Sử dụng BM kết hợp bộ lọc các chỉ tiêu phân tích cơ bản – F_Score

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm định danh mục đầu tư cổ phiếu giá trị trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 35 - 40)

2.3 Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm về cổ phiếu giá trị và đầu tư giá trị

2.3.3 Sử dụng BM kết hợp bộ lọc các chỉ tiêu phân tích cơ bản – F_Score

Theo Damodaran (2012) việc sử dụng P/E hay BM có những hạn chế nhất định và do đó không chắc chắn là tất cả những cổ phiếu có BM cao đều có tỷ suất lợi nhuận vượt trội như nhau. Piotroski (2000) cũng chỉ ra rằng sự thành công của chiến lược này (đầu tư vào cổ phiếu BM cao) lại phụ thuộc vào hiệu quả nổi trội của một vài doanh nghiệp, trong khi bỏ qua hiệu quả yếu kém của nhiều doanh nghiệp khác. Như vậy một cổ phiếu có BM cao chưa hẳn là một cổ phiếu tốt. Những trường hợp có thể làm BM cao cho dù doanh nghiệp có thể không tốt trong một số tình huống như đã đề cập ở trên. Do đó, để tăng cường thêm bộ lọc các cổ phiếu tốt, trong các cổ phiếu có BM cao ta có thể dùng thêm những chỉ tiêu phân tích cơ bản khác để phân nhóm lại một lần nữa các cổ phiếu BM cao này từ đó lựa chọn ra một danh mục đầu tư tốt nhất.

Với ý tưởng này, Piotroski (2000) đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm các cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Mỹ trong giai đoạn 1976 đến 1996 bằng cách lựa chọn ra nhóm các cổ phiếu có BM cao, từ nhóm các cổ phiếu BM cao này, bằng cách sử dụng một nhóm các chỉ tiêu phân tích cơ bản dựa trên BCTC của doanh nghệp. Piotroski tiến hành phân nhóm bằng cách dùng 9 tín hiệu tài chính để chấm điểm các biểu hiện về tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp chỉ tiêu là tốt sẽ được chấm điểm là 1, không tốt là 0. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm cổ phiếu có BM cao có TSLN sau một (hai) năm nắm giữ là 23.9% (47.9%) cao hơn 5.9% (12.7%) so với thị trường. Đặc biệt nghiên cứu của Piotroski cũng chỉ ra DMĐT có điểm số F_Score cao có TSLN bình quân cao hơn 7.5% so với thị trường và cao hơn 23% so với nhóm có F_Score thấp. Sử dụng kết quả hồi quy để đánh giá những yếu tố tác động đến lợi nhuận của các cổ phiếu trong danh mục. Piotroski cũng cho thấy rằng sau khi đã kiểm soát sự khác biệt về quy mô doanh

nghiệp và sự khác biệt về tỷ lệ BM thì một sự cải thiện trong điểm số tổng hợp F_Score tương ứng với một sự tăng thêm khoảng 2.5% đến 3% lợi nhuận cho cổ phiếu.

Phát triển dựa trên nghiên cứu của Piotroski, Mohr (2012) nghiên cứu các cổ phiếu ở khu vực Eurozone trong giai đoạn từ 1999 đến 2010, kết quả nghiên cứu cho thấy bằng việc tính điểm F_Score và phân nhóm các cổ phiếu có BM cao danh mục có F_Score cao có tỷ suất vượt trội danh mục F_Score thấp 8/12 năm quan sát. Danh mục F_Score cao có tỷ suất sinh lời bình quân cao hơn thị trường 10.74%/năm. Chiến lược mua nhóm cổ phiếu F_Score cao và bán các cổ phiếu F_Score thấp có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận bình quân 24.57%/năm. Do đó đây hứa hẹn là một chiến lược đầu tư hiệu quả trong việc thiết lập một DMĐT thụ động có thể chiến thắng thị trường. Kết quả hồi quy cũng cho thấy biến F_Score có ý nghĩa về mặt thống kê trong giải thích tỷ suất lợi nhuận đã điều chỉnh so với thị trường của cổ phiếu nghiên cứu. Bên cạnh biến F_Score thì biến số BM, quán tính giá (Moment) và tích lũy (Accural) cũng có ý nghĩa về mặt thống kê trong việc giải thích lợi nhuận của cổ phiếu giá trị.

Mở rộng nghiên cứu ở các quốc gia khu vực châu Á, Kang & Ding (2005) đã tiến hành nghiên cứu các cổ phiếu ở 6 quốc gia bao gồm: Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Thái Lan trong giai đoạn từ tháng 1/1991 đến tháng 12/2002. Đây là các thị trường đã được xây dựng và phát triển từ những năm 1980 và được đánh giá là các thị trường mới nổi trong giai đoạn này. Tổng số quan sát mà Kang & Ding (2005) nghiên cứu là 14,797, trong đó các quan sát được nhóm vào cổ phiếu giá trị là 7,264 và 7,534 quan sát được đưa vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác biệt về lợi nhuận giữa danh mục có BM cao và BM thấp là dương cho tất cả các thị trường quan sát. Mức chênh lệch lợi nhuận trung bình giữa hai danh mục này thấp nhất là 1% cho thị trường Malaysia và cao nhất là 19% cho thị trường Singapore. Galdi và cộng sự (2013) sử dụng F_Score để xây dựng DMĐT cổ phiếu giá trị từ các cổ phiếu niêm yết ở Sở giao dịch chứng khoán Sao Paulo (Braxin) trong giai đoạn 1994 – 2004. Kết quả nghiên cứu cho thấy DMĐT có BM cao có TSLN bình đã điều

chỉnh so với thị trường là 5.7%, tuy nhiên sau khi tiếp tục phân loại cổ phiếu một lần nữa bằng điểm số F_Score thì có sự dịch chuyển rõ rệt về TSLN. TSLN đã điều chỉnh so với thị trường bình quân của danh mục F_Score cao lúc này là 26.7%/năm. Ngoài ra, chênh lệch TSLN bình quân giữa danh mục F_Score cao và danh mục F_Score thấp là 46.9% trong giai đoạn nghiên cứu.

Tương tự như vậy, Tantipanichkul & Supattarakul (2010) nghiên cứu TSLN của DMĐT cổ phiếu giá trị trên TTCK Thái Lan trong giai đoạn 1994 – 2008, kết quả cũng cho thấy danh mục có F_Score có lợi nhuận vượt trội so với danh mục F_Score thấp, phần lợi nhuận vượt trội trung bình trong khoảng thời gian nghiên cứu là 10%.

Hyde (2014) nghiên cứu ảnh hưởng của các tín hiệu trong F_Score cho các cổ phiếu ở tất cả các quốc gia trong chỉ số MSCI trong giai đoạn từ 2000 đến 2011 (bao gồm 22 quốc gia). Kết quả nghiên cứu tác giả cũng phù hợp với những nghiên cứu trước đây, các cổ phiếu có F_Score cao có tỷ suất sinh lời bình quân cao hơn 4.36%/năm so với nhóm cổ phiếu có F_Score thấp cho kì đầu tư 1 năm. Tuy nhiên cũng có những năm mà chênh lệch TSLN giữa nhóm có F_Score cao và thấp là âm (2000, 2009) đây là những năm thị trường có những biến động lớn. Nghiên cứu cũng chỉ ra biến số quy mô doanh nghiệp không ảnh hưởng đến chênh lệch lợi nhuận giữa nhóm F_Score cao và F_Score thấp hay nói cách khác chênh lệch lợi nhuận giữa nhóm F_Score cao và thấp không bị ảnh hưởng bởi biến quy mô. Điều này khác với kết quả của Piotroski (2000) khi nghiên cứu cho thấy có phần bù quy mô với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Về ảnh hưởng của BM, Hyde (2014) cũng chỉ ra tồn tại phần bù do yếu tố BM, cụ thể nhóm có BM cao có phần bù cao hơn nhóm có BM thấp hơn. Cuối cùng, yếu tố quán tính về giá trong thời gian 1 năm có ảnh hưởng đến phần bù giữa hai nhóm F_Score cao và thấp trong khi quán tính về giá 6 tháng thì không có ý nghĩa về mặt thống kê rõ ràng.

Mặc dù trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về đầu tư giá trị được thực hiện ở các TTCK khác nhau, tuy nhiên hướng nghiên cứu này ở Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Phạm Hữu Hồng Thái và Nguyễn Vũ Hồng Phượng (2015) nghiên cứu về đầu tư giá trị

bằng việc kết hợp cả hai chỉ tiêu P/E và P/B để xây dựng DMĐT cổ phiếu giá trị cho các cổ phiếu niêm yết ở HoSE trong giai đoạn 2009 – 2013. Kết quả nghiên cứu cho thấy TSLN của DMĐT cổ phiếu giá trị vượt trội hơn so với danh mục cổ phiếu tăng trưởng, sự vượt trội về TSLN của DMĐT cổ phiếu giá trị so với danh mục thị trường thì không cố ý nghĩa về mặt thống kê. Cụ thể, khi sử dụng P/E để xây dựng DMĐT cổ phiếu giá trị, kết quả nghiên cứu cho thấy danh mục có P/E thấp có TSLN bình quân cao hơn 21%/năm so với danh mục có P/E cao, so với danh mục thị trường thì TSLN của danh mục P/E thấp cao hơn bình quân 9.96%/năm. Khi sử dụng P/B để xây dựng DMĐT cổ phiếu giá trị, kết quả nghiên cứu cho thấy danh mục P/B thấp có TSLN trung bình cao hơn 25.68%/năm so với danh mục có P/B cao, sự khác biệt về TSLN này cũng có ý nghĩa về mặt thống kê, so với danh mục thị trường thì danh mục P/B thấp có TSLN bình quân cao hơn 13.8%/năm. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có một số hạn chế nhất định. Thứ nhất, giai đoạn nghiên cứu chỉ trong vòng 5 năm (từ 2009 đến 2013), đây là một khoảng thời gian khá ngắn để đánh giá hiệu quả về đầu tư giá trị. Thứ hai, việc xây dựng DMĐT chỉ dự vào chỉ tiêu P/E hoặc P/B có thể bỏ sót những doanh nghiệp tốt do hai chỉ tiêu này có những hạn chế nhất định. Thứ ba, P/E và P/B được xác định hằng năm, tuy nhiên khi xây dựng DMĐT tác giả lại xây dựng theo tháng như vậy sẽ làm giảm đáng kể ý nghĩa của hai chỉ tiêu trên trong việc hình thành DMĐT. Mặt khác nghiên cứu cũng không chỉ rõ độ trễ về thời gian trong việc hình thành DMĐT, thông thường chỉ có thể xây dựng DMĐT sau khi BCTC của các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu đã được công bố.

Tóm lại, qua một số nghiên cứu thực nghiệm về DMĐT cổ phiếu giá trị đề cập ở trên, việc sử dụng các chỉ tiêu như BM, P/B hay BM kết hợp F_Score để lựa chọn cổ phiếu để đầu tư có thể mang lại hiệu quả cao hơn so với việc áp dụng riêng biệt chỉ tiêu P/E hay BM cho nhà đầu ở các thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu và ở các thị trường đang phát triển như Braxin, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan,… Ở Việt Nam, Phạm Hữu Hồng Thái và Nguyễn Vũ Hồng Phượng (2015) nghiên cứu về DMĐT cổ phiếu giá trị chỉ dừng lại ở việc sử dụng hai chỉ tiêu P/E và P/B để lựa chọn cổ phiếu giá trị. Tuy vậy,

nghiên cứu về đầu tư giá trị cũng như xây dựng DMĐT giá trị dựa trên chỉ số BM kết hợp với F_Score hiện nay vẫn chưa được áp dụng vào TTCK Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểm định danh mục đầu tư cổ phiếu giá trị trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)