Tự sát trong rối loạn trầm cảm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ý tưởng và hành vi tự sát ở bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng (Trang 28 - 32)

- Các triệu chứng loạn thần

1.4.5.Tự sát trong rối loạn trầm cảm

Trầm cảm được mô tả truyền thống, kinh điển bởi các nhà tâm thần học trước đây như một giai đoạn trầm cảm điển hình - tình trạng u sầu (melancholia) [3].

Theo Bảng Phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi (ICD-10, 1992), trầm cảm là một hội chứng bệnh lý của rối loạn cảm xúc biểu hiện đặc trưng bởi khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động [24].

Trong rối loạn trầm cảm được chia làm 3 thể. Các giai đoạn trầm cảm điển hình phải có đầy đủ 2/3 triệu chứng đặc trưng và có ít nhất 3/7 triệu chứng phổ biến thời gian tồn tại ít nhất 2 tuần đáp ứng tốt với điều trị [24].

Còn rối loạn trầm cảm tái diễn là sự trở lại của các triệu chứng trầm cảm mới, sau một giai đoạn trầm cảm phục hồi hoàn toàn thời gian phải trên 6 tháng [24].

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là rối loạn cảm xúc được đặc trưng bằng sự lặp đi lặp lại các giai đoạn hưng cảm xen kẽ với các giai đoạn trầm cảm điển hình trong quá trình phát triển của bệnh, người bệnh hồi phục hoàn toàn giữa các giai đoạn của bệnh, RLCXLC và TCTD cũng phải đáp ứng đầy đủ 2 nhóm triệu chứng đặc trưng và phổ biến [24].

ý tưởng và hành vi tự sát trong GĐTC, RLCXLC và TCTD đều giống nhau nhưng tỷ lệ YTvà HV tự sát thì rối loạn cảm xúc lưỡng cực cao hơn giai đoạn trầm cảm và rối loạn trầm cảm tái diễn.

Theo nghiên cứu Rihmer A. (2008), với 1/3 số bệnh nhân trầm cảm đơn cực và 2/3 số bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại trầm cảm, số bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại trầm cảm chúng làm tăng nguy cơ tự sát [70].

Vai trò quan trọng của rối loạn trầm cảm trong tự sát được khẳng định qua tỷ lệ cao các bệnh nhân trầm cảm tự sát. Các nghiên cứu gần đây đã khẳng định trầm cảm là nguyên nhân của 75% số trường hợp tự sát. Chỉ có điểm khác biệt duy nhất là họ có thể đã có các hành vi tự sát trong tiền sử. Nhìn chung các bệnh nhân độc thân, đã li dị hoặc goá có nguy cơ tự sát cao (Gelder M. 1988) [44].

Sadock B.J. (2004), nhấn mạnh rằng khoảng 10% đến 15% số bệnh nhân trầm cảm sẽ chết vì tự sát. Tác giả cho rằng tất cả các bệnh nhân trầm cảm nặng đều nghĩ đến cái chết. Các triệu chứng của trầm cảm nặng như ức chế vận động, đau khổ, bi quan, ý nghĩ tự buộc tội... là nguyên nhân trực tiếp gây ra hành vi tự sát [73].

Babu G.N. và cộng sự nghiên cứu trên 82 phụ nữ rối loạn trầm cảm sau đẻ trong thời gian 18 tháng tiếp theo. Tác giả nhận thấy 38% số bệnh nhân này có ý tưởng tự sát trong đó 18% có hành vi tự sát. ý tưởng và hành vi tự sát rất hay gặp ở bệnh nhân trầm cảm có loạn thần, khởi phát bệnh chậm. Hơn

nữa, ý tưởng tự sát của bệnh nhân luôn đi kèm theo ý định làm hại đứa trẻ [32].

Heok K.E. cho rằng trầm cảm gặp ở 8-9% số người già tại Châu á. Triệu chứng đau mạn tính của trầm cảm ở người già là nguyên nhân dẫn đến ý tưởng tự sát. Tác giả còn cho rằng trầm cảm là yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch và tử vong do mạch vành [49].

Khi nghiên cứu trên 338 bệnh nhân trầm cảm được điều trị nội trú trong bệnh viện, Van G.A. tìm hiểu mối liên quan giữa ý tưởng và hành vi tự sát với mức độ nặng của trầm cảm. Các bệnh nhân này có hoặc không có loạn thần và yếu tố u sầu và được đánh giá bằng thang trầm cảm Hamilton, Beck và Zung. Kết quả cho thấy 43% số bệnh nhân có ý tưởng tự sát có liên quan đến mức độ nặng của trầm cảm, sự giảm chức năng xã hội một năm trước khi vào viện và tiền sử vào viện tâm thần của bệnh nhân. Tác giả nhận thấy các triệu chứng thúc đẩy mãnh liệt ý tưởng tự sát là mất hy vọng, khí sắc trầm, cảm giác tội lỗi, mất sở thích và giảm tự trọng [79].

Năm 1988, Miller F.T nghiên cứu hồi cứu trên 45 trường hợp bệnh nhân trầm cảm tái phát có loạn thần điều trị nội trú chết vì tự sát. Tác giả phát hiện thấy hoang tưởng bị hại kết hợp với hoang tưởng tự buộc tội gây ra hành vi tự sát mãnh liệt hơn so với bệnh nhân chỉ có 1 trong 2 hoang tưởng này hoặc1 trong 2 loại hoang tưởng này kết hợp với các loại hoang tưởng khác [62].

Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng trầm cảm có loạn thần có tỷ lệ tự sát cao hơn trầm cảm không loạn thần. Vai trò của hoang tưởng cũng tương đương với vai trò của các triệu chứng loạn thần khác trong việc tăng nguy cơ tự sát. Nhưng Lykouras L. (năm 2002), không đồng ý với ý kiến trên. Tác giả đã nghiên cứu trên 40 bệnh nhân trầm cảm cao tuổi có loạn thần, so sánh với 64 bệnh nhân trầm cảm cao tuổi không loạn thần về hành vi tự

sát. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt nào về hành vi tự sát giữa 2 nhóm bệnh nhân trên. Tác giả kết luận, các triệu chứng loạn thần không làm tăng nguy cơ tự sát ở các bệnh nhân trầm cảm cao tuổi [58].

Pompili M. và cộng sự (2008), nghiên cứu mối liên quan giữa trầm cảm và tự sát trên 74 bệnh nhân nội trú bị rối loạn trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại trầm cảm bằng các triệu chứng lâm sàng và thang đánh giá mức độ trầm cảm Beck, thang trầm cảm và lo âu Hamilton. 52% số bệnh nhân này có nguy cơ tự sát cao. Nguy cơ tự sát liên quan đến mức độ nặng của trầm cảm và lo âu, thái độ nghi ngờ và xung động [66]

Nhiều tác giả cho rằng tự sát có thể gặp trong mọi dạng trầm cảm. Preradovi M. (1991) nghiên cứu so sánh 25 bệnh nhân trầm cảm ẩn và 30 bệnh nhân trầm cảm nội sinh, so sánh đặc điểm lâm sàng của hai nhóm. Nhóm bệnh nhân trầm cảm ẩn có nhiều triệu chứng cơ thể chiếm ưu thế, còn nhóm bệnh nhân trầm cảm nội sinh có ức chế hành vi hơn. Tuy nhiên không có sự khác biệt nào về tỷ lệ tự sát giữa hai nhóm bệnh nhân này [69].

Trong trầm cảm, triệu chứng kích động tâm thần vận động thường kèm theo tự sát. Nghiên cứu trên 314 bệnh nhân, có 19% số bệnh nhân này có kích động, Olgiati P. (2006), nhận thấy các bệnh nhân kích động thường có tuổi cao hơn, mất ngủ nặng và nhiều triệu chứng loạn thần. Các bệnh nhân này có nhiều ý tưởng và hành vi tự sát hơn hẳn so với các bệnh nhân trầm cảm không có kích động [65].

Theo Schaffer A. và cộng sự (2008), có các bằng chứng rõ ràng rằng bệnh nhân trầm cảm có loạn thần có nguy cơ tự sát cao nhất trong các rối loạn trầm cảm. Tác giả nghiên cứu trên 183 bệnh nhân trầm cảm có loạn thần và thấy 21% có hành vi tự sát trong giai đoạn tái phát [77].

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng trạng thái trầm cảm hỗn hợp là yếu tố rất quan trọng gây ra tự sát trong rối loạn cảm xúc. Rihmer A, (2008) cho

rằng trạng thái trầm cảm hỗn hợp gặp ở 1/3 số bệnh nhân trầm cảm đơn cực và 2/3 số bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại trầm cảm, chúng làm tăng nguy cơ tự sát ở các bệnh nhân này. Do vậy, nghiên cứu về tình trạng hỗn hợp rất quan trọng trong phòng ngừa tự sát [70].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ý tưởng và hành vi tự sát ở bệnh nhân rối loạn trầm cảm nặng (Trang 28 - 32)