Quy mô ngân hàng có mối quan hệ tương quan thuận chiều với khả năng sinh lời của VCB, phù hợp với giả thuyết ban đầu, có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 10% trong mô hình biến phụ thuộc ROA và mức ý nghĩa 5% trong mô hình biến phụ thuộc ROE. Mối tương quan thuận chiều này thể hiện khi VCB càng mở rộng quy mô, khả năng sinh lời của VCB càng tăng lên. Giá trị của các hệ số hồi quy ở hai mô hình lần lượt là 0,0032 và 0,0671. Hệ số tương đối thấp chứng tỏ quy mô
ngân hàng tuy có ảnh hưởng đến khả năng sinh lời nhưng không phải là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất.
Kết quả nghiên cứu quy mô ngân hàng có mối quan hệ tương quan thuận chiều với khả năng sinh lời phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây của Sehrish Gul, Faiza Irshad và Khalid Zaman (2011), Deger Alper và Adem Anbar (2011), Ong Tze San và The Boon Heng (2012).
Số liệu thực tế về tổng tài sản và tốc độ tăng tổng tài sản của VCB được thể hiện qua biểu đồ trong hình 4.1 dưới đây:
Hình 4.1 Tổng tài sản VCB 2009-2017
(Nguồn: Báo cáo thường niên VCB)
Thực tế là quy mô tổng tài sản của VCB có sự gia tăng đáng kể qua các năm với tốc độ tăng trưởng hàng năm đều ở mức 2 con số, trung bình giai đoạn 2009- 2017 là: 18,77%/năm, tăng mạnh nhất vào năm 2017 với tốc độ 31,4%. Tổng tài sản của VCB tại 31/12/2017 đạt 1.035.293 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần, tương đương với 779.797 tỷ so với cuối năm 2009. Song song với việc gia tăng quy mô tổng tài sản, lợi nhuận của VCB cũng tăng trưởng vượt bậc trong khoảng thời gian này. Việc gia tăng quy mô tài sản, mở rộng mạng lưới chi nhánh đã giúp VCB tăng khả năng tiếp cận với khách hàng, dễ dàng phát triển các hoạt động truyền thống như huy động hoặc cấp tín dụng. Bên cạnh đó khi VCB có nguồn tài sản lớn, VCB dễ dàng đầu tư
công nghệ, phát triển thêm các dịch vụ khác, tăng thêm khả năng tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Như vậy rõ ràng quy mô ngân hàng có tác động tích cực đến khả năng sinh lời của VCB trong giai đoạn 2009 – 2017.