Chương 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.6.1. Giải pháp kỹ thuật
Căn cứ kết quả điều tra, nghiên cứu đã nêu ở trên, để bảo tồn các loài
thực vật Ngành Thông (Gymnospermae), tôi đề xuất các giải pháp kỹ thuật
sau đây:
4.6.1.1. Bảo tồn nguyên vị (in-situ conservation)
Bảo vệ nghiêm ngặt vùng phân bố của các loài thực vật Ngành Thông gồm các Tiểu khu 484; Tiểu khu 489; Tiểu khu 497; Tiểu khu 516, Tiểu khu 510, vì vậy quy hoạch vùng bảo tồn, tổ chức các biện pháp quản lý bảo vệ nghiêm ngặt các loài thực vật Ngành Thông hiện có là rất cần thiết. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình nghiên cứu theo hướng chuyên sâu đến từng loài thực vật Ngành Thông có trong khu vực để có những đánh giá chi tiết về vùng phân bố, đặc điểm sinh thái, khả năng tái sinh, khả năng phát triển của loài, quan tâm đặc biệt tới loài Kim giao, Bách xanh, Tuế hiện phân bố rất hẹp trong Khu bảo tồn.
4.6.1.2. Bảo tồn chuyển vị (ex-situ conservation)
Bảo tồn, phát triển các loài cây hạt trần bằng phương pháp vô tính: mở rộng đối tượng nghiên cứu sang các loài Sa mu, Dẻ tùng sọc trắng, Thông nàng..., xây dựng quy trình nhân giống Bách xanh trên cơ sở kết quả đã nghiên cứu: Đối với loài Sa mu là loài không thấy có tái sinh tự nhiên, cá thể cây mẹ hầu hết đã đến tuổi thành thục tự nhiên; cần phải tiếp tục nghiên cứu,
hoàn thiện quy trình thu mẫu, bảo quản, kỹ thuật tạo cây con, chăm sóc, kỹ thuật trồng để phát triển Sa mu dầu theo theo hướng này. Đối với loài Bách Xanh việc nhân giống vô tính sử dụng loại thuốc IBA, có nồng độ 1 % cho tỷ lệ ra mô sẹo và rễ cao nhất nên tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình phù hợp với điều kiện thực tiễn ở khu BTTN Xuân Liên. Đồng thời với việc xây dựng quy trình nhân giống vô tính các loài thực vật Ngành Thông cần tổ chức thử nghiệm trồng cây tại vườn ươm với nhiều công thức thử nghiệm khác nhau, sẽ tiến hành tạo giống và trồng ra khu vực quy hoạch thuộc 2 khu vực Bản Vịn, Pù Gió để trồng rừng cho các loài cây này.
Nghiên cứu, khảo nghiệm kỹ thuật tạo cây con từ hạt: Đối với một số loài dễ tái sinh bằng Hạt như Kim Giao, Thông Tre, Thông Nàng cần phải nghiên cứu nhân giống bằng hạt phục vụ cho công tác trồng rừng đặc dụng, trồng tại Vườn thực vật để bảo tồn và phát triển các loài này.
4.6.1.3. Xây dựng Chương trình giám sát
Trong hoạt động bảo tồn loài và sinh cảnh của loài muốn thiết lập một kế hoạch như vậy cần phải có một sự hiểu biết khá đầy đủ về các loài và sinh cảnh có trong khu vực như: Chúng phân bố ở đâu, có bị đe doạ không, bị đe doạ đến mức độ nào và chúng thay đổi thế nào qua các năm. Những thông tin này cho phép chúng ta quyết định loài nào hoặc sinh cảnh nào hoặc những mối đe doạ nào cần phải đặc biệt chú ý, và những giải pháp quản lý nào là cấp thiết nhất cần được tiến hành.
Để công tác bảo tồn thiên nhiên tại Khu BTTN Xuân Liên đạt được hiệu quả cao, hướng tới sự bền vững lâu dài cần phải triển khai thực hiện các Chương trình nghiên cứu, theo dõi sự biến động thay đổi của đối tượng giám sát theo thời gian nhằm đánh giá xu hướng biến đổi thành phần các loài, số lượng quần thể và những tác động ảnh hưởng từ bên ngoài vào quần thể. Để từ đó có những biện pháp thích hợp nhằm can thiệp nhằm duy trì sự tồn tại
của đối tượng giám sát theo mục tiêu đã đề ra. Giám sát có thể cung cấp cho chúng ta bức tranh toàn cảnh về sự biến động thay đổi về thành phần loài, số lượng quần thể của từng loài cũng như các tác động ảnh hưởng từ bên ngoài đến quần thể từ đó có thể cung cấp cho ta thêm các các thông tin về: Thành quả của một chương trình hoạt động bảo tồn; các vấn đề trong kế hoạch đề ra cần được tăng cường hoặc sửa đổi; các vấn đề tồn tại và biện pháp thay đổi cần thiết để cải thiện, khắc phục nhằm tăng tính hiệu quả của hoạt động quản lý đối với việc phục hồi, kiểm soát số lượng quần thể, phục hồi sinh cảnh.