cả 9 triệu chứng, bao gồm tất cả các triệu chứng đặc trưng và triệu chứng phổ biến của trầm cảm [56].
Khi nghiên cứu về mối liên quan giữa các triệu chứng của trầm cảm và tự sát, Antypa N. và cộng sự (2010), cho rằng ý tưởng tự sát liên quan chặt chẽ đến triệu chứng khí sắc giảm, mất hy vọng [30].
- Các triệu chứng phổ biến của trầm cảm
Về các triệu chứng phổ biến của trầm cảm, qua bảng 3.9 cho thấy hầu hết các triệu chứng phổ biến đều có ở đối tượng nghiên cứu, chỉ có triệu chứng ý tưởng buộc tội là 34 trường hợp, chiếm 60,7%, còn các triệu chứng khác gặp 100% ở các bệnh nhân.
Theo nghiên cứu của Đỗ Tam Anh (2008), cho thấy 98% số bệnh nhân nghiên cứu có ý tưởng buộc tội [1].
Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn trầm cảm nặng , ở những bệnh nhân này ngoài 3/3 triệu chứng đặc trưng bệnh nhân phải có 4/7 triệu chứng phổ biến trở lên.
Điều này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu khác như nghiên cứu của Van G.A. tìm hiểu mối liên quan giữa ý tưởng và hành vi tự sát với mức độ nặng của trầm cảm. Tác giả nhận thấy các triệu chứng thúc đẩy mãnh liệt ý định tự sát là mất hy vọng, cảm giác tội lỗi, mất sở thích và giảm tự trọng [79].