Quan điểm sử dụng đất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đề xuất phương án quy hoạch sử dụng đất lâm nông nghiệp tại huyện yên thế, tỉnh bắc giang (Trang 83 - 85)

Đất đai là tài nguyên không thể thiếu được cho mọi quá trình phát triển. Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất quyết định sự phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững thì việc sử dụng đất trước mắt và lâu dài cần quán triệt các quan điểm sau:

- Khai thác hợp lý quỹ đất tự nhiên cho phát triển các ngành kinh tế - xã hội trên địa bàn, hạn chế việc sử dụng đất lúa vào các lĩnh vực khác.

Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, với diện tích tự nhiên khá lớn so với các huyện trong tỉnh. Trong quá trình xây dựng và phát triển, khai thác sử dụng quỹ đất tự nhiên phải theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phải làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao; hạn chế sử dụng đất chuyên trồng lúa nước vào mục đích khác để góp phần bảo đảm an ninh lương thực.

- Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất giữa các ngành và sử dụng có hiệu quả các loại đất

+ Trong giai đoạn tới, nền kinh tế - xã hội của huyện không ngừng tăng trưởng, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn cũng như phát triển đô thị diễn ra mạnh mẽ của các ngành rất lớn, do đó sẽ có sự chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất giữa các ngành và trong nội bộ từng ngành. Trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải xem xét hiệu quả kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài với các giải pháp thích hợp nhằm ổn định sản xuất.

+ Rà soát lại cơ cấu và định hướng sử dụng đất của các ngành để có giải pháp điều chỉnh hợp lý, trên cơ sở ưu tiên cho các mục đích trọng điểm, các ngành kinh tế mũi nhọn và đảm bảo hiệu quả sử dụng đất cao.

- Dành quỹ đất hợp lý xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công cộng phục vụ sản xuất và xã hội: Việc đô thị hoá kéo theo sự gia tăng dân số. Vì vậy, trong giai đoạn tới cần dành quỹ đất hợp lý cho phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội và cải thiện đời sống, tinh thần nhân dân.

- Gắn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với mở rộng không gian đô thị:

+ Xây dựng cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước nhằm tạo tiền đề và cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

+ Các khu vực được lựa chọn để phát triển đô thị cần có quy hoạch cụ thể, chi tiết và phải được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với phát triển các khu thương mại, vui chơi giải trí... tạo một tổng thể không gian hài hoà giữa các khu vực, tránh sự chắp vá bất cập trong đầu tư phát triển.

- Đẩy mạnh đô thị hoá phải kết hợp bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên

+ Kiểm soát chặt chẽ chất thải đô thị, tìm các giải pháp hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm, tránh hủy hoại đất, gây ô nhiễm môi trường nước và không khí.

+ Các chế phẩm hóa học như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... phải được xử lý cụ thể để sử dụng hợp lý tránh ô nhiễm môi trường và phá vỡ sự cân bằng sinh thái.

+ Trong khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cần phải tiết kiệm, xử lý các chất thải ra môi trường xung quanh.

+ Quy hoạch khu dân cư nhất là các khu dân cư đô thị cần phải thực hiện đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng điện, nước sạch và xử lý môi trường.

+ Bảo vệ rừng, phát triển và trồng cây xanh dọc theo quốc lộ, tỉnh lộ để đảm bảo môi trường và cảnh quan đô thị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đề xuất phương án quy hoạch sử dụng đất lâm nông nghiệp tại huyện yên thế, tỉnh bắc giang (Trang 83 - 85)