Chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ dưới chế độ tỷ giá cố định

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách tỷ giá hối đoái của việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 30 - 33)

Đầu tiên, mô hình Mundell-Fleming chỉ ra rằng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá có thể làm thay đổi các trạng thái của cán cân thanh toán. Bắt đầu tại điểm cân bằng E trong biểu đồ 1.1, nơi mà cán cân thanh toán cân bằng (BP=0), Khi NHTW thực hiện một chính sách tiền tệ mở rộng sẽ có một sự dịch chuyển sang phải từ LM thành LM’ thì sẽ có một điểm F cân bằng mới nằm dưới đường BP và đó là một cán cân thanh toán bị thâm hụt. Ngược lại, bắt đầu từ điểm E, nếu Chính phủ thực hiện một sự mở rộng chính sách tài khoá, đường IS sẽ dịch chuyển sang phải thành IS’ sẽ hướng nền kinh tế đến một cán cân thanh toán thặng dư tại điểm G.

r G H E I IS’ BP>0 LM’ F BP<0 Y BP L

Biểu đồ 1.1: Mô hình IS-LM của Mundell-Fleming với tỷ giá cốđịnh

Nguồn: Giáo trình tài chính quốc tế [16]

Mặc dù chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá có thể dẫn đến một cán cân thanh toán thặng dư hoặc thâm hụt, nhưng hàm ý của mô hình Mundell-Fleming đó là có thể sử dụng sự kết hợp của chính sách tài khoá và tiền tệ để tăng sản lượng mà không tạo nên một cán cân thanh toán thâm hụt hay thặng dư. Điều này được thể hiện rõ trong biểu đồ 1.1. Bắt đầu tại điểm E, chúng ta có thể thực hiện cả hai chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng, nghĩa là IS dịch chuyển đến IS’ và LM dịch chuyển đến LM’, nhưng vẫn có được một cán cân thanh toán cân bằng tại điểm H trong biểu đồ 1.1. Điểm H là một điểm cân bằng bền vững trong dài hạn.

Khi cán cân thanh toán thặng dư, NHTW sẽ dùng nội tệ để mua ngoại tệ vào. Ngược lại, khi cán cân thanh toán thâm hụt, NHTW sẽ bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu trên thị trường. Do đó, một cán cân thanh toán thặng dư hay thâm hụt sẽ làm tăng hoặc giảm cung tiền của nền kinh tế vì NHTW sẽ mua vào hoặc bán ra ngoại tệ. Kết quả là, một cán cân thanh toán thặng dư hay thâm hụt sẽ không được duy trì, nhưng điều này lại tác động đến lạm phát trong nước. Luận điểm này sau đó được Frankel và Krugman khai thác và xây dựng nên lý thuyết bộ ba bất khả thi.

Nhằm tránh những tác động của việc mua bán ngoại tệ đến lạm phát trong nước như đã nói ở trên, NHTW sử dụng một công cụ gọi là “chính sách vô hiệu hoá”. Giả định, có một sự mở rộng chính sách tiền tệ và tạo ra một cán cân thanh toán thâm hụt như điểm F trong biểu đồ 1.1:

+ Nếu NHTW bán ngoại tệ nhằm đáp ứng cầu ngoại tệ sẽ làm giảm cung tiền nội tệ và làm đường LM’ dịch chuyển trở lại đường LM, hay mức cân bằng sẽ trở lại điểm E. Để duy trì vị trí tại F, NHTW phải tiến hành cái gọi là “chính sách vô hiệu hoá”, tức là NHTW sẽ mua các chứng khoán trên thị trường mở nhằm cung ứng ra lưu thông một lượng nội tệ đúng bằng lượng nội tệ giảm đi khi NHTW bán ngoại tệ để duy trì cán cân thanh toán thâm hụt.

+ Ngược lại, để duy trì một cán cân thanh toán thặng dư, chính sách vô hiệu hoá của ngân hàng được thực hiện theo chiều ngược lại. Nghĩa là, NHTW sẽ bán các chứng khoán trên thị trường mở để hút lượng nội tệ được dùng mua ngoại tệ trước đó.

Nếu chúng ta vẫn tiếp tục giả định chế độ tỷ giá hối đoái là cố định và không có chính sách vô hiệu hoá, thì sau đó tất yếu rằng, chính sách tài khoá trở nên hiệu quả hơn chính sách tiền tệ. Nhìn biểu đồ 1.1:

+ Bắt đầu tại điểm E, một sự mở rộng chính sách tiền tệ sẽ chuyển đường LM sang LM’ và do đó đạt được một cán cân thanh toán thâm hụt tại điểm F. Tuy nhiên, không có sự vô hiệu hoá, cung tiền sẽ giảm và sau đó LM’ sẽ dịch chuyển sang phía trái trở lại LM và điểm F sẽ quay trở lại điểm E. Nghĩa là, sản lượng sau khi gia tăng trong một thời gian ngắn sẽ quay lại điểm cân bằng Y*. Do đó, chính sách tiền tệ không hiệu quả hoàn toàn để làm gia tăng sản lượng quốc gia.

+ Ngược lại, giả định rằng, bắt đầu tại điểm E, chúng ta thực hiện một chính sách tài khóa mở rộng, đường IS dịch chuyển sang IS’, dẫn tới một cán cân thanh toán thặng dư tại điểm G. Không có chính sách vô hiệu hoá, một cán cân thanh toán thặng dư hàm ý rằng cung tiền sẽ tăng nhằm đáp ứng cho sự gia tăng trong sản lượng quốc gia. Do đó, đường LM dịch chuyển sang phía phải đến LM’. Tại điểm cân bằng mới, điểm H,

là một vị thế dài hạn. Như vậy, sản lượng đã tăng đáng kể trong trường hợp này vì sự dịch chuyển của cung tiền khi không có vô hiệu hoá bổ sung cho sự mở rộng chính sách tài khoá ban đầu.

Điều này đưa ta đến kết luận: dưới chế độ tỷ giá cố định, chính sách tài khoá có hiệu quả cao hơn và chính sách tiền tệ kém hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách tỷ giá hối đoái của việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 30 - 33)