Các địa phương tăng cường chỉ đạo và thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao khả năng cảnh báo sớm, phòng, chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống CNTT và ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sự cố an toàn thông tin, đặc biệt là việc duy trì an toàn thông tin mạng, vận hành ổn định hoạt động của trung tâm dữ liệu của địa phương và hệ thống mạng tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Thường xuyên thông báo đến các cơ quan nhà nước trên địa bàn về tình hình lây nhiễm mã độc, các sự cố về an toàn thông tin; tổ chức giám sát và cảnh báo các cơ quan về việc máy tính có dấu hiệu bị nhiễm mã độc.Xây dựng hệ thống phòng chống virus và mã độc hại cho các hệ thống thông tin và máy tính cá nhân
có kết nối mạng nội bộ và mạng Internet, đáp ứng các mục tiêu theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại.
Nhiều giải pháp bảo đảm ATTT được triển khai để cảnh báo, giám sát tấn công mạng; hệ thống bảo mật cho hệ thống thư điện tử, đặc biệt là hệ thống giám sát mã độc và hệ thống giám sát thông tin được triển khai đến 100% máy tính của cán bộ, công chức cấp tỉnh của từng địa phương. Tổ chức triển khai bảo đảm ATTT cho hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo mô hình 4 lớp. Một số tỉnh đã triển khai Trung tâm An toàn thông tin (SOC) kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Bộ TT&TT.
Ban hành Quy chế (SOC) kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Bộ TT&TT với mạng chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin; tham gia diễn tập ứng cứu sự cố; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thông tin cho cán bộ trên địa bàn quản lý. Tổ chức họp triển khai các nội dung nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại và đề xuất phối hợp triển khai các giải pháp phòng, chống phần mềm mã độc cũng như hội thảo về an toàn thông tin mạng.
V. Lĩnh vực Công nghiệp ICT
Năm 2020, lĩnh vực công nghiệp ICT triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu, tuy nhiên, với tinh thần nỗ lực vượt khó, các doanh nghiệp ICT trên toàn quốc vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần kìm chế sự sụt giảm nghiêm trọng trong lĩnh vực. Các địa phương chủ lực về phát triển công nghiệp ICT vẫn duy trì tăng trưởng trong hoàn cảnh giảm phát chung của nền kinh tế.
Thực hiện khảo sát, nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp CNTT nhằm hỗ trợ kịp thời; khảo sát về đào tạo nhân lực CNTT trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp CNTT của địa phương. Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư vào các khu CNTT tại một số địa phương thế mạnh như: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh Bộ TT&TT đã hướng dẫn một số Sở TT&TT bổ sung khu CNTT đáp ứng yêu cầu theo Nghị định số 154/2013/NĐ-CP vào quy hoạch tổng thể khu CNTT đến năm 2025 tại Quyết định 2407/QĐ-TTg, kết quả đã có 02 khu CNTT tập trung tại Thừa Thiên Huế và Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung.