4.1. Hiện trạng nhân nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
4.1.4. Thực trạng công tác quản lý hoạt động nhân nuôi và buôn bán động
hoang dã tại Thanh Hóa
4.1.4.1. Thực trạng công tác quản lý hoạt động nhân nuôi ĐVHD
Tất cả các cơ sở, trại nuôi trên địa bàn tỉnh đều được lập hồ sơ quản lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động nhập - xuất, theo dõi biến động ĐVHD và sản phẩm ĐVHD đều được Chi cục Kiểm lâm, đến các Hạt Kiểm lâm huyện, Kiểm lâm địa bàn quản lý chặt chẽ từ khâu kiểm tra, giám sát, xác định nguồn gốc, chủng loại, số lượng loài đưa vào gây nuôi, đến khâu xác nhận trong lưu thông, xuất khẩu theo đúng quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006, số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ; Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/12/2012, số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2012, số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo định kỳ hoặc đột xuất, chính quyền địa phương, Kiểm lâm địa bàn tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đồng thời tuyên truyền các chủ trại nuôi, cơ sở nuôi chấp hành quy định pháp luật về quản lý, bảo tồn, phát triển ĐVHD theo quy định.
Lực lượng Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra tại các trại nuôi/cơ sở gây nuôi, các nhà hàng, khách sạn có kinh doanh ĐVHD, sản phẩm ĐVHD; kiểm soát tại các tuyến đường có dấu hiệu buôn bán, vận chuyển, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD; công tác quản lý được thực hiện tốt cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động
nhân nuôi động vật hoang dã phát triển và ngăn chặn có hiệu quả việc nuôi nhốt, buôn bán trái phép động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Thông qua việc khảo sát thực tế trên địa bàn cho thấy, vẫn còn một số tồn tại, bất cập làm ảnh hưởng đến công tác quản lý tại tỉnh Thanh Hóa, như:
- Nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD còn mang tính tự phát, manh mún, chạy theo thị trường, chưa có quy hoạch hoặc định hướng quy hoạch vùng gây nuôi đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, phát triển sản phẩm sau gây nuôi.
- Hoạt động nuôi nhốt Gấu cũng như các loài nuôi khác không nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước nên chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, thú y chỉ dừng lại ở mức độ cầm chừng, chưa đảm bảo chế độ dinh dưỡng cần thiết cho Gấu nuôi.
- Hoạt động nuôi nhốt 11 cá thể Hổ gặp nhiều bất cập, do trại nuôi đã được cấp phép trước đây nhưng hiện đã hết hạn giấy chứng nhận trại nuôi, trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ TN&MT chưa đồng thuận, nên UBND tỉnh không thực hiện việc cấp phép thành lập cơ sở bảo tồn ĐDSH cũng như giấy phép nuôi loài ưu tiên bảo vệ; trong khi đó, đã đấu mối, liên hệ các Trung tâm cứu hộ, cơ sở giáo dục môi trường, các vường thú để chuyển giao, tiếp tục chăm sóc, cứu hộ nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị đồng ý tiếp nhận.
- Nghiệp vụ phân loại ĐVHD gây nuôi với ĐVHD từ tự nhiên, hoặc việc phân loại ĐVHD thông qua quan sát của lực lượng Kiểm lâm còn hạn chế.
- Một số loài ĐVHD hiện đang được gây nuôi phổ biến (Vịt trời, Họa mi, Sáo, Cu gáy, Le le,…) chưa được quản lý do không có tên trong danh mục quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006, số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2012, số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Quy chuẩn kỹ thuật gây nuôi các loài ĐVHD hầu như chưa được xây dựng và ban hành nên khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.
Hình 4.7. Cơ sở nuôi Hổ (Panthera tigris) tại huyện Thọ Xuân
4.1.4.2. Công tác quản lý hoạt động buôn bán ĐVHD
Để công tác quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên động vật rừng thực sự có hiệu quả, ngoài việc phát triển các mô hình nhân nuôi ĐVHD theo quy định của pháp luật thì công tác quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển, kinh doanh ĐVHD cần được quan tâm một cách triệt để. Thanh Hóa là địa phương có diện tích tự nhiên lớn, đường biên giới với nước bạn Lào dài, có khá nhiều đường mòn, lối mở qua biên giới, nguồn tài nguyên ĐVHD còn khá phong phú, đặc biệt tại một số huyện khu vực miền núi, do đó có thời điểm vẫn còn xảy ra hoạt động buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép ĐVHD, dù lực lượng Kiểm lâm cũng như các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu, kiểm soát được hoạt động trái phép này.
Bảng 4.4. Tổng hợp tình hình vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD từ năm 2016 - 2018
Năm Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018
Số vụ vi phạm 26 28 14 Trọng lượng (Kg) 514 843,28 163,6 Số cá thể 210 664 90 Số vụ xử lý hành chính 25 28 12 Số vụ xử lý hình sự 01 0 02 Số bị can 0 0 02
Kết quả tổng hợp cho thấy tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có dấu hiệu giảm về số vụ trong năm 2018 (10 tháng đầu năm), nhưng lại tăng về số vụ xử lý hình sự. Điều đó cho thấy những quyết tâm, nỗ lực, cố gắng của các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm và Công an. Kết quả này càng được đánh giá cao khi mà các hình thức buôn bán trái phép ĐVHD ngày càng trở nên tinh vi, chuyên nghiệp, phương tiện hoạt động ngày càng hiện đại, các đối tượng thường manh động, liều lĩnh.
Để có thể ngăn chặn được hoạt động trái phép này, các lực lượng chức năng cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa, tăng cường trao đổi thông tin, tình hình địa bàn; bên cạnh đó, cần có sự đầu tư thỏa đáng để hiện đại hóa phương tiện, thiết bị, công cụ để phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát; song song với đó là việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với lĩnh vực có liên quan, các quy định hiện hành; đồng thời rà soát các đối tượng, hành vi vi phạm, các khu vực thường xảy ra vi phạm để có các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời.
Hình 4.8. Tang vật vi phạm buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã bị thu giữ