Với mô hình biểu thị mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và cán cân thương mại đã xác định ở trên, tác giả phân tích mối quan hệ này bằng lý thuyết hồi quy theo phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS).
Để sử dụng mô hình định lượng, tác giả tính toán biến số các với số liệu năm lấy từ nguồn số liệu của Tổng cục thống kê (GSO), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cổng thông tin ngoại hối (Website: http://www.oanda.com/currency/historical-rates/).
Việc chọn năm gốc (năm cơ sở) rất quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả tính tỷ giá thực. Năm gốc có thể chọn một trong các năm 1999, 2000, 2001. Lý do được đưa ra ở đây là vì năm 1999, 2000, 2001 có tỷ lệ thâm hụt mậu dịch là thấp nhất, tỷ lệ xuất khẩu trên nhập khẩu lần lượt là 98,3%, 92,6%, 92,7%, chỉ số giá cả các năm này được xem là rất ổn định. Ngoài ra trong thời gian gần đây, các tổ chức tài chính quốc tế khi công bố số liệu thường chọn năm cơ sở là năm 2000. Xét thấy năm này cũng khá phù hợp với các tiêu chí đã đề ra như không quá xa hiện tại, cán cân thanh toán khá cân bằng. Tác giả chọn thời kỳ nghiên cứu ở đây là từ năm 2000 đến 2011 và năm 2000 là kỳ gốc để xác lập tỷ giá thực đa phương.
Chọn rổ tiền tệ đặc trưng: Căn cứ vào tỷ trọng thương mại của Việt Nam và đối tác thương mại, tác giả chọn ra các đồng tiền tham gia “rổ tiền” để tính tỷ giá thực đa phương (REER) theo nguyên tắc ưu tiên chọn đồng tiền của các đối tác có tỷ trọng thương mại lớn với Việt Nam. Các đối tác thương mại lớn có mặt trong tính toán tỷ giá gồm: Singapore, Anh, Thái lan, Australia, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaisia, Indonesia, Nga, Ấn độ, Philippine và Thụy sĩ. Theo số liệu của GSO, Đây là 15 nước chiếm 74.30% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2010.