Mối quan hệ giữa khái niệm hứng thú với các hiện tượng tâm lý khác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hứng thú với giờ học giáo dục thể chất cho sinh viên trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật đại học thái nguyên​ (Trang 26 - 29)

5. Giả thuyết khoa học

1.2.4. Mối quan hệ giữa khái niệm hứng thú với các hiện tượng tâm lý khác

Hứng thú là một hiện tượng tâm lý phức tạp, để hiểu rõ bản chất của nó, cần xem xét nó trong mối quan hệ với các hiện tượng, diễn biến tâm lý khác. Là một thuộc tính tâm lý cá nhân, hứng thú liên quan chặt chẽ với các hiện tượng tâm lý khác như: nhu cầu, sở thích, thị hiếu, tình cảm, tính tò mò, tính ham hiểu biết, năng lực, thái độ...

* Hứng thú và nhu cầu

Đa số các nhà tâm lý học cho rằng: “Nhu cầu là sự đòi hỏi tất yếu mà con người thấy cần được thỏa mãn để tồn tại và phát triển”. Trong nhu cầu của con người luôn có sự thống nhất giữa yếu tố khách quan và chủ quan. Khi con người đứng trước một nhu cầu khách quan nào đó, trước khi nó trở thành động lực thúc đẩy tính tích cực của mình thì nó phải được phản ánh vào đầu óc con người, phải được con người ý thức về nó. Một khi nhu cầu đã được con người phản ánh và ý thức sẽ trở thành một thuộc tính chủ quan, một thái độ của nhân cách; nó có xu hướng điều chỉnh hành vi và hoạt động, xác định hướng tư duy, tình cảm và ý chí của người đó.

Giữa hứng thú và nhu cầu có mối quan hệ qua lại với nhau. Trước hết nhu cầu có thể không cần yếu tố hấp dẫn nhưng hứng thú phải luôn gắn liền với yếu tố hấp dẫn. Đối tượng để thỏa mãn nhu cầu có thể cụ thể hoặc trừu tượng,

trái lại đối tượng của hứng thú phải cụ thể rõ ràng. Nhưng giữa hứng thú và nhu cầu có liên quan chặt chẽ với nhau. Nhiều khi hứng thú nảy sinh trên cơ sở của một nhu cầu, ngược lại nhiều hứng thú có thể tạo ra nhu cầu của cá nhân về đối tượng mà nó say mê.

Tuy hứng thú và nhu cầu là động cơ hoạt động, nhưng hứng thú là thái độ, tình cảm đặc biệt của chủ thể dành cho đối tượng, còn nhu cầu biểu hiện bằng lòng mong muốn, khát khao của chủ thể với đối tượng có khả năng đáp ứng. Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi nhấn mạnh tính hấp dẫn, ý nghĩa và khoái cảm tinh thần của đối tượng đối với hứng thú, trong khi nhu cầu nhấn mạnh đến sự thoả mãn, có qui luật bão hòa và có tính chu kỳ. ..

* Hứng thú và sở thích, thị hiếu

Sở thích là ý thích riêng của mỗi cá nhân đối với đối tượng nào đó tương đối ổn định và lâu dài. Trong bất cứ hoạt động nào của con người hay của xã hội cũng tồn tại sự yêu thích khác nhau của các cá nhân với đối tượng. Sở thích nào được hình thành và tồn tại trong chủ thể một cách lâu dài, chi phối việc

hình thành và hoạt động thỏa mãn nhu cầu thì được gọi là thị hiếu.

Theo Từ điển Tiếng Việt: Thị hiếu là xu hướng ham thích một lối, một kiểu nào đó đối với những thứ sử dụng hoặc thưởng thức hằng ngày.

Thị hiếu vừa là biểu hiện sự yêu thích của cá nhân vừa là có tính cộng đồng xã hội. Thị hiếu có thể thay đổi theo sự thay đổi của xu hướng cá nhân và xã hội theo những khoảng thời gian khác nhau.

Thị hiếu được hình thành và phát triển trong chính quá trình sản xuất, tiêu dùng, phương thức để thỏa mãn nhu cầu của cá nhân cũng như của xã hội. Như thế, thị hiếu được hình thành trong một thời gian dài, tồn tại như một phẩm chất văn hóa của chủ thể thỏa mãn nhu cầu. Trong thành phần của thị hiếu có trình dộ văn hóa, trình độ học vấn và truyền thống cùng nhiều yếu tố khác.

Thị hiếu trở thành đối tượng được nghiên cứu như một khái niệm căn bản gắn liền với sự tiêu dùng của cá nhân và xã hội cũng như đặc điểm thỏa

mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của chủ thể.

Sở thích và thị hiếu cũng là biểu hiện của hứng thú về những khía cạnh độc đáo, riêng biệt, đặc thù thường gắn với tiêu dùng, còn hứng thú gắn với hoạt động của cá nhân nhiều hơn.

* Hứng thú và tình cảm

Tình cảm là những thái độ cảm xúc ổn định của con người đối với những sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, phản ánh ý nghĩa của chúng trong mối liên hệ với nhu cầu và động cơ của họ. Tình cảm là sản phẩm cao cấp của sự phát triển các quá trình xúc cảm trong những điều kiện xã hội.

Giữa hứng thú với xúc cảm- tình cảm có quan hệ chặt chẽ. Thái độ của xúc cảm - tình cảm đối với đối tượng là dấu hiệu không thể thiếu được đối với hứng thú. Nhưng hứng thú không phải là xúc cảm - tình cảm. Xúc cảm - tình cảm có thể biểu hiện âm tính hay dương tính gắn liền với việc đối tượng có thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu của chủ thể. Hứng thú gắn liền với sự nhận thức ý nghĩa, giá trị của đối tượng và sự say mê hoạt động hướng về đối tượng để điều chỉnh, khám phá, sáng tạo,...

* Hứng thú và tính tò mò, tính ham hiểu biết

Hứng thú có liên quan chặt chẽ với các hiện tượng tâm lý gần với nó như tính tò mò, tính ham hiểu biết... nhưng hứng thú không đồng nhất với các hiện tượng đó.

Tính tò mò là sự chú ý mạnh mẽ vào yếu tố bất ngờ, cái thay đổi, cái mới xuất hiện ở môi trường bên ngoài. Sự chú ý này có thể kéo dài và đầy xúc cảm nhưng chỉ xuất phát từ khía cạnh bên ngoài mà không đi vào bản chất của đối tượng. Tính ham hiểu biết gần gũi với hứng thú nhưng nó không tập trung vào một đối tượng hoặc một hoạt động nhất định mà nó bị khuyếch tán. Một đứa trẻ ham hiểu biết thường không có hứng thú sâu sắc với một đối tượng, nhưng lại hứng thú với mọi thứ xung quanh. Nhiều nghiên cứu về hứng thú đã khẳng định trong quá trình phát triển hứng thú ở cá thể, tính tò mò là biểu hiện đầu

tiên của hứng thú, kế đó tính ham hiểu biết mới xuất hiện.

* Hứng thú và thái độ

Hứng thú là xu hướng chiếm ưu thế của cá nhân nhằm vào đối tượng nào đó có ý nghĩa trong cuộc sống và tình cảm của nó. Hứng thú là động lực thúc đẩy, duy trì hoạt động tích cực của cá nhân. Hứng thú là một dạng thái độ đặc biệt, chứa đựng những quan điểm cảm xúc, cách sử dụng quen thuộc với đối tượng. Vì vậy, biết được cá nhân có hứng thú với đối tượng nào, đồng thời chúng ta biết được thái độ của họ với đối tượng đó. [8]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hứng thú với giờ học giáo dục thể chất cho sinh viên trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật đại học thái nguyên​ (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)