CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.4. Tình hình xây dựng nông thôn mới và thực hiện tiêu chí Môi trường và an toàn
thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Sơn, đến nay huyện đã huy động được trên 2.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng: Trên 870km đường bê tông nông thôn; gần 230km kênh mương nội đồng; trên 200 công trình trường, lớp học; trên 300 nhà văn hóa xã, thôn, bản và hỗ trợ xóa gần 1.700 nhà tạm dột nát.
Huyện Yên Sơn cũng đã triển khai các dự án phát triển sản xuất như: Cải tạo vùng chè, nhãn, bưởi; Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu giấy; Chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá đặc sản… Nhiều nông sản xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đến nay toàn huyện đã có 7/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ước thu nhập của người dân Yên Sơn năm 2019 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 9%. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Yên Sơn phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Các công trình hạ tầng thiết yếu đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đến năm 2025 tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2020.
* Kết quả thực hiện tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ cấp huyện đến cấp xã đã được quan tâm, kiện toàn, củng cố, có sự phân công, phân cấp phụ trách thực hiện tiêu chí và địa bàn cụ thể, công tác kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở có trọng tâm, trọng điểm nên đã triển khai kịp thời, có hiệu quả về thực hiện các chỉ tiêu của tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng xã nông thôn mới.
Huyện Yên Sơn đã triển khai và huy động thực hiện nhiều cơ chế chính sách trong thực hiện tiêu chí 17 như: nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh cho các xã xây dựng nông thôn mới, các nguồn vay hỗ trợ theo chính sách về thực hiện các chỉ tiêu thuộc tiêu chí.
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2019 của huyện Yên Sơn, UBND huyện đã đánh giá về kết quả thực hiện các nội dung của tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới như sau:
a) Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định: - Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86,09%.
- Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung: 70,23%. b) Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường:
- Số cơ sở có hồ sơ về môi trường: có 1.280 cơ sở có kế hoạch/cam kết bảo vệ môi trường.
- Tỷ lệ cơ sở có công trình xử lý chất thải: trên 97,4 % số cơ sở có biện pháp xử lý nước thải.
- Tỷ lệ cơ sở có chuyển giao chất thải cho các đơn vị có chức năng, thu gom, xử lý chất thải: Việc vận chuyển chất thải mới được thực hiện đối với cơ sở ở địa bàn có đơn vị triển khai thu gom, xử lý, còn lại các cơ sở tự thu gom và xử lý bằng phương pháp chôn hoặc đốt.
c) Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn:
- Việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường nơi công cộng được thực hiện thường xuyên; khu công cộng hạn chế được hiện tượng xả nước thải, chất thải bừa bãi gây mất mỹ quan.
- Các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn các xã đã nhận thức, ý thức và chủ động thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ không lầy lội.
d) Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch, theo quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh: Các xã trên địa bàn huyện mới được quy hoạch đất nghĩa trang, chưa được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng và có quy chế quản lý; Việc mai táng ở các xã trên địa bàn vẫn thực hiện theo phong tục tập quán của địa phương.
e) Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định:
- Đối với chất thải rắn:
+ Tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Trên địa bàn huyện có 05 đơn vị thực hiện về thu gom, xử lý rác thải tập trung thu gom rác tại một số khu vực đông dân cư như dọc các tuyến đường quốc lộ và trung tâm huyện.
+ Tình hình thu gom, xử lý chất thải sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp): Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đều tuân thủ các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo đúng quy định; phế phẩm, chất thải nông nghiệp được tận dụng làm phân hữu cơ.
+ Tình hình thu gom, xử lý chất thải y tế: Tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện rác thải y tế đều thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý bằng phương pháp đốt ở tại các lò đốt rác thải y tế đã được đầu tư cho bệnh viện và các trạm y tế xã.
+ Tình hình thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật: Trên địa bàn huyện đã được Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ đầu tư 124 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng; thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đáp ứng được một số tiêu chí theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016.
- Về xử lý nước thải:
+ Tỷ lệ khu cân cư tập trung: Trên địa bàn các xã chưa có điểm thu gom, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
+ Tỷ lệ hộ gia đình có biện pháp xử lý nước thải: Đạt trên 67%.
g) Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.
- Tỷ lệ hộ có nhà tiêu đảm bảo vệ sinh đạt: 71,33%. - Tỷ lệ hộ có nhà tắm hợp vệ sinh đạt: 67,72%. - Tỷ lệ hộ có bể chứa nước hợp vệ sinh đạt 71,33%.
h) Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường: - Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có hồ sơ môi trường: Các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn các xã là do các hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ nên không thuộc đối tượng phải thực hiện lập hồ sơ về môi trường.
- Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi thu gom, xử lý chất thải: Trên 90% cơ sở chăn nuôi đều được thu gom, xử lý chất thải về chăn nuôi.
- Các hình thức, biện pháp, mô hình thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi: lắp đặt hầm biogas, ủ làm phân hữu cơ, lót đệm sinh học… để tận dụng lượng phân và chất thải chăn nuôi.
i) Tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm: Trên 90% số cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đều được tập huấn và cam kết chấp hành thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm.
Nhận định về sự chuyển biến tích cực trong ý thức và sự tham gia của các tổ chức, người dân, cộng đồng; sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể… đối với công tác bảo vệ môi trường nông thôn cho thấy đã có nhiều sự chuyển biến trong ý thức của người dân về thực hiện các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm; các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp
quan tâm, chỉ đạo sát sao trong lộ trình, giai đoạn triển khai thực hiện tiêu chí 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm đối với cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm của một số ít bộ phận của tổ chức, cá nhân còn chưa tốt; địa hình dốc, dân cư thưa thớt cũng gây nên nhiều khó khăn cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải;...