Vai trò của hứng thú trong hoạt động của cá nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hứng thú với giờ học giáo dục thể chất cho sinh viên trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật đại học thái nguyên​ (Trang 29 - 32)

5. Giả thuyết khoa học

1.2.5. Vai trò của hứng thú trong hoạt động của cá nhân

Hứng thú có vai trò quan trọng đối với mọi hoạt động của con người. Cùng với nhu cầu, hứng thú kích thích hoạt động, làm cho con người hoạt động tích cực, say mê và đem lại kết quả cao trong trong mọi hoạt động.

Khi có hứng thú đối với một công việc nào đó, con người sẽ thực hiện nó một cách hăng say và đạt kết quả cao. Lúc đó, con người sẽ cảm thấy thích thú trong lao động, khiến cho công việc trở nên nhẹ nhàng, tốn ít sức lực hơn và có sức tập trung cao độ. Ngược lại, khi tiến hành một hoạt động nào đó mà không có hứng thú, không có sự say mê, con người sẽ thực hiện nó một cách gượng ép, không mang tính tự giác, hoạt động trở nên khó khăn, nặng nhọc, dễ gây cho con người mệt mỏi, chán nản và hiệu quả đạt được sẽ không cao. Như vậy, hứng thú đã làm tăng sức làm việc của con người, mang lại cho con người niềm vui, niềm say mê trong lao động, làm tăng hiệu quả, chất lượng của hoạt động.

Hứng thú làm nảy sinh khát vọng hành động và hành động một cách sáng tạo. Khi được phát triển ở mức độ cao, sâu sắc, hứng thú biến thành nhu cầu cấp bách. Lúc đó, cá nhân cảm thấy cần phải hành động để thỏa mãn nhu cầu và tự giác bắt tay vào hành động.

Về phương diện tâm lý học, hứng thú được xem như là một cơ chế bên trong, sự biểu hiện của động cơ thúc đẩy quá trình nhận thức của con người. Trong môi trường giáo dục, hứng thú với các hoạt động có thể được xem là sự

biểu hiện của động cơ chủ đạo trong hoạt động của người học. Kết quả đạt được trong các hoạt động giáo dục của người học không chỉ tùy thuộc vào năng lực của mỗi cá nhân, mà còn tùy thuộc cả vào thái độ tham gia hoạt động và hứng thú với các hoạt động của người học. Thực tiễn đã cho thấy ở mỗi người học, kết quả đạt được trong các hoạt động rất khác nhau, do họ có mức độ hứng thú với các hoạt động khác nhau là khác nhau - khi có hứng thú với hoạt động giáo dục nào, họ sẽ thích thú, tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động đó và đạt kết quả cao hơn. Khi đã có hứng thú với một đối tượng nào đó người học sẽ tăng sức dẻo dai của mình trong quá trình hoạt động, vượt qua sự mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần. Nó làm cho người học tập trung chú ý cao hơn, nắm bắt nhanh, bền và thực hiện dễ dàng hơn. Hứng thú tạo ra sự say mê trong hoạt động, giúp người học có thể vượt qua mọi khó khăn để chiếm lĩnh đối tượng một cách nhanh nhất. Ngược lại, khi không có hứng thú với các hoạt động giáo dục, người học dễ rơi vào một tâm trạng rất bất lợi cho việc nắm bắt đối tượng, họ sẽ sớm cảm thấy sự mệt mỏi. Qua nghiên cứu đã chỉ rõ, kỷ luật ép buộc trong môi trường giáo dục cũng đem lại những hiệu quả nhất định cho người học, song nó làm kìm hãm sự phát triển tối đa trong mỗi người học và làm mất đi các giá trị nhân văn. Chính vì vậy, khi được củng cố và phát triển một cách có hệ thống, hứng thú nhận thức sẽ là cơ sở cho việc hình thành thái độ tích cực với các hoạt động giáo dục của người học. Đây sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy các họ làm việc, giúp cho hành động trở nên nhẹ nhàng, thoải mái và đạt hiệu quả cao hơn.

Hứng thú trực tiếp không chỉ là động lực thúc đẩy hoạt động tích cực trong môi trường giáo dục, mà nó còn là thuộc tính bền vững của cá nhân, góp phần quan trọng vào sự hình thành xu hướng của nhân cách. Có tác giả đã viết: “Hứng thú nhận thức giữ vai trò là động cơ quan trọng của hoạt động trong quá trình hình thành nhân cách và thường biểu lộ ra ngoài dưới dạng lòng ham hiểu biết, tính tò mò, lòng khao khát kiến thức mãnh liệt”.

Hứng thú là động lực cơ bản để hình thành và phát triển năng lực ở con

người. Muốn hình thành năng lực phải có hứng thú. “Hứng thú đến mức mãnh liệt, đắm say thường là dấu hiệu của những năng lực to lớn. Và ngược lại, tài năng

thường kèm theo hứng thú mạnh mẽ đối với hoạt động”. Hay đại văn hào

M.Goocki từng viết: “Tài năng nói cho cùng là tình yêu đối với công việc”.

Muốn hình thành năng lực cho bản thân, mỗi người cần phải có hứng thú đối với hoạt động mà mình đang thực hiện và ít nhất phải có hai điều kiện cơ bản:

- Cá nhân phải nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động đó.

- Hoạt động ấy phải có sức hấp dẫn về mặt tình cảm đối với cá nhân: Nhờ có sức hấp dẫn đó mà cá nhân tích cực, say sưa, làm việc ở mức độ cao hơn, họ lĩnh hội kiến thức một cách sâu sắc, tiếp thu được các phương pháp hành động... Năng lực của họ được nâng cao. Do vậy, có thể nói, hứng thú là một trong những yếu tố quyết định việc hình thành và phát triển năng lực của cá nhân.

Mặt khác, giữa năng lực và hứng thú có mối quan hệ biện chứng rất rõ ràng: cái này là tiền đề, điều kiện cho cái kia phát triển và ngược lại. Đúng như L.X.Xôlôvâytrich đã khẳng định: “Hứng thú và tài năng là hai bông hoa mọc chung một cành, hai mặt của một hiện tượng. Nó là một cặp đôi không thể tách rời nhau như câu hỏi và câu trả lời. Tài năng sẽ bị thui chột, nếu hứng thú không thực sự sâu sắc, đầy đủ, và nói chung không được nuôi dưỡng lâu dài. Ngược lại, nếu không có những năng lực cần thiết để thỏa mãn những yêu cầu đòi hỏi của hoạt động thì hứng thú cũng bị lụi tàn”.

Tóm lại, hứng thú có mối liên hệ chặt chẽ với các quá trình tâm lý và các thuộc tính tâm lý khác của con người. Thông qua hứng thú, những nét tính cách của cá nhân được biểu hiện rõ nét, được hình thành, củng cố và phát triển ngay trong hoạt động của con người. Có thể nói, thông qua việc thực hiện các hoạt động mà cá nhân yêu thích sẽ làm nảy sinh nhiều thuộc tính, tâm lý tích cực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hứng thú với giờ học giáo dục thể chất cho sinh viên trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật đại học thái nguyên​ (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)