Các nhân tố chủ quan chủ yếu đến từ chính các NHTM, bao gồm các nhóm nhân tố về năng lực tài chính, các chính sách của riêng ngân hàng, về trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng quản lí và cơ sở vật chất, công nghệ.
Năng lực tài chính, chính sách tín dụng
Năng lực tài chính phân tích theo mô hình CAMELS bao gồm: mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, trình độ quản lí, lợi nhuận, rủi ro thanh khoản, mức độ nhạy cảm rủi ro với thị trường. Trong cho vay KHCN năng lực tài chính ảnh hưởng đến hoạt động thông qua mức độ an toàn vốn, ngân hàng có nguồn vốn lớn thì sẽ có thế mạnh trong việc đa dạng hóa sản phẩm cho vay.
Bên cạnh đó, chính sách tín dụng của ngân hàng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến mục tiêu và định hướng phát triển của ngân hàng về hoạt động cho vay KHCN. Khi ra các quyết định về cho vay, ngân hàng phải dựa vào chính sách cho vay KHCN riêng, bao gồm các quy định về: hạn mức cho vay, kỳ hạn của khoản vay, lãi suất cho vay và lệ phí, số tiền được phép vay trên giá trị TSBĐ, khả năng thanh toán nợ của khách hàng, hướng giải quyết phần cho vay vượt giới hạn, các khoản vay có vấn đề,... (Nguyễn Văn Thụy, 2015).
Trình độ chuyên môn, chất lƣợng nguồn nhân lực
Con người là nhân tố quyết định trong mọi hoạt động của ngân hàng, mỗi nhân viên được xem như đại sứ thương hiệu, vì vậy họ cần có trình độ chuyên môn cao, năng lực và khả năng phân tích xử lý vấn đề nhanh chóng và hiệu quả. Trong cho vay KHCN, nhân viên và lãnh đạo bộ phận tín dụng cần có trình độ và kinh nghiệm để có thể thẩm định, đánh giá khách hàng một cách chính xác, đây là cơ sở để ngân hàng ra các quyết định cho vay hiệu quả giúp giảm thiểu rủi ro và nâng cao chất lượng hoạt động cho vay của ngân hàng. Ngoài ra, vấn đề rủi ro đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ tín dụng ngày càng gia tăng, vì vậy cần đánh giá đúng năng lực, phẩm chất và tư cách đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ tín dụng nhằm ngăn chặn hành vi không minh bạch, thông đồng của cán bộ quản lí, nhân viên và khách hàng gây thiệt hại cho ngân hàng. Bên cạnh đó cần nắm bắt hiểu biết tâm lý nhân viên, động viên, tăng mức độ thỏa mãn cho nhân viên, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực từ đó sẽ làm việc tận tâm cống hiến hết mình cho ngân hàng. (Trần Kim Dung, 2015).
Cơ sở vật chất, công nghệ
Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ sẽ là công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng được tốt hơn. Ngân hàng cần có nền tảng cơ sở vật chất, nguồn lực về công nghệ đáp ứng xu hướng ngày càng hiện đại của thị trường. Trong cho vay KHCN việc ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp ngân hàng cải thiện thời gian xử lý hồ sơ cho vay được nhanh chóng và hiệu quả, quản lý các khoản cho vay được chặt chẽ và khoa học, có thể nắm bắt các thông tin tín dụng của khách hàng được chính xác nhờ vào việc sử dụng công nghệ ngân hàng để tra cứu lịch sử tín dụng khách hàng. Ngoài ra, công nghệ hiện đại là nền tảng để ngân hàng phát triển sản phẩm dịch vụ trong cho vay được đa dạng để đáp ứng nhu cầu vốn phong phú của khách hàng. (Nguyễn Thị Liên Diệp và Phạm Văn Nam, 2013).