Kỹ thuật nuôi chưa hoàn thiện là trở ngại để hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã mang lại hiệu quả cao. Những rủi ro trong chăn nuôi là không tránh khỏi khiến người dân đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiểu biết kỹ thuật chăn nuôi. Toàn bộ các hộ nuôi đều tán thành việc được phổ biến kỹ thuật nuôi các loài động vật hoang dã hiện có dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt với nhóm hộ mới tiếp cận hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã trong một hai năm trở lại đây. Từ trước đến nay, kỹ thuật nuôi của các hộ chủ yếu được hình thành thông qua việc tự tìm hiểu trên mạng internet hoặc tham khảo một số cơ sở chăn nuôi đã có. Các nguồn tài liệu có
thể dễ dàng được tìm kiếm nhưng lại không mang tính chính thống khiến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi áp dụng.
Các hộ nhân nuôi và cơ sở nuôi có nhu cầu phổ biến kỹ thuật một cách hoàn chỉnh từ khâu chuẩn bị, chọn giống, thiết kế, xây dựng chuồng trại, thức ăn, biện pháp chăm sóc, phòng trị bệnh, khai thác sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, việc đề xuất thêm các loài vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng được các hộ nuôi quan tâm.
Hai hình thức phổ biến kỹ thuật được các hộ nuôi đề xuất là tổ chức các lớp tập huấn, hộ trợ tài liệu và tham quan mô hình. Hình thức phổ biến kỹ thuật nuôi thông qua tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ tài liệu được 80% số người được hỏi đề cập đến, trong khi có lần lượt 20% số người được hỏi mong muốn được phổ biến kỹ thuật thông qua thăm quan mô hình.
Kết quả này cho thấy, các hộ và cơ sở nhân nuôi đã nhân thức được vai trò và tầm quan trọng của kỹ thuật nuôi tới hiệu quả của công tác nhân nuôi, đồng thời cũng đề ra được các hình thức phổ biến kỹ thuật phù hợp. Từ đây, các ngành, các cơ quan quản lý, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng nên những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác nhân nuôi thông qua việc phổ biến kỹ thuật nuôi tới các cơ sở và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.