Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Cơ sở thực tiễn của vấn đề nghiên cứu
1.2.2. Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự
tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng
Ngày 16 tháng 04 năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/1999/NĐ-CP [8] về quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn.
Nghị định xác định rõ một số vấn đề sau:
- Việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) phải do nhân dân bàn bạc và quyết định trên cơ sở dân chủ, công khai, quyết định theo đa số.
- Mức độ huy động đóng góp của nhân dân, mức miễn, giảm cho các đối tượng chính sách xã hội do nhân dân bàn bạc và quyết định căn cứ vào thu nhập bình quân và khả năng đóng góp của nhân dân trên địa bàn.
- Việc huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp đó để xây dựng CSHT của xã được thực hiện theo phương thức nhân dân bàn và quyết định trực tiếp.
- Các xã thành lập Ban giám sát công trình để giám sát quá trình huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Các thành viên của Ban giám sát do nhân dân bàn và quyết định cử ra trong số đại diện hộ gia đình trong xã.
- Hình thức huy động đóng góp của nhân dân có thể bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động.
- Việc thi công công trình phải ưu tiên sử dụng lao động và lực lượng thi công tại xã, chỉ mời thầu và tổ chức đấu thầu với lực lượng thi công ngoài địa bàn xã trong trường hợp công trình đòi hỏi kỹ thuật cao, tính chất phức tạp mà lực lượng của xã không đảm nhận được.
Có thể thấy, Nghị định 24 đã nêu rõ vai trò của nhân dân khi được vận động tham gia đóng góp các khoản tự nguyện phục vụ xây dựng CSHT ở địa phương. Khi đóng góp tiền của, sức lao động, người dân được quyền thảo luận mức đóng góp, được quản lý các khoản đóng góp của mình và được ưu tiên trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng CSHT từ nguồn lực mà mình đóng góp [12].