Các yếu tố của nền kinh tế
Theo Nguyễn Việt Hùng (2008), các yếu tố của nến kinh tế cụ thể là hệ thống các hoạt động, chỉ tiêu của các thành phần kinh tế trong từng thời kì như: tốc độ phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế, thu nhập quốc dân, thu nhập bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, chính sách kinh tế quốc gia, chính sách tiền tệ, xu hướng hội nhập quốc tế,...Hoạt động tín dụng của NHTM nói chung và hoạt động cho vay KHCN nói riêng rất nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế, khi nền kinh tế
phát triển sẽ gia tăng hoạt động SXKD, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng thì chất lượng đời sống dân cư được nâng cao, nhu cầu thoả mãn tiêu dùng từ đó cũng được mở rộng. Nhu cầu vay vốn cho tiêu dùng và SXKD của cá nhân, hộ gia đình sẽ ngày càng lớn, từ đó quy mô của hoạt động cho vay KHCN của ngân hàng sẽ phát triển. Ngược lại, khi nền kinh tế ở tình trạng không ổn định, hoạt động SXKD sẽ giảm và trì trệ dẫn đến nhu cầu chi tiêu tiêu dùng của người dân cũng sẽ giảm, khi đó khách hàng sẽ không có nhu cầu vay vốn, hoạt động cho vay KHCN cũng bị sụt giảm.
Các yếu tố văn hóa-xã hội
Theo Nguyễn Việt Hùng (2008), nhận định: văn hóa không chỉ ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức con người mà còn ảnh hướng đến tư duy, hành động của cá nhân con người trong xã hội. Sự thay đổi bất kỳ nào đó của văn hóa cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Liên hệ với hoạt động cho vay KHCN, tác động của văn hóa mà cụ thể là thói quen, cách sống hàng ngày hình thành nên nhu cầu sử dụng sản phẩm khác nhau, ví dụ ngân hàng xác định thói quen của khách hàng là dùng tiền mặt, thẻ tín dụng hay thẻ ATM thì sẽ phân loại các sản phẩm cho vay tiền mặt, cho vay mua hàng, cho vay qua thẻ tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Văn hóa là yếu tố hình thành nên đạo đức con người, vì vậy văn hóa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cho vay KHCN thông qua việc đạo đức con người có thể tác động làm cho rủi ro tín dụng của ngân hàng cao hay thấp. Ngoài ra, ở mỗi nền văn hóa khác nhau sẽ có trình độ, lối sống, cách ứng xử khác nhau điều này tác động lên nhu cầu về vốn vay cũng như hành vi ra quyết định vay vốn khác nhau. Ví dụ khi so sánh các thành phố lớn nơi tập trung đông dân cư với mức thu nhập và trình độ hiểu biết cao thì chất lượng đời sống dân cư, nhu cầu tiêu dùng và SXKD cũng cao, ở đó nhu cầu về vốn vay của KHCN sẽ cao hơn so với các khu vực nông thôn.
Khách hàng
Nhu cầu tín dụng của khách hàng: điều này ảnh hưởng đến đến việc tăng trưởng và mở rộng quy mô cho vay KHCN của ngân hàng vì có sự phụ thuộc vào nhu cầu tín dụng của mỗi cá nhân ở từng thời kỳ, khu vực địa lý, kinh tế khác nhau.
Thu nhập của khách hàng: trong cho vay KHCN, tổng thu nhập của khách hàng càng cao thì quy mô cho vay của ngân hàng càng mở rộng, vì khi xét duyệt một khoản vay ngân hàng sẽ dùng tiêu chí này để đánh giá khả năng trả nợ định kỳ của khách hàng và cơ sở để từ đó ra các quyết định tín dụng.
Uy tín của khách hàng: điều này tác động mạnh đến chất lượng tín dụng cá nhân của ngân hàng, đây là tiêu chí ngân hàng sử dụng khi xét duyệt các khoản cho vay KHCN. Mặc dù rất khó để xác định nhưng nó rất quan trọng, vì vậy đòi hỏi người xét duyệt cần có kinh nghiệm khi thẩm định hồ sơ và khách hàng vay vốn, cũng như có khả năng đánh giá được ý thức và thiện chí trả nợ của khách hàng.
Đối thủ cạnh tranh
Ngày nay xu hướng chung của thị trường là đẩy mạnh phát triển Ngân hàng bán lẻ và trọng tâm là dịch vụ cho vay KHCN, đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn do lượng lớn KHCN có nhu cầu cao. Trong cho vay KHCN, sự tranh giành thị phần giữa các ngân hàng rất gay gắt, không chỉ giữa các ngân hàng quốc nội mà còn với các ngân hàng nước ngoài. Đây có thể là áp lực nhưng có thể sẽ là cơ hội để ngân hàng cải thiện vị thế trong thị trường. Để tạo được lợi thế cạnh tranh tốt các ngân hàng cần nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng trong hoạt động cho vay KHCN, bằng việc đa dạng hóa các sản phẩm hơn các đối thủ và tăng sự thỏa mãn của khách hàng, đổi mới phương thức hoạt động trong hoạt động cho vay KHCN tốt hơn để tăng năng suất lao động, giảm thiểu rủi to tín dụng và cạnh tranh và thâm nhập thị trường,... Sự cạnh tranh là yếu tố khách quan khó có thể tác động, tuy nhiên cần tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh trực tiếp hiện nay và các đối thủ tiềm ẩn trong tương lai để có chính sách phát triển phù hợp. (Nguyễn Văn Thụy, 2015).