Mặc dù là cây bản địa tại miền Đông Nam bộ, nhưng khả năng thích ứng (thể hiện qua tỷ lệ sống, sinh trưởng, phẩm chất cây...) của Sao đen kém hơn so với Sến cát nên có thể cần tăng tiêu chuẩn về cây con đem trồng của loài cây này (về D00, Hvn và tuổi cây con xuất vườn) hoặc có thể tác động kỹ thuật như thay đổi kích thước hố và tỷ lệ phân bón lót khi trồng.
Không nên trồng Sao đen thuần loài với mật độ thưa; nên trồng kết hợp với cây ngắn ngày hay hỗn giao và nhất thiết cần có độ tàn che ban đầu hỗ trợ cho loài cây này ở giai đoạn dưới 5 tuổi. Ngoài ra, có thể trồng theo băng, rạch dưới tán rừng nghèo là một giải pháp có thể lựa chọn do không được phép trồng cây ngoại lai mọc nhanh trong các Khu BTTN.
Dựa vào một số diện tích trồng rừng hàng năm và loài cây Sao đen, đề tài nhận định có 2 phương pháp trồng loại cây này như sau:
+ Phương pháp 1:
Sau khi chặt trắng rừng hay trên đất trống, cây Sao đen được đưa vào trồng xen hàng với loại cây che sáng phủ xanh nhanh là Keo lai hay Keo lá tràm để tạo bóng che ngang cho cây Sao đen còn nhỏ. Khoảng cách giữa các hàng cây Sao đen tốt nhất là 6 m và khoảng cách giữa các cây Sao đen là 4 m. Giữa hai hàng Sao đen xen vào một hàng cây Keo lai hay Keo là tràm, khoảng cách cây Keo là 2 m. Như vậy, số cây Sao đen bằng một nửa so với cây Keo lai hay Keo lá tràm.
Trong những năm đầu tiên, Sao đen sinh trưởng chậm trong khi Keo lai/ Keo lá tràm sinh trưởng nhanh hơn khiến tỉ lệ sống của Sao đen sau khi trồng có thể bị ảnh hưởng, vì thế cần tỉa thưa ngay năm thứ 3 sau trồng.
+ Phương pháp 2:
Trồng rừng Sao đen hỗn giao với một loài cây họ Dầu hay cây họ Đậu làm cây trồng chính và một loài cây hỗ trợ che bóng cây trồng chính những năm đầu sau trồng. Trường hợp này tương tự như trồng hỗn giao của hai loài Sao đen và Sến cát như đã xem xét ở các mô hình rừng trồng tại KBT. Tuy nhiên, không nhất thiết là cây họ Dầu mà có thể là loài cây bản địa họ Đậu khác.
Trong biện pháp này, đất rừng được cày hay cuốc hố toàn bộ, cây trồng trước hay trồng cùng là cây hỗ trợ có tác dụng bảo vệ đất (Keo lai hay cây họ Đậu). Cây Sao đen được trồng thành hàng cách nhau 4 m. Rừng sau khi trồng sẽ bao gồm 4 hàng với khoảng cách hàng là 2 m và xếp như sau: 1 hàng cây Keo lai hay cây họ Đậu, 1 hàng Sao đen, 1 hàng Keo lai hay cây họ Đậu, 1 hàng Sao đen + cây họ Đậu. Như vậy, cây trồng chính gồm hai loài nhưng tỷ lệ cây Sao đen chiếm 3/4 số cây.
Trong cả hai phương pháp trên, cây Sao đen nên được trồng bằng phương pháp cây nguyên trong bầu, cao khoảng 1,0 m, đường kính gốc 1,5 cm, tuổi xuất vườn 1,5 đến 2 năm, kết quả sống sau một năm có thể đạt là 95%.