Kết luận và những đóng góp chính của nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 77 - 79)

Từ những phân tích về mức độ hiệu quả hoạt động và các yếu tố tác động hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2008 – 2015 trong Chương 4, nghiên cứu đã đạt được những kết quả sau :

Hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu duy trì ở mức trung bình và giảm dần. Nguyên nhân làm giảm hiệu quả kỹ thuật là do năng lực quản trị (bao gồm chất lượng nhân lực), trình độ công nghệ kém và quy mô hoạt động chưa hợp lý.

Hiệu quả kỹ thuật thuần (hay khả năng quản trị) của các ngân hàng còn thấp, thể hiện ở việc nguồn vốn đầu vào liên tục tăng (vốn chủ sở hữu, lao động và tiền gửi huy động) nhưng kết quả đầu ra không tương xứng, thậm chí giảm. Nợ xấu gia tăng và thanh khoản kém cũng cho thấy khả năng quản trị rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản chưa tốt. Bên cạnh đó là hệ thống NHTM cũng chưa đủ năng lực để áp dụng các chuẩn mực quốc tế như Basel II, III trong hoạt động ngân hàng.

Thay đổi tiến bộ công nghệ suy giảm đã làm giảm thay đổi năng suất nhân tố tổng hợp TFP. Chính năng lực tài chính còn yếu đã hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến, hiện đại của các NHTM Việt Nam, mặt khác cũng cho thấy các ngân hàng chưa thực sự chú trọng đến công nghệ vận hành hệ thống hiện tại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hiệu quả quy mô suy giảm và chưa được đầu tư đúng mức: chủ yếu là quy mô tín dụng giảm, quy mô hoạt động dịch vụ còn nhỏ và có phần thu hẹp. Hồi quy Tobit cũng cho thấy yếu tố quy mô tài sản, quy mô tín dụng và quy mô hoạt động ngoài tín dụng đã tác động đến hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô hoạt động tín dụng không phải là giải pháp ưu việt để nâng cao hiệu quả kỹ thuật mà chính việc đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ theo chiều sâu và dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại sẽ góp phần tăng hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng một cách an toàn và bền vững. Thực tế quy mô của các NHTM Việt Nam nhỏ hơn so với các ngân hàng khu vực, cho thấy các ngân hàng Việt Nam vẫn còn cơ hội để gia tăng mở rộng quy mô hoạt động dịch vụ, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng.

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thua kém nhiều so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn cung nhân sự cao cấp. Chính điều này đã ảnh hưởng đến năng lực quản trị của các ngân hàng từ đó tác động đến hiệu quả hoạt động ngân hàng.

Với những kết quả trên, nghiên cứu đã đáp ứng được mục tiêu đề ra ban đầu gồm: (i) Đánh giá được mức độ hiệu quả trong hoạt động của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2008 – 2015. Những ngân hàng đạt mức hiệu quả tốt nhất với TE = 1 và các ngân hàng chưa hiệu quả với TE <1. Đồng thời cũng cho thấy các ngân hàng đang hoạt động ở mức hiệu quả tăng dần theo quy mô (irs) hay giảm dần theo quy mô (drs). (ii) Luận văn đã tìm ra được các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động NHTM gồm: yếu tố quy mô, công nghệ, nguồn nhân lực, khả năng quản trị, quy mô vốn chủ sở hữu, quy mô tín dụng, khả năng sinh lời của tài sản Có sinh lời và tài sản cố định, quy mô tiền gửi huy động.

Từ những kết quả phân tích trên, nghiên cứu đã đóng góp cho khoa học và thực tiễn ở các điểm như sau:

Về mặt khoa học : Luận văn đã cung cấp các bằng chứng, kết quả thực nghiệm về mức độ hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2008 – 2015 qua việc đánh giá hiệu quả kỹ thuật (TE) bằng phương pháp DEA. Kết quả chỉ

rõ các ngân hàng hoạt động hiệu quả và chưa hiệu quả với từng mức TE khác nhau, cũng như phản ánh các mặt còn hạn chế trong hoạt động của các ngân hàng như trình độ quản lý, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và quy mô hoạt động còn hạn chế, chưa được đầu tư và phát huy đúng mức. Luận văn đã tìm ra các nguyên nhân tác động đến hiệu quả hoạt động các NHTM từ kết quả hồi quy Tobit. Từ đó làm cơ sở để các ngân hàng khắc phục các điểm yếu, hạn chế trong hoạt động của mình nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong tương lai.

Điểm mới của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả hoạt động theo loại hình sở hữu các NHTM, trong đó nhóm NHTM nhà nước có hiệu quả hoạt động khá tốt và có hiệu quả giảm dần theo quy mô. Còn nhóm NHTMCP và NHLD có hiệu quả hoạt động thấp hơn và hiệu quả tăng dần theo quy mô. Đồng thời, nghiên cứu đã đánh giá được hiệu quả hoạt động các ngân hàng sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 và giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2011-2015. Cụ thể về kết quả đánh giá các ngân hàng sau sáp nhập, trong 4 ngân hàng sáp nhập gồm SCB, SHB, HDBank, NCB, ngoại trừ SCB có hiệu quả không đổi, HDBank có hiệu quả hoạt động tăng dần, thì 2 ngân hàng còn lại vẫn chưa cải thiện được hiệu quả hoạt động. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng năng lực tài chính hiện tại của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn kém so với các nước trong khu vực, điển hình qua quy mô tài sản, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tín dụng, khả năng áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các ngân hàng vẫn còn thấp và kém hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Về mặt thực tiễn: bằng kết quả nghiên cứu, luận văn hàm ý chính sách đối với NHTM và NHNN nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và phát triển một cách an toàn, bền vững cho hệ thống NHTM Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 77 - 79)