CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Tổng quan về nghiên cứu nông thôn mới và các nghiên cứu có liên quan ở Việt
Việt Nam và trên thế giới
Trong những năm đổi mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn và giải quyết vấn đề nông thôn là những chủ đề thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều cơ quan lãnh đạo, quản lý, các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học trên thế giới cũng như ở nước ta như: Công trình “Chính sách nông nghiệp trong các nước đang phát triển”
của tác giả Frans Ellits (1994); Công trình “Một số vấn đề nông nghiệp, nông dân nông thôn ở các nước và Việt Nam” của các tác giả Benedict J.tria Kerrkvliet, Jamesscott Nguyễn Ngọc và Đỗ Đức Định.
Đặc biệt, sau khi chương trình MTQG xây dựng NTMđược triển khai trên toàn quốc, nhiều tác giả đã có nghiên cứu trực tiếp về vấn đề này. Những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn về xây dựng NTM được đề cập trong cuốn “Xây dựng NTM: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của Vũ Văn Phúc (2013) hay cuốn “Xây dựng NTM: Khảo sát và đánh giá” của Trần Minh Yến (2013). Đồng thời, các tác giả cũng đề cập tới kinh nghiệm xây dựng NTM ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam.
Cuốn “Xây dựng NTM ở Việt Nam: Tầm nhìn mới, tổ chức quản lý mới, bước đi mới” của nhóm tác giả Tô Xuân Dân, Lê Văn Viện, Đỗ Trọng Hùng phân tích khá cụ thể, sâu sắc vai trò và thực tiễn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta trong tiến trình phát triển đất nước và đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp và xây dựng NTM. Nghiên cứu cũng cho thấy, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở nước ta cần đảm bảo sự cân bằng trong phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm thiểu ô nhiễm, nhất là trong bối cảnh BĐKH, coi xây dựng NTM là một tiến trình phát triển lâu dài và toàn diện. Công trình cũng phân tích các nội dung cần thay đổi cho phù hợp với phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay ở nước ta, trong đó có xác định cả việc thay đổi tư duy, cách thức xây dựng NTM [4]. Xây dựng NTM cụ thể đến cấp xã được đề cập trong nghiên cứu “Quy hoạch xây dựng NTM” của Đỗ Đức Viêm [22]. Nguyễn Thị Hoa (2015) với bài viết “Hoàn thiện điều kiện đảm bảo thực hiện thành công chương trình MTQG về xây dựng NTM” làm rõ những quan điểm về: (i) Các điều kiện đảm bảo thực hiện thành công Chương trình MTQG về xây dựng NTM; (ii) Đối chiếu các điều kiện đảm bảo thực hiện thành công Chương trình MTQG về xây dựng NTM (nghiên cứu trường hợp tỉnh Hòa Bình); (iii) Đề xuất định hướng và
giải pháp hoàn thiện các điều kiện nhằm thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 [5]. Nhằm đúc kết những vấn đề lý luận NTM, Hoàng Văn Hoan (2014) đã tập trung phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp “Xây dựng mô hình NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc nước ta”.
Ngoài ra một số công trình nghiên cứu đã đưa những giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới như: “Sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội trong mô hình xây dựng NTM ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định” của tác giả Nguyễn Văn Hiệu (2011) đã chỉ rõ sự tham gia của người dân phải bắt đầu từ công tác tuyên truyền, đưa ra ý kiến xây dựng đóng góp, kiểm tra xử lý các hoạt động trong xây dựng mô hình NTM hay công trình nghiên cứu: “Giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thanh Trương, tỉnh Nghệ An” của tác giả Phan Đình Hà (2011), đưa ra giải pháp để đẩy mạnh nông thôn mới: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân tự hiểu và tự giác thực hiện, tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Xây dựng và phát triển các tổ chức chính trị xã hội nông thôn vững mạnh, vận động nhân dân hiến đất để xây dựng nông thôn mới, xây dựng một số công trình liên xã, đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng các thị trấn, thị tứ trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm sát sao đối với các địa phương có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, công trình của PGS.TSKH. Phan Xuân Sơn và ThS. Lưu Văn Quảng (2015) đã trực tiếp bàn về chính sách, hơn nữa lại là chính sách liên quan đến nông nghiệp nông thôn và chính sách dân tộc trong cuốn “Những vấn đề cơ bản về chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay”.
Việt Nam với nền tảng là một quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời, bên cạnh việc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước thì việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn cũng đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Các công trình nghiên cứu trên đã nghiên cứu nhiều khía cạnh trong việc xây dựng nông thôn mới tại một số nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam và một số địa phương trong cả nước. Các nghiên cứu đã chỉ ra một số vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới như: Các công cụ, chính sách về xây dựng nông thôn mới; việc tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như sự chung tay của toàn thể nhân dân; từ đó đưa ra các giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Dựa trên các kết quả của các công trình nghiên cứu trên, đề tài luận văn có kế thừa một số điểm chung về kinh nghiệm tổ chức quản lý nông thôn, giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, với đặc thù là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường còn chưa cao… thì việc đạt chuẩn nông thôn mới tại xã nói chung và hoàn thành tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm nói riêng đang là một thách thức không chỉ cho
các nhà quản lý mà còn cho nhân dân sinh sống tại xã. Các nghiên cứu trong luận văn sẽ chỉ ra những khó khăn trong công tác xây dựng nông thôn mới cũng như các giải pháp để hoàn thành tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.