Thủ công nghiệp, thương nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kinh tế, văn hóa huyện yên lập tỉnh phú thọ nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 62 - 65)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Thủ công nghiệp, thương nghiệp

- Thủ công nghiệp: Cùng với trồng trọt và chăn nuôi, các nghề thủ công truyền thống cũng tương đối phát triển, không chỉ đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp mà còn có sản phẩm trao đổi với bên ngoài. Đồng bào dân tộc huyện Yên Lập từ lâu đã có một số nghề thủ công truyền thống: nghề dệt vải, đan lát, làm mộc… Trong các nghề thủ công nổi bật nhất là nghề ươm tơ, dệt vải. Trước đây gia đình Mường nào cũng có khung cửi, họ tự trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm và dệt vải.

Dâu, bông được trồng ở vườn hoặc bãi bằng, trồng bằng cành, theo luống,được bón phân, làm cỏ chu đáo. Cùng với việc trồng dâu chuẩn bị thức ăn cho tằm là việc lấy giống tằm. Công việc chăn tằm cũng rất công phu, luôn phải trông coi từ bữa ăn, giấc ngủ của nó. Tằm được nuôi nơi thoáng mát, rộng rãi, tránh ruồi, muỗi, kiến đốt, lá dâu cho tằm ăn phải sạch sẽ, khô ráo nhưng không được héo. Nuôi tằm khâu vệ sinh phải được đặc biệt chú trọng vì nó sẽ quyết định tới chất lượng kén.

Theo kinh nghiệm dân gian, tằm làm kén được 2-3 ngày là thời điểm đẹp nhất để kéo tơ. Người ta buộc dựng đứng vào cạnh quai nồi nước sôi thả kén một cột tre nhỏ, rồi buộc vào cột tre đó một thanh tre nhỏ bằng cái đũa làm trục nằm ngang miệng nồi mỗi lần 15-20 cái kén, tay phải dùng đũa khuấy đều, tay trái kéo ra từng sợi tơ quấn qua ống tre và kéo dài tơ ra đựng vào nong, chậu đặt bên cạnh. Nước luộc kén phải luôn sôi thì tơ kéo mới có màu vàng ươm. Cứ kéo được chừng một nén tơ tương đương khoảng một lạng thì gói riêng vào lá chuối, dùng cối đá nén cho hết nước rồi đem phơi ở chỗ râm mát cho khỏi mất màu. Từ nén tơ quấn quanh con sợi và từ đó dệt thành vải. Cứ mười con sợi (1kg tơ) dệt khoảng 180 vuông lụa. Vải tơ tằm rất bền và mềm được rất nhiều người ưa dùng. Công việc dệt vải mộc, lụa tơ tằm hoàn toàn do người phụ nữ tranh thủ trong buổi nông nhàn, rất ít người là thợ chuyên nghiệp.

Người phụ nữ Mường làm ra những vuông vải cho mình, cho những người thân trong gia đình và làm của hồi môn đem đến nhà chồng. Những tấm chăn, mảnh vải, vỏ gối, quần áo, đặc biệt là chiếc cạp váy của phụ nữ với những hoa văn đặc sắc luôn mang dấu ấn của những tháng ngày cặm cụi, miệt mài bên khung cửi do phụ nữ Mường tạo ra. Sự khéo léo thể hiện trong những vuông vải trở thành một trong những tiêu chuẩn về giá trị của người phụ nữ Mường.

Mặc dù rất khéo léo nhưng nghề mộc của người Mường mới chỉ dừng lại ở phạm vi tương trợ, giúp nhau dựng nhà, làm khung cửi, làm đuống, cối giã gạo, làm quan tài gỗ…phục vụ cho sản xuất, vui chơi chứ không chuyên sản xuất đồ gỗ.

Nghề đan lát: Hầu hết các gia đình đều tự túc được các đồ đan thông thường như giần, sàng, tấm phên, sọt, rổ, đồ đánh bắt cá, đồ đựng quần áo… Công việc đan lát có thể làm quanh năm, nhưng thường tập trung vào lúc nông nhàn. Nguyên liệu lấy từ cây tre, nứa có sẵn trong vườn hoặc trên rừng được chặt về gác lên rãnh bếp để khi nào rảnh việc thì lấy xuống đan và đồ đan sẽ dùng được bền, không bị mọt. Nghề đan lát có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người Mường, người Dao và cả người Kinh nơi đây. Họ dùng những sản phẩm đó để đựng các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.

Nghề làm đồ trang sức: Phát triển chủ yếu trong đồng bào Dao. Nguyên liệu chủ yếu là bạc. Có nhiều sản phẩm như vòng cổ, vòng chân, vòng tay, nhẫn,... Ngoài ra đồ trang sức chế tạo từ đá spilit quắc dít, amphibôlit… là nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương. Họ dùng ngay các công cụ bằng đá để cưa, khoan, tiện mài và đánh bóng.

Nhìn chung, thủ công nghiệp nơi đây vẫn chưa hoàn toàn tách khỏi nông nghiệp, vẫn chỉ là nghề phụ gia đình, làm vào những lúc nông nhàn.

- Thương nghiệp: Đất Hưng Hóa từ năm Minh Mệnh 13 (1831) được hoạch định hành chính thành tỉnh, bên dưới là phủ, huyện, tổng, xã (hoặc làng). Ở tỉnh lỵ, phủ lỵ, huyện lỵ đều có chợ. Chợ tỉnh Hưng Hóa ở làng Trúc Phê (Tam Nông), tỉnh lỵ chuyển lên làng Phú Thọ, chợ cũng chuyển lên theo gọi là chợ Mè. Mỗi huyện lỵ đều có chợ. Chợ huyện Yên Lập họp tại “Ngã Hai, ngày phiên chợ theo Âm lịch 2, 7, 12, 17, 22, 27. Bán các thổ sản: thóc, ngô, củ nâu, vỏ,mộc nhĩ, măng, thuốc lá” [7, tr. 43]. Do đặc điểm địa hình nên đường đi lại buôn bán của Yên Lập chủ yếu thông qua

con đường bộ từ Việt Trì đi Ngọc Lập, từ Hưng Hóa đi Đồn Vàng. Không chỉ những thổ dân đến họp, nhiều người trung châu cũng tải hàng lên bán. Những hàng hóa mà thổ dân bán lẫn cho nhau phần nhiều là thực phẩm. Những thứ buôn dưới xuôi lên là gạo, đỗ, dầu hỏa,muối, cá khô, vải, hàng tạp hóa như nồi, niêu, thúng, nón…Còn “các Mường, Mán ở Thanh Sơn, Yên Lập hay Đoan Hùng mang lâm sản đổi cho người Kinh lấy muối, mắm, cá khô, dầu hỏa.” [7, tr. 40]. Ngược lại tại các thị xã, thị trấn nơi có nhiều công chức cơ quan, binh lính, học sinh, khách bộ hành lưu trú là những đối tượng tiêu thụ nhiều hàng hóa. Đây là điểm thu hút người mua người bán cả một vùng nông thôn rộng lớn. Nông dân ra thị xã bán thóc gạo, gà vịt, tôm cá, rau quả, tre gỗ, măng tươi, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, mật ong và các sản phẩm nông, lâm nghiệp khác. Họ lại mua về những thứ mà chợ phiên không có hoặc rẻ hơn. Thị xã, thị trấn cũng là nơi thu gom tập kết các sản vật địa phương để cung cấp cho các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đã quy định kinh tế Yên Lập chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp chỉ mang tính chất là nghề phụ chưa tách khỏi nông nghiệp.

Tiểu kết: Là một huyện miền núi của vùng tây bắc, vấn đề ruộng đất trong nửa đầu thế kỷ XIX qua tư liệu địa bạ Gia Long 4 (1805) và Minh Mệnh 21 (1840), chúng tôi thấy tình hình ruộng đất ở huyện Yên Lập có một số đặc điểm sau: ở Yên Lập hoàn toàn không có ruộng đất công, 100% là diện tích ruộng tư. Quy mô sở hữu ruộng đất chưa lớn, chủ yếu là sở hữu vừa và nhỏ. Phần lớn ruộng đất tập trung vào nhóm họ Hoàng vì đây là một dòng họ thổ tù thế tập, ngoài ra còn có họ Nguyễn, họ Đinh. Trong địa bạ, chất lượng đất đai chỉ có ruộng hạng ba, thu điền. Kinh tế nông nghiệp của huyện còn lạc hậu chủ yếu là trồng lúa với kỹ thuật canh tác thô sơ, lạc hậu dẫn đến năng suất cây trồng thấp, thủ công nghiệp kém phát triển, trình độ tay nghề thấp sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ trong gia đình, thương nghiệp chỉ phát triển ở nhưng nơi đông dân cư, trung tâm của huyện.

Chương 3

VĂN HÓA HUYỆN YÊN LẬP NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kinh tế, văn hóa huyện yên lập tỉnh phú thọ nửa đầu thế kỷ XIX (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)