7. Cấu trúc của luận văn
3.1. Làng bản và nhà cửa
Người Mường ở Yên Lập cư trú tập trung ở những dải đồng bằng thung lũng hẹp dưới chân núi, bên sườn đồi, nơi đất thoải gần sông suối, ngòi hay trên các đồi gò thấp. Làng bản Mường tập trung thành từng chòm, xóm, ẩn dưới màu xanh cây cối trồng quanh nhà. Các bản mường thường có khoảng từ 20 đến 30 nóc nhà, bản to có thể nhiều nhà hơn. Khuôn viên của mỗi gia đình thường nổi bật lên những hàng cau, cây mít. Trên tất cả các khu vực định cư của người Mường có nhiều cánh đồng, đất đai thuận tiện cho trồng trọt. Đường vào bản thường là những con đường mòn nhỏ quanh co men theo sườn đồi, gò hoặc phải lội qua những con suối, ngòi tạo cảm giác dễ nhầm dễ lạc.
Mỗi làng của người Mường thường quần tụ nhiều dòng họ, trung bình mỗi làng có từ bốn đến năm dòng họ. Làng thiết lập ở sườn đồi, nhà cửa bố trí từ chân đồi lên lưng chừng đồi theo hình vành khăn. Nếp nhà chính là nhà sàn, tựa lưng vào núi, mặt ngoảnh ra đồng ruộng. “Tên làng thường đặt theo đặc điểm địa hình tự nhiên. Mỗi làng có một miếu thờ thổ công, bến nước chung, bãi thả trâu, bãi tha ma và cùng chung một hệ thống thủy lợi. Làng có ranh giới riêng, mặc dù chỉ mang tính ước lệ nhưng được truyền lại cho nhiều thế hệ. Người Mường thường dựa vào dòng nước, sông suối, gốc cây to hay hòn đá để phân chia địa giới của làng” [35, tr. 25-26].
Khác với bản làng của người Mường, người Kinh, làng bản của người Dao Yên Lập được thiết lập trên những bản động vùng cao, dốc gần suối nước hoặc nơi có điều kiện dẫn nước về nhà. Mỗi thôn có khoảng vài chục nóc nhà cũng có khi đông hơn. Do ảnh hưởng hình thức bố trí nơi cư trú của người Mường, nên xung quanh nhà ở của người Dao cũng có một khoảng đất trống để làm vườn nhỏ trồng rau xanh và cây ăn quả. Những nơi có điều kiện người ta còn đào ao để thả cá và nuôi ngan vịt.
Khác với những người dân tộc thiểu số, làng của người Kinh được lập nên ở những nơi bằng phẳng, là khu vực trung tâm của vùng đó, thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn buôn bán và theo tiêu chí “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”.
Nhà ở của người Mường Yên Lập phổ biến là nhà sàn và là loại hình nhà truyền thống. Nhà sàn của Việt Nam đã lưu giữ trong nó một giá trị lịch sử văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt “nhà sàn Mường với dáng nhà cổ xưa có mái khum khum hình mai rùa như được miêu tả trên trống đồng Ngọc Lũ thuộc về văn hóa Đông Sơn mà cả thế giới biết đến” [12, tr. 86].
Như vậy nhà sàn không chỉ là chỗ ở, mà còn là sự biểu hiện của lối sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Tính chất cổ xưa của ngôi nhà sàn Mường thể hiện ở việc nó được nhắc đến trong mo Mường Đẻ đất đẻ nước đó là việc rùa xám, rùa vàng (rùa thiêng) dạy dân cách làm nhà sàn, dựa trên sự mô phỏng tự nhiên một cách sáng tạo và ngôi nhà sàn được làm nên từ gỗ lạt, nứa lá, tranh tre vừa thích ứng, vừa khai thác tự nhiên.
Nhà sàn Mường thường có bốn gian và năm hàng cột. Có hai yếu tố rất quan trọng của ngôi nhà sàn Mường truyền thống là nơi thờ cúng và nơi đặt bếp. Nhà ở của người Mường có một cái cột gọi là cột chồ ở góc phía cầu thang nơi đầu thang liền với sàn. Cột này được gọi là cột thiêng. Bàn thờ gia tiên được làm cạnh cột này.
Nhà sàn Mường bố trí các gian trên sàn như sau:
Gian đầu là gian có cột chồ, được gọi là gian gốc, chỉ đàn ông trong nhà được nằm ở đó, vì có bàn thờ gia tiên. Trong các việc như tang lễ, hôn lễ chỉ những người có vai cao trong họ mới được ngồi ăn cơm ở gian này, trải chiếu sát với cửa sổ. Ở gian này còn có một cột cái đối diện với cột chồ, ở chỗ để các ống nước chân cầu thang. Bên chân cột này là chỗ để chơi và vài cum lúa đã rũ hết thóc. Cột được đội một cái giỏ thủng mà xà chen lên và treo một đoạn tre hay gỗ tước xơ ra ở một đầu, đoạn tre này là biểu tượng dương tính, gọi là nõ, và cái giỏ thủng là biểu tượng âm tính gọi là nường.
Gian thứ hai là đàn ông và khách nam ngủ. Gian thứ ba có bếp và buồng cho phụ nữ. Trong nhà được ngăn ra, phía trên vách bếp đặt bàn thờ táo quân. Gian thứ tư là nhà ở trong, nơi đàn bà trong nhà ngủ, có chạn bát, đồ dùng gia đình và là nơi sửa soạn cơm nước.
Nhà sàn của người Mường truyền thống còn thể hiện tính công dụng đa năng của nó. Vì gia đình bình dân chỉ có một ngôi nhà duy nhất, phần sàn nhà vừa để ở,
vừa làm bếp; phía trên sàn là gác để thóc lúa; gầm sàn là nơi cất giữ công cụ sản xuất (cày, bừa, cuốc, thuổng, nơm úp cá…), cất giữ củi đun, nhốt trâu, bò, chồng nuôi lợn, gà, vịt…rìa cạnh nhà sàn ( ở dưới đất) đặt máng vò lúa, cối xay lúa, cối giã… Còn nhà quan Lang có nhiều căn: nhà chính, nhà phụ, kho thóc, nhà bếp, chuồng trại…
Nhà sàn Mường là một biểu hiện sinh động đặc sắc của văn hóa vật chất từng gắn bó máu thịt với sinh hoạt hằng ngày của đồng bào qua nhiều thế hệ. Trong cấu trúc truyền thống, nhà sàn là một kiến trúc đa năng, ngôi nhà thỏa mãn nhiều nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của mỗi gia đình.
Còn người Kinh thường ở nhà đan phên trát vách đất trộn rơm rạ, mái lợp cọ hoặc tranh, nền nhà và sân bằng đất nện. Nhà khá giả thì lát gạch nền nhà và sân làm chỗ phơi thóc có tường gạch xây bao quanh nhà. Nhà chia làm ba gian, nhà to chia làm năm gian, hai phía đầu hồi thường làm thêm hai chái nhà, có mái một bên chéo xuống. Hai chái nhà thường làm kho chứa thóc, lúa, đồ đạc và các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày. Có nhà dùng làm buồng cho đàn bà, con gái ngủ. Các chái nhà đều có cửa mở ra gian nhà chính. Trước nhà đều có hiên để ngồi chơi, hóng mát. Nhà bếp tách khỏi nhà ở, có nhà làm nhà ngang, nơi để cối xay, cối giã gạo, chạn bát, nồi niêu… Chuồng trâu, bò, lợn, gà, vịt…tách khỏi nhà ở, nhưng nhiều nhà đất hẹp, chuồng trâu, bò, lợn nối liền với nhà bếp. Việc dựng nhà cửa của người Kinh được xem là cái mốc quan trọng trong đời một con người, đấy cũng là một trong ba tiêu chí đánh giá người đàn ông xứng đáng được xã hội xem trọng hay chưa.
Nhà ở của người Dao thường làm theo lối nửa đất (phần trệt) nửa sàn. Một nửa dựa vào thế núi, nửa kia làm sàn nhằm thích hợp với cuộc sống du canh du cư và cư trú nơi đất dốc. Người Dao Quần Chẹt chọn đất làm nhà như sau: “khi tìm được địa điểm vừa ý, chọn ngày tốt khấn tổ tiên, nói rõ địa hình địa vật nơi định làm nhà và tối ngủ chờ báo mộng. Mộng thấy điềm tốt hoặc không mộng gì thì làm nhà được. Sau đó chờ một ngày tốt khác, chủ gia đình đến nơi đã định dùng dao nạo sạch một chỗ đất hình tròn to bằng miệng đĩa, nện đất thật chặt rồi cắm hai que nứa chéo nhau thành hình dấu nhân ở giữa vòng tròn ấy. Sớm hôm sau ra thăm, không thấy kiến làm tổ, không có vết con gì đi qua họ mới làm nhà ở đó” [10, tr. 238]. Họ tận dụng những nguyên liệu có sẵn tại chỗ để làm nhà như gỗ, tre, nứa, dây rừng, cỏ tranh, lá gồi...Người Dao không
có thợ làm nhà chuyên nghiệp, mà mọi người trong thôn xóm đều biết làm. Đặc biệt là phụ nữ Dao Tiền cũng biết cưa, đục, bào, đẽo bằng rìu như đàn ông.
3.2. Ẩm thực
Người Mường ở Yên Lập có mẫu số chung về văn hóa ẩm thực của cộng đồng Mường, thể hiện qua câu tục ngữ cổ: “ Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”. Trong đó nổi lên những món ăn không thể thiếu của người Mường, đó là các món đồ như xôi đồ, cơm tẻ đồ, rau, cá đồ, thịt lợn chua, cá chua, thịt thính…
Lúa là cây lương thực chính nên thành phần chủ yếu trong bữa ăn của người Mường gồm có cơm, rau và cá khô, ít khi có thịt. Họ chế biến gạo nếp bằng cách “ đồ” thành cơm nếp, có khi lại chế biến thành cơm lam theo một kiểu khác. Cơm rau đồ chín được dỡ ra rá, tải đều cho khỏi nát trước khi ăn. Đặc biệt ở Yên Lập có loại xôi nếp “ gà gáy” nổi tiếng thơm ngon dẻo ngọt từ xa xưa. Bên cạnh thức ăn chính là cơm, rau, người Mường nơi đây còn có một số món ăn khác như sau:
Món măng được khai thác từ rừng núi là món ăn rất ưa thích của người Mường nơi đây. Măng có nhiều loại và được thu hái theo mùa để làm thức ăn như măng tre, măng nứa, măng giang, măng vầu, măng sặt…Măng được chế biến bằng cách đồ, luộc, nướng, xào…Măng có thể luộc hoặc muối chua ăn quanh năm. Măng tươi bỏ hũ ngâm nước ít hôm là thành măng chua. Các gia đình người Mường có những chum to ngâm măng chua, loại thái mỏng ăn ngay, loại ngâm chua cả cây măng thì có thể để lâu ăn dần cho đến vụ măng năm sau. Món măng chua nay còn dược dùng để làm lễ vật cúng tổ tiên trong dịp tết. Măng chua dùng để nấu cá, nấu ếch, nấu vịt, thịt gà là những món ăn đặc sắc của người Mường.
Ngoài ra người Mường Yên Lập còn có một số món ăn có nguồn gốc động vật mang đậm tính văn hóa tộc người
Món “ đĩa quéch” là món mà vào dịp tết cổ truyền, trên mâm cỗ bày bàn thờ cúng tổ tiên của người Mường không thể thiếu. Một đĩa quéch bao gồm bốn bộ phận “ tuôi, thai, quai, chò” tức là đuôi, tai, mảng đầu mũi, chân giò, mang ý nghĩa tượng trưng đầy đủ cho một con lợn toàn vẹn mà con cháu dâng cúng tổ tiên để tỏ lòng thành kính.
Một món nữa cũng được chế biến từ thịt lợn đó là món “ thịt chua” rất được người Mường Yên Lập yêu thích. Thịt pha thỏi, khía mỏng, xát muối ướp kín. Hai tháng sau bóp
thịt với cơm hoặc bóp với thính (bột ngô rang). Thịt cho vào thính, phủ trên một lượt cơm nóng, rồi đậy kín bằng lá dong, úp miệng chĩnh vào bồ gio để hút ráo nước, dòi, bọ không vào đẻ. Đó là cách làm món thịt chua đặc sắc của người Mường.
Món cá đốt: Do Yên Lập có nhiều suối có cá chạy dọc các làng. Người ta bắt cá còn tươi nguyên, gói trong ba lượt bẹ chuối tươi. Đốt củi gỗ thành than rồi vùi than đỏ bao quanh gói cá. Khi cá chín, người ta cầm cả con bóc dần phần thịt chấm với nước tương gừng ăn nóng. Đó là món ăn phổ biến dân dã của người Mường ở Yên Lập. Cá cũng có thể được ướp chua. Cá được mổ bỏ ruột, rửa sạch, để ráo nước, ướp muối, sau đó rắc cơm nguội và men rượu rồi trộn kỹ cho cá ngấm đều. Xếp cá vào hũ, bịt kín bằng nhiều lớp lá chuối đã hơ qua lửa. Sau mười lăm ngày cho thêm thính ngô nếp, riềng, hành hoa, tất cả trộn đều rồi lại bịt lá chuối, trát cho kín miệng hũ. Cá muối chua từ ba đến sáu tháng là “chín” và để dự trữ ăn quanh năm. Khi ăn thường dùng lá thầu dầu bánh tẻ gói cá chua, kẹp nương trên than hồng hoặc dùng nấu canh, làm bánh. Đây là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ tết của người Mường.
Về đồ uống có món rượu cần của người Mường với nhiều nét riêng và đặc sắc. Công việc ủ hũ rượu cần thường do những người phụ nữ đảm trách. Rượu được ủ từ men chế biến từ lá quế và bột gạo nghiền nhỏ rắc lên một loại xôi nếp đặc biệt ( xôi sau khi đã được đồ chín tãi ra cho nguội). Tiếp đó là quá trình ủ lên men, phơi sấy rồi cho vào bình ủ tiếp. Khi rượu đã được, đổ nước vào bình ngâm tiếp khoảng hai tiếng thì rượu ngấm. Rượu cần ủ sẵn có thể để quanh năm, và nếu không mở nắp, không đổ nước, cứ ủ kín, bình rượu cần có thể cất giữ vài năm, càng để lâu rượu càng ngon càng quý, dùng để tiếp khách quý hoặc trong các dịp đón tết năm mới, cưới xin, dựng nhà, mừng nhà mới hay dịp lễ hội của làng bản.
“Gọi là rượu cần bởi khi uống rượu đồng bào dùng bộ cần trúc, được làm từ những nhánh tre hoặc trúc nhỏ, hơ lửa và thông lỗ, được uốn theo dáng bình, mỗi bình có thể cắm nhiều ống để nhiều người cùng thưởng thức. Do vậy có ý kiến đã nhận xét rằng, rượu cần là thứ không thể “độc ẩm”, cũng không thể “đối ẩm” mà phải là “quần ẩm”, nhiều người cùng uống rượu cần tạo nên sự gắn kết cộng đồng bằng chất men ngọt ngào của rượu được gìn giữ từ bao đời nay” [12, tr. 55-56].
Bên cạnh rượu cần, người Mường còn có một thức uống độc đáo đó là “rượu Hoẵng”.
Phụ nữ cũng như nam giới thích hút thuốc lào bằng loại ống điếu to. Đặc biệt phụ nữ còn có phong tục nhiều người cùng chuyền nhau hút chung một điếu thuốc. Còn nước uống hằng ngày, người Mường uống nước lã múc trực tiếp từ “mó”, hoặc khe suối. Nước trong vắt, được đựng trong ống bương, vác về nhà, uống mát rượi.
Còn người Kinh, từ xa xưa tới nay là dùng cơm tẻ và các loại ngũ cốc: đỗ, lạc, vừng, ngô, khoai, sắn. Gạo nếp được dùng nấu xôi, chè ngày Tết, giỗ chạp, gạo nếp còn dùng nấu rượu và làm bánh. Người Kinh rất thích ăn những món mắm làm bằng tôm, tép, cá. Trong bữa ăn nhất thiết phải có món canh hoặc món luộc để có nước húp, chan. Người Kinh có thói quen ăn trầu, cả đàn ông và đàn bà, chủ yếu là đàn bà. Lá trầu kèm với vôi tôi, miếng vỏ cây (cây chay, cây vỏ già) và miếng cau được ăn cùng một lúc. Ăn trầu đã trở thành một nét văn hóa Việt cổ và thành một phong tục có tính nghi thức bắt buộc trong việc tế, lễ, ăn hỏi, lễ cưới, hội hè… những ngày đó nhất thiết phải có trầu cau. Đàn ông thường hút thuốc lào, một số ít hút thuốc lá. Các thức uống quen thuộc hàng ngày là nước vối, chè xanh. Cây chè được trồng ngay trong vườn nhà hoặc ở bờ đồi, bờ nương, người dân hái lấy lá về đun nước uống. Uống trà hút thuốc là một trong những thói quen lâu đời của người Kinh. Rượu trắng nấu từ gạo, khoai, sắn là thức uống có men say chỉ dùng trong các ngày lễ tết, hội hè, cưới hỏi, ma chay, đình đám.
Còn người Dao, do sinh sống gần người Mường nên trong sinh hoạt hằng ngày họ bị ảnh hưởng lớn từ người Mường. Có thể tóm tắt trong câu “cơm lam, nhà gác, nước vác, lợn thui. Cơm ăn hằng ngày không thổi bằng nồi họ đổ vào ống nứa tươi, đốt cho chín rồi bóc ra ăn. Nước múc vào ống tre hay bương, để tiện lúc trèo cao xuống dốc. Nhà ở là nhà sàn tức cũng là nhà gác, dưới sàn nuôi gia súc để tiện việc đề phòng ác thú. Thực phẩm có rau và cá khô, ít khi có thịt. Các ngày hội hè hoặc khi có công việc thì phải giết thú vật, thì họ dùng lửa để thui, trước khi nấu chín” [7, tr. 22].
3.3. Y phục và trang sức
Người Mường có đặc trưng riêng về tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục. Người Mường Yên Lập có chung những nét trang phục của cộng đồng Mường. Nhất là thể hiện ở y phục phụ nữ: “ một cái váy, một cái yếm, một chiếc áo yếm hoặc một chiếc áo dài hai chiếc thắt lưng với một cái khăn nhô trùm đầu”. [45, tr. 78].