Bao gồm lãi suất tái chiết khấu, thuế quan, hạn ngạch, kiểm soát giá cả.. trong đó công cụ lãi suất tái chiết khấu được sử dụng nhiều nhất và tỏ ra hiệu quả nhất.
Lãi suất chiết khấu : Phương pháp dùng lãi suất tái chiết khấu để điều chỉnh tỷ giá hối đoái được thực hiện với mong muốn tạo ra sự thay đổi dần dần về tỷ giá. Với phương pháp này, khi tỷ giá hối đoái tăng đến mức cần phải can thiệp thì NHTW nâng cao lãi suất tái chiết khấu, từ đó tác động làm hạn chế lượng cung tiền lưu thông trên thị trường. Thị trường buộc phải tăng lãi suất nhằm tăng huy động nguồn vốn từ dân cư bù đắp cho sự thiếu hụt lượng cung tiền này, dẫn đến mặt bằng lãi suất được nâng cao trên thị trường. Theo lý thuyết ngang giá lãi suất, các nguồn vốn ngoại tệ giá rẻ hơn trên thị trường tài chính quốc tế sẽ đổ vào trong nước, được quy đổi ra đồng nội tệ và gửi tiết kiệm tại các NHTM nhằm thu lãi suất cao hơn, hoặc các chủ sở hữu tài sản vốn trong nước chuyển đổi đồng tiền ngoại tệ mình đang sở hữu sang nội tệ có lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn. Nhờ đó mà lượng cung ngoại tệ được gia tăng và sự căng thẳng về nhu cầu về ngoại tệ trong nước sẽ bớt đi. Kết quả là đồng tiền nội tệ tăng giá và tỷ giá hối đoái giảm.
Đây là phương pháp thường sử dụng để điều chỉnh tỷ giá hối đoái trên thị trường. Tuy nhiên, lãi suất do quan hệ cung cầu của nguồn vốn quyết định, còn tỷ giá
thì do quan hệ cung cầu về ngoại tệ quyết định. Yếu tố hình thành tỷ giá và lãi suất là không giống nhau, do vậy mà biến động của lãi suất không nhất thiết kéo theo sự biến động của tỷ giá. Điều này có nghĩa là mối quan hệ nhân quả giữa tăng lãi suất tái chiết khấu dẫn đến làm giảm tỷ giá hối đoái không phải lúc nào cũng xảy ra. Các yếu tố có thể làm cho phương pháp này trở nên kém hiệu quả là tỷ lệ lạm phát, mức độ tự do hóa giao dịch vãng lai và niềm tin của nhà đầu tư vào đồng nội tệ.
+ Khi tỷ lệ lạm phát cao sẽ làm giảm sức mua của đồng nội tệ trong tương lai, vì vậy nó bào mòn thành quả do lãi suất tiết kiệm mang lại. Theo lý thuyết “ ngang giá sức mua” thì trong tương lai người ta sẽ phải trả một số lượng nội tệ nhiều hơn để mua đồng ngoại tệ nhằm thu hồi nguồn vốn ngoại tệ đã bỏ ra, vì vậy những người sở hữu tài sản ngoại tệ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định bán ngoại tệ và mua nội tệ để gửi tiết kiệm.
+ Mức độ tự do hóa giao dịch vãng lai có ảnh hưởng to lớn đến quyết định của nhà đầu tư trong và ngoài nước, những người luôn luôn mong muốn mức kiểm soát cao nhất đối với nguồn vốn của họ. Kiểm soát giao dịch vãng lai chặt chẽ có thể tạo ra những thủ tục hành chánh rắc rối và nhiêu khê, từ đó làm nản lòng nhà đầu tư khi quyết định chuyển nguồn vốn ngoại tệ vào một quốc gia.
+ Một quốc gia mà Chính phủ có thành tích điều hành kinh tế kém cỏi, hoặc có nguy cơ chiến tranh, xung đột tôn giáo, thiên tai, dịch bệnh…… thì chắc chắn là niềm tin vào đồng tiền của quốc gia đó sẽ bị giảm sút. Trong tương lai, đồng tiền của quốc gia này có nguy cơ bị giảm giá trị và tỷ giá hối đoái sẽ tăng cao. Hệ quả là trong tương lai, nhà đầu tư có rủi ro là phải tốn kém nhiều đồng nội tệ hơn để mua lại ngoại tệ nhằm thu hồi nguồn vốn ngoại tệ đã bỏ ra. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài luôn luôn xem xét thận trọng tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của một quốc gia trước khi ra quyết định dịch chuyển nguồn vốn của mình vào một quốc gia.
Ấn định mức lãi suất trần của ngoại tệ kém hấp dẫn tương đối so với lãi suất của nội tệ. Theo lý thuyết “ ngang giá lãi suất” những người nắm giữ ngoại tệ sẽ bán ngoại
tệ và mua nội tệ nhằm mục tiêu được hưởng lợi nhuận cao hơn từ tiền gửi tiết kiệm. Điều này góp phần làm tăng cung ngoại tệ trên thị trường và làm giảm tỷ giá hối đoái.
Ban hành những quy định trạng thái ngoại tệ đối với các NHTM ngoài mục tiêu chính là phòng ngừa rủi ro tỷ giá, còn có tác dụng hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ. Công cụ này chỉ cho phép các NHTM, là những tổ chức nắm giữ ngoại tệ chủ yếu trên thị trường, nắm giữ một lượng ngoại tệ nhất định. Số lượng ngoại tệ dư thừa buộc phải bán ra thị trường hoặc bán cho NHTW, từ đó làm tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.
Điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các NHTM. Khi ngoại tệ khan hiếm trên thị trường, NHTW có thể gia tăng mức dự trữ bắt buộc đối với nguồn vốn huy động ngoại tệ của các NHTM đồng thời ấn định mức lãi suất trần cho vay, làm cho chi phí sử dụng vốn ngoại tệ tăng cao. Để duy trì lợi nhuận, các NHTM buộc giảm lãi suất huy động đối với ngoại tệ. Điều này làm cho lợi nhuận của tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ giảm tương đối so với tiền gửi tiết kiệm bằng nội tệ. Những người gửi tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ có xu hướng bán ngoại tệ mua nội tệ nhằm hưởng mức lợi nhuận cao hơn từ tiền gửi tiết kiệm, từ đó làm cho nguồn cung ngoại tệ được dồi dào hơn.
Thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu: Thuế nhập khẩu tăng cao có tác dụng làm tăng chi phí đối với hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến làm tăng giá bán hàng hóa nhập khẩu. Hàng hóa nhập khẩu trở nên kém cạnh tranh tương đối về giá cả so với hàng hóa nội địa và kết quả là nhu cầu hàng hóa nhập khẩu giảm. Điều này làm cho nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu giảm. Kết quả là ngoại tệ có xu hướng giảm giá và làm giảm tỷ giá hối đoái. Hạn ngạch nhập khẩu nhằm mục tiêu giới hạn giá trị hoặc số lượng hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, nó cũng có tác dụng tương tự thuế nhập khẩu là giảm nhu cầu ngoại tệ để thanh toán hàng hóa nhập khẩu, từ đó làm cho ngoại tệ có xu hướng giảm giá và làm giảm tỷ giá hối đoái. Khi thuế nhập khẩu được giảm thấp hoặc hạn ngạch nhập khẩu được dỡ bỏ thì quá trình sẽ cho kết quả ngược lại.
Biện pháp khác: Chính phủ có thể có nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu những mặt hàng xuất khẩu chiến lược tạo ra nhiều kim ngạch xuất khẩu, từ đó làm gia tăng nguồn cung ngoại tệ khiến cho tỷ giá hối đoái giảm. Ngược lại, Chính phủ cũng có thể bù giá cho những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu cho xã hội. Bù giá làm cho nhu cầu hàng hóa nhập khẩu gia tăng và nhu cầu ngoại tệ cũng gia tăng để thanh toán nhập khẩu, kết quả là tỷ giá hối đoái sẽ tăng cao.