1.3. Quy trình kiểm toán chu trình Hàng tồn kho trong kiểm toán tài chính do Công ty TNHH
1.3.3. Giai đoạn kết thúc kiểm toán
1.3.3.1. Đánh giá các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ liên quan tới hàng tồn kho
Theo ISA 560 mục 2 và VSA 560: “Chuyên gia kiểm toán phải xem xét ảnh hưởng của các sự kiện xảy ra sau ngày lập Báo cáo tài chính và Báo cáo kiểm toán”.
Đánh giá sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ liên quan tới hàng tồn kho là thủ tục cần thiết trước khi KTV đưa ra ý kiến nhận xét về kiểm toán chu trình hàng tồn kho. Việc đánh giá những sự kiện này nhằm mục đích khẳng định lại sự tin cậy của các bằng chứng kiểm toán đã thu thập được.
Theo đó, các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ liên quan đến hàng tồn kho đó có thể là sự biến động bất thường của các khoản mục hàng tồn kho so với thời điểm lập BCTC hoặc sự giảm giá nghiêm trọng hàng tồn kho, những thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn, sự tranh chấp pháp lý về hàng tồn kho của doanh nghiệp…
KTV phải xác minh các sự kiện này để đánh giá ảnh hưởng của nó tới BCTC. Trường hợp KTV đánh giá những sự kiện này có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC hoặc các bằng chứng kiểm toán, KTV sẽ thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung để có thể thu thập các bằng chứng kiểm toán đáng tin cậy làm cơ sở cho những kết luận của mình. Ngược lại, nếu các sự kiện phát sinh được đánh giá là không trọng yếu thì KTV có thể đưa ra ý kiến trên cơ sở các bằng chứng đã thu thập trước đó.
1.3.3.2. Đánh giá tính hoạt động liên tục
Đánh giá tính hoạt động liên tục là xem xét khả năng hoạt động của khách hàng trong thời gian tới. Sự hoạt động không liên tục của khách hàng được biểu hiện qua các vấn đề liên quan đến tài chính như: Lỗ kinh doanh thực tế, các khoản vay mượn đã đến hạn nhưng không có khả năng thanh toán, không đủ khả năng sản xuất những sản phẩm mới cần thiết, …Hoặc có thể có những biểu hiện về tình hình hoạt động như: Đang bị kiện tụng, thiếu thị trường chính, thiếu cán bộ chủ chốt, …
Để đánh giá tính hoạt động liên tục, KTV phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung. Chẳng hạn như kiểm toán viên có thể xem xét lợi nhuận trước ngày ký báo cáo kiểm toán; soát xét các sự kiện phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán; tham khảo Biên bản họp cổ đông, Biên bản họp Ban Giám đốc hoặc các tài liệu quan trọng khác để thấy rõ những khó khăn về tài chính (nếu có).
Sau khi thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung, nếu KTV cho rằng tính hoạt động liên tục là có cơ sở, KTV có thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với chu
trình Hàng tồn kho cũng như là đối với BCTC. Ý kiến chấp nhận toàn phần cũng có thể được đưa ra nếu tồn tại sự nghi ngờ về tính hoạt động liên tục nhưng các thông tin liên quan đến mối nghi ngờ đó đã được mô tả đúng trong BCTC. Tuy nhiên đó có thể là ý kiến chấp nhận từng phần hoặc trái ngược nếu KTV cho rằng tính hoạt động liên được đảm bảo vì có các yếu tố giảm nhẹ trong kế hoạch cá biệt được lập cho kỳ tới của các nhà quản lý mà theo KTV thì các yếu tố đó phải được trình bày trên BCTC nhưng doanh nghiệp không thể hiện điều đó. Hay những mối nghi ngờ về hoạt động liên tục không được nêu ra trong BCTC cũng có thể dẫn đến ý kiến chấp nhận từng phần hoặc không chấp nhận.
1.3.3.3. Tổng hợp các kết quả kiểm toán chu trình Hàng tồn kho
Sau khi kết thúc giai đoạn thực hiện kế hoạch kiểm toán, trưởng nhóm kiểm toán sẽ tổng hợp kết quả và tiến hành thảo luận với Ban Giám đốc của khách hàng để thống nhất bút toán điều chỉnh. Nếu khách hàng đồng ý với những điều chỉnh của KTV thì các bút toán này sẽ được tổng hợp trên giấy tờ làm việc và tính số dư các khoản mục hàng tồn kho trên BCTC. Ngược lại, nếu khách hàng không đồng ý với các bút toán điều chỉnh đó và chủ nhiệm kiểm toán cho rằng các sai lệch đó ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC thì công ty kiểm toán sẽ đưa ra các ý kiến chấp nhận từng phần hoặc ý kiến từ chối đưa ra ý kiến về các khoản mục hàng tồn kho.
1.3.3.4. Phát hành Báo cáo kiểm toán
Sau khi thảo luận và có sự thống nhất với khách hàng, KTV sẽ lập dự thảo Báo cáo kiểm toán và sau đó phát hành Báo cáo kiểm toán chính thức để công bố kết quả.
Đối với các cuộc kiểm toán có báo cáo kiểm toán phát hành trước 01/01/2014 KTV có thể đưa ra một trong bốn loại ý kiến sau:
Ý kiến chấp nhận toàn phần.
Ý kiến chấp nhận từng phần.
Ý kiến từ chối đưa ra ý kiến.
Ý kiến chấp nhận toàn phần được KTV đưa ra khi họ cho rằng BCTC đã phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của đơn vị được kiểm toán, và phù hợp với chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam hiện hành (hoặc được chấp nhận).
Ý kiến chấp nhận từng phần được sử dụng khi KTV cho rằng BCTC chỉ phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu nếu không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại trừ hay yếu tố tuỳ thuộc mà KTV nêu ra trong Báo cáo kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán đưa ra ý kiến từ chối khi KTV cho rằng hậu quả của việc giới hạn bởi phạm vi kiểm toán là quan trọng hoặc thiếu thông tin liên quan đến một số lượng lớn các khoản mục tới mức mà KTV không thể thu thập được các bằng chứng đầy đử và thích hợp để có thể đưa ra ý kiến về BCTC.
Báo cáo kiểm toán đưa ra ý kiến không chấp nhận trong trường hợp các vấn đề không thống nhất với Ban Giám đốc là quan trọng hoặc liên quan đến một số lượng lớn các khoản mục đến mức độ mà KTV cho rằng ý kiên chấp nhận từng phần là chưa đủ để thể hiện tính chất và mức độ sai sót trọng yếu của BCTC.
Những nội dung trình bày ở trên chỉ là những nội dung cơ bản mang tính chất lý luận. Trong thực tế kiểm toán, KTV có thể có sự điều chỉnh các bước công việc thực hiện cho phù hợp với từng khách hàng cụ thể mà vẫn đảm bảo tính tuân thủ các chuẩn mực cũng như là các quy định hiện hành.
Đối với các cuộc kiểm toán có báo cáo kiểm toán phát hành sau 01/01/2014, KTV có thể đưa ra một trong bốn loại ý kiến sau:
Ý kiến chấp nhận toàn phần.
Ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Ý kiến kiểm toán trái ngược.
Ý kiến chấp nhận toàn phần: Là ý kiến được đưa ra khi KTV kết luận rằng BCTC đã được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng.
Ý kiến kiểm toán ngoại trừ: KTV phải trình bày “ý kiến kiểm toán ngoại trừ” khi:
- Dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, KTV kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với BCTC; hoặc
- KTV không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng KTV kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với BCTC.
Ý kiến kiểm toán trái ngược: KTV phải trình bày “ý kiến kiểm toán trái ngược” khi dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, KTv kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với BCTC.
Từ chối đưa ra ý kiến: KTV phải từ chối đưa ra ý kiến khi KTV không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán và KTV kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu và lan tỏa đối với BCTC.
Trong một số rất ít trường hợp liên quan đến nhiều yếu tố không chắc chắn, KTV phải từ chối đưa ra ý kiến khi mặc dù đã thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến từng yếu tố không chắc chắn riêng biệt nhưng KTV vẫn kết luận rằng không thể đưa ra ý kiến kiểm toán về BCTC do những ảnh hưởng tương tác có thể có của những yếu tố không chắc chắn và những ảnh hưởng lũy kế của những yếu tố này đến BCTC.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG KIỂM TOÁN CHU TRÌNH HÀNG TỒN KHO TRONG KIỂM TOÁN TÀI CHÍNH DO CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN AN PHÚ
THỰC HIỆN TẠI KHÁCH HÀNG
Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty đã thực hiện kiểm toán trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán hiện hành. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận kiểm toán và các hướng dẫn thực hành kiểm toán chưa được quy định một cách có hệ thống dưới dạng các tài liệu cụ thể. Xuất phát từ yêu cầu của các chuẩn mực kiểm toán và tình hình khách hàng thực tế của Công ty, Ban Giám đốc quyết định xây dựng hồ sơ kiểm toán mẫu và tài liệu hướng dẫn nhằm đảm bảo tất cả các cuộc kiểm toán của Công ty được tiến hành theo một quy trình thống nhất và tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán hiện hành.
Tài liệu này được xây dựng dựa trên cơ sở kinh nghiệm thực hành kiểm toán của các KTV chính của Công ty cũng như tham khảo thực hành kiểm toán của các hãng kiểm toán khác và hướng dẫn hồ sơ kiểm toán mẫu của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).
Phương pháp tiếp cận kiểm toán của Công ty dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro và được thực hiện trong suốt quá trình kiểm toán.
Mô hình phương pháp
Quy trình kiểm toán của Công ty bao gồm 4 giai đoạn chính và được mô tả như sơ đồ sau đây:
Sơ đồ 2.1: Quy trình kiểm toán tại Công ty An Phú