- Điểm Trắc nghiệm Beck, Miller của nhóm bệnh nhân nghiên cứu
Chương 4 bàn luận
4.1.3. Trình độ văn hoá
Các kết quả nghiên cứu được trình bầy ở bảng 3.3 cho thấy tỉ lệ bệnh
nhân có trình độ trung học phổ thông chiếm tỉ lệ cao (42,9%).
Khi nghiên cứu trầm cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực, Vũ Minh Hạnh (2008), nhận thấy nhóm bệnh nhân có trình độ văn hoá trung học phổ thông cơ sở chiếm 47,5% [8].
Còn Đỗ Tam Anh (2008), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng hoang tưởng và ảo giác ở bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng cho thấy nhóm có trình độ văn hoá trung học phổ thông chiếm (46%) [1].
Theo Bùi Quang Huy (1999), nghiên cứu trên 193 bệnh nhân có hành vi tự sát ở Rumania nhận thấy 63,21% số bệnh nhân có trình độ văn hoá phổ thông trung học, 27,97% có trình độ văn hoá trung học cơ sở và 8,80% số bệnh nhân có trình độ văn hoá đại học [85].
Kết quả nghiên cứu này phù hợp với ý kiến của nhiều tác giả trong và ngoài nước như Gelder M. (1988), Kaplan H.I. (1994), Bùi Quang Huy (2008), các tác giả này đều cho rằng tự sát gặp ở mọi loại trình độ văn hóa, từ người có trình độ sau đại học đến người mù chữ [44] [56] [8].
Bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi có đủ mọi trình độ văn hóa khác nhau, từ trung học cơ sở đến đại học. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu khác khi có nhận định rằng những người có trình độ văn hoá thấp có việc làm không ổn định thì tỷ lệ tự sát dường như cao hơn. Trong trường hợp này, chính nghề nghiệp mới là yếu tố liên quan trực tiếp đến tự sát [44].
Trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nhóm bệnh nhân có trình độ văn hoá trung học phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất với (42,9%), vì ở Việt Nam là một nước đang phát triển.
4.1.4. Nơi cư trú
Kết quả nghiên cứu cho thấy có 33 bệnh nhân (chiếm 58,9%) sống ở
vùng nông thôn (bảng 3.4), nhiều hơn số bệnh nhân sống ở thành thị.
Kết quả này cũng phù hợp với nhiên cứu của Đỗ Tam Anh (2008) với 82% số bệnh nhân sống ở vùng nông thôn [1].
Tuy nhiên, Sadock B. J. (2007), cho rằng bệnh nhân trầm cảm gặp ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn [72].
Ngày nay, ít tác giả nghiên cứu về nơi cư trú của bệnh nhân tự sát. Sở dĩ có điều này là vì ở các nước công nghiệp phát triển, tuyệt đại đa số dân số sống ở thành thị. Hơn nữa, do giao thông và truyền thông rất phát triển, khoảng cách về mức sống, trình độ văn hóa, nghề nghiệp… giữa nông thôn và thành thị cũng dần bị xóa bỏ.
ở nước ta hiện nay, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, sự phát triển kinh tế giữa nông thôn và thành thị không lớn, vì vậy có thể hiểu tại sao không có sự khác biệt về tự sát trong bệnh trầm cảm giữa nông thôn và thành thị.
Sự khác biệt này là do đối tượng nghiên cứu là những bệnh nhân trầm cảm nặng được điều trị nội trú tại Viện sức khoẻ Tâm thần Quốc gia và Bệnh viên Tâm thần Trung ương 1, nơi thu dung tất cả các bệnh nhân từ khắp các tỉnh thành khu vực phía bắc, có khi ở các tỉnh phía nam cũng ra điều trị. Trong khi các nghiên cứu khác tại cộng đồng có một số tác giả nêu ra bệnh nhân sống ở thành thị có tỷ lệ tự sát cao hơn ở nông thôn. So với nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt.
Kaplan H.I. (1994) cũng cho rằng sự khác biệt về ý tưởng và hành vi tự sát trong trầm cảm ở nông thôn và thành thị là không đáng kể [56].
4.1.5. Tình trạng hôn nhân
Những người độc thân cho cả hai giới chiếm tỉ lệ cao (60,7% bảng 3.5 ). Đào Hồng Thái trong chẩn đoán hồi cứu 205 trường hợp có ý tưởng và hành vi tự sát thấy những người độc thân chiếm 74%, có gia đình 26%, trong số liệu này không phân biệt được ý tưởng và hành vi tự sát [18].
Năm 1988, Maniam T. (1988), đã xác định trong 100 trường hợp có hành vi tự sát của Malaysia có 65 trường hợp độc thân cho cả hai giới 65%, 34 trường hợp có gia đình 34%, và 1 trường hợp ly thân là nữ [60].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của các tác giả khác cho rằng những người đã kết hôn đặc biệt là đã có con thì tỷ lệ tự sát là thấp. Còn những người độc thân có tỷ lệ tự sát cao gấp 2 lần những người hôn nhân đã có con. Những ngưòi đã ly dị và goá thì có tỷ lệ tự sát cao hơn rõ ràng so với những người đã kết hôn. [43].
Theo Kaplan H.I. (1994), tự sát có thể phổ biến hơn ở các bệnh nhân trầm cảm độc thân hoặc ly dị so với những người đang kết hôn và sống hạnh phúc. Tuy nhiên sự khác biệt này là không nhiều [56].
Kaplan H.I. (1994), tỷ lệ tự sát ở người đã kết hôn là 11/100.000 dân/năm, còn tỷ lệ tự sát ở người độc thân cao gấp 2 lần người đã kết hôn. Tỷ lệ tự sát ở người goá là 24/100.000 dân/năm và ở người li dị là 40/100.000 [56]. Những người sống độc thân, chưa xây dựng gia đình thường có điều kiện sống không thuận lợi có nhiều sang chấn (Stress) ảnh hưởng đến cuộc sống và làm gia tăng triệu chứng trầm cảm. Khi đã mắc bệnh những người sống độc thân sẽ không có người chăm sóc động viên, theo dõi giám sát uống thuốc, và do vậy nguy cơ tự sát càng cao.
Trong thực hành Tâm thần học đây là những bệnh nhân cần được chú ý, cần tìm hiểu thêm về hoàn cảnh sống để tìm sự trợ giúp chăm sóc, tránh nguy cơ tự sát cho người bệnh.
Tỷ lệ ý tưởng và hành vi tự sát ở người goá và li dị cao trong các nghiên cứu khác, thì kết quả nghiên cứu ở bảng 3.5 của chúng tôi số bệnh nhân ly hôn có 1 bệnh nhân (1,8%) là 1 tỉ lệ thấp. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào cho thấy có bao nhiêu % trong số những người goá bụa hoặc li hôn bị rối loạn trầm cảm nặng có ý tưởng và hành vi tự sát. Điều này cần phải có nghiên cứu dịch tễ thống kê mới có thể kết luận được.
4.1.6. Mùa trong năm
Kết quả bảng 3.6 cho ta thấy bệnh nhân rối loạn trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát tăng về mùa hè với 23 bệnh nhân (41,1%), tiếp theo là mùa xuân với 17 bệnh nhân (30,4%), giảm dần mùa thu có 10 bệnh nhân (17,8%), thấp nhất là mùa đông với 6 bệnh nhân (10,7%).
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với ý kiến của Kaplan H.I. (1994) khi cho rằng tỷ lệ tự sát tăng lên vào thời gian cuối xuân và mùa hè [56]. Theo Đỗ lê Thành (2008), cho rằng những bệnh nhân có hành vi tự sát gặp nhiều ở mùa hè và mùa xuân, phù hợp với nghiên cứu của chúng tôi [19].
Điều này có thể được giải thích là mùa xuân và mùa hè ngày dài, thời tiết nóng nực dẫn đến sự xung đột và căng thẳng tăng lên cũng là mùa các bệnh lý về tâm thần nói chung và bệnh trầm cảm nói riêng tăng lên, do đó tỷ lệ ý tưởng và hành vi tự sát tăng hơn.
4.1.7. Tuổi phát bệnh của nhóm bệnh nhân nghiên cứu
Về tuổi khởi phát bệnh của nhóm nghiên cứu, (bảng 3.7), hay gặp nhất là phát bệnh ở độ tuổi từ 20 - 29 tuổi với 20 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 35,7%. Tiếp theo là nhóm dưới 20 tuổi và nhóm tuổi từ 30-39 tuổi, mỗi nhóm có 14 trường hợp (21,4%); nhóm tuổi từ 40 - 49 tuổi có5 bệnh nhân, chiếm 8,9%. Trên 50 tuổi có 3 trường hợp, chiếm 5,4%.
Kết quả này phù hợp với ý kiến của Kaplan H.I. (1994), khi cho rằng đa số bệnh nhân trầm cảm phát bệnh dưới độ tuổi 40 [56]. Sự khác biệt này không phải là mâu thuẫn vì theo Gelder M. (1988), trầm cảm có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào [44].
Bùi Quang Huy (2008), cũng cho rằng đa số các trường hợp trầm cảm có độ tuổi khởi phát từ 25 – 40 tuổi [9].
Còn Đỗ Tam Anh (2008), cho thấy có 54% số bệnh nhân có tuổi khởi phát từ 21-30 [1].