Phương pháp nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã kim quan, huyện yên sơn, tỉnh tuyên quang​ (Trang 46 - 49)

4. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Phương pháp nghiên cứu

a) Phương pháp thu thập và xử lý tài liệu

Việc thu thập và phân tích tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu là rất quan trọng nhằm giúp ta nhận biết vấn đề một cách nhanh chóng và tổng quát. Những tài liệu này là cơ sở ban đầu định hướng cho kế hoạch và triển khai các mục tiêu nghiên cứu.

* Thu thập số liệu thứ cấp: Xác định đối tượng, nội dung và dạng thông tin phải thu thập gắn liền với đề tài luận văn: Các văn bản pháp quy có liên quan; Số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương; Các tài liệu về thực trạng môi trường và an toàn thực phẩm của địa phương; Các tài liệu khoa học đã được công bố, các thông tin đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; Các đề tài luận văn có nội dung tương tự…

* Thu thập số liệu sơ cấp: Thu thập số liệu sơ cấp bằng phương pháp điều tra phỏng vấn.

- Yêu cầu phiếu điều tra: Thiết kế bộ câu hỏi có các câu hỏi về thông tin chung, câu hỏi thu thập thông tin nghiên cứu, sử dụng câu hỏi đóng và câu hỏi mở; câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, dễ trả lời.

- Mục đích sử dụng bộ câu hỏi hộ cá nhân nhằm thu thập các thông tin số thành viên, trình độ học vấn, kinh tế hộ, các vấn đề về nguồn tài nguyên nước, đất, các vấn đề vệ sinh môi trường, các chính sách pháp luật, dự án phúc lợi xã hội hiểu biết của người dân về môi trường...

Bộ câu hỏi chi tiết và phiếu điều tra (phần phụ lục):

- Đối với các hộ gia đình: Xã Kim Quan có 8 thôn (gồm: Khuân Quại, Khuân Điển, Khuổi Phát, Làng Thang, Làng Hản, Làng Nhà, Kim Thu Ngà, Khuân Hẻ), mỗi thôn sẽ điều tra ngẫu nhiên 10 hộ, tổng điều tra là 80 phiếu. Để có kết quả điều tra khách quan nhưng chính xác và đầy đủ, tác giả chọn ngẫu nhiên các hộ trong từng thôn, không phân biệt giàu nghèo, nghề nghiệp, giới tính, thành phần dân tộc. Trong khi điều tra kết hợp quan sát thu thập số liệu khách quan.

- Đối với cơ quan công sở: Lập 1 phiếu thu thập từ các cán bộ tại UBND xã về dân số, tỷ lệ dân số, hiện trạng sử dụng đất đai, tình trạng kinh tế, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, vấn đề về đa dạng sinh học, các vấn đề môi trường, các chương trình, chính sách của địa phương... Có xác nhận của UBND xã.

Khi hoàn thành xong việc thu thập tài liệu, tác giả tiến hành xử lý với sự hỗ trợ của các phần mềm xử lý số liệu (Excel) có đủ độ tin cậy, phục vụ mục đích nghiên cứu

đề tài. Các số liệu tồn tại ở dạng “thô” sẽ được xử lý thành số liệu ở dạng “tinh” nhờ việc áp dụng công thức tính toán, lập bảng biểu (hiện trạng sử dụng đất, thực trạng phát triển các ngành kinh tế, trình độ dân trí, nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường…).

b) Phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh và đánh giá

Tổng hợp tài liệu, thu thập và kế thừa có chọn lọc các thông tin, dữ liệu có liên quan đến đề tài từ các nguồn dữ liệu (từ các đề tài nghiên cứu, tài liệu hội thảo, từ internet, sách báo...) sau đó phân tích, so sánh, đánh giá theo từng vấn đề phục vụ cho nội dung đề tài.

- Phương pháp so sánh: Từ kết quả phân tích các chỉ tiêu, thực hiện so sánh với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nhằm xác định các mặt đã đạt hoặc chưa đạt.

- Phương pháp đánh giá: được sử dụng để đánh giá những chỉ tiêu đã đạt được ở mức độ nào (Tạm thời, ổn định, bền vững), những chỉ tiêu chưa đạt được, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế và hướng tới phát triển bền vững.

c) Phương pháp chuyên gia

- Tham khảo ý kiến của một số chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực môi trường như các cán bộ tại Phòng Tài nguyên & Môi trường, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Yên Sơn để tìm hiểu về thực trạng và đưa ra các giải pháp giúp xã Kim Quan đạt tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm.

d)Phương pháp điều tra thực địa

- Thời gian khảo sát: từ tháng 9-12/2019.

- Nội dung khảo sát: Khảo sát thực tế hiện trạng môi trường ở các khu vực khác nhau trong địa bàn xã, chụp ảnh tư liệu: Khu vực trung tâm xã, khu vực bãi rác, khu vực suối, khu vực xa trung tâm...

CHƯƠNG 3

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Thực trạng xây dựng nông thôn mới tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Ngay từ những ngày đầu bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Kim Quan đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và Ban Phát triển xây dựng nông thôn mới. Để chương trình thực hiện có hiệu quả, chính quyền xã Kim Quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và đội ngũ tuyên vận viên cấp ủy cơ sở. Thông qua hệ thống truyền thanh xã; các buổi tiếp xúc đối thoại, họp dân, những nội dung cụ thể về chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới sẽ được truyền tải rộng rãi đến người dân. Hàng tháng, hàng quý, các thành viên trong Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo, đánh giá về công tác thực hiện các tiêu chí; đồng thời trực tiếp xuống các địa bàn, các hộ gia đình để vận động, giải đáp những thắc mắc cho người dân để từ đó giúp nhân dân nắm bắt được mục tiêu, tầm quan trọng của công tác chung tay xây dựng nông thôn mới.

Bộ mặt nông thôn đã được thay đổi, thu nhập và đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, đảm bảo an sinh xã hội. Công tác triển khai được tiến hành chủ động, phối hợp chặt chẽ trong công tác vận động nhân dân tổ chức thực hiện các tiêu chí, không thụ động trông chờ, ỷ lại vốn của Trung ương, tỉnh và của huyện, mà xác định tiêu chí nào thuận lợi sẽ cho triển khai thực hiện trước, tận dụng mọi nguồn lực của địa phương nhất là nguồn lực từ trong dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cảnh quan môi trường đường làng, ngõ xóm, xanh - sạch - đẹp.

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện xác định nội dung quan trọng nhất là nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, nhiệm vụ của người dân và cả hệ thống chính trị ở xã trong việc xây dựng xã nông thôn mới. Từ đó các tiêu chí đã được thực hiện tốt. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, UBND xã đã tiến hành nâng cấp các tuyến giao thông, thủy lợi; phong trào vận động phát triển kinh tế hợp tác; ý thức về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được nhân dân hưởng ứng tích cực nên năng suất, chất lượng, sản lượng nông sản không ngừng được tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân luôn được cải thiện. Công tác xóa đói giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt, giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng Nông thôn mới ngày càng được nhân dân hưởng ứng tích cực. Chú trọng các mô hình phát

triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng, an ninh, trật tự được đảm bảo, cảnh quan môi trường được sạch đẹp, quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Tạo được sự tin tưởng của nhân dân đối với công tác lãnh đạo của Đảng và chính quyền. Góp phần thúc đẩy nền kinh tế xã Kim Quan ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Cấp ủy, Chính quyền, sự vào cuộc của các Đoàn thể chính trị xã hội và sự đồng lòng ủng hộ, tích cực tham gia của người dân trên địa bàn xã, đến 31/10/2019 xã đã đạt 13/19 tiêu chí, gồm: Tiêu chí số 1 - Quy hoạch; Tiêu chí số 3 - Thủy lợi; Tiêu chí số 4 - Điện; Tiêu chí 8 - Thông tin và truyền thông; Tiêu chí số 9 - Nhà ở dân cư; Tiêu chí 11 - Hộ nghèo; Tiêu chí 12 - Lao động có việc làm; Tiêu chí 13 - Tổ chức sản xuất; Tiêu chí 14 - Giáo dục và đào tạo; Tiêu chí 15 - Y tế; Tiêu chí 16 - Văn hóa; Tiêu chí 18 - Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; Tiêu chí 19 - Quốc phòng và an ninh. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đã triển khai theo đúng kế hoạch, lộ trình phát huy tính dân chủ và huy động được mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật.

6 tiêu chí chưa hoàn thành, bao gồm: Tiêu chí số 2 - Giao thông; Tiêu chí số 5 - Trường học; Tiêu chí số 6 - Cơ sở vật chất văn hóa; Tiêu chí số 7 - Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Tiêu chí số 10 - Thu nhập; Tiêu chí số 17- Môi trường và an toàn thực phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã kim quan, huyện yên sơn, tỉnh tuyên quang​ (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)