1.1.2.1. Thúc đẩy phát triển kinh tế
Các công trình thuỷ điện thường có vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng kéo dài, tuy nhiên hiệu quả cao và tuổi thọ đến 100 năm hoặc lâu hơn. Tính về lâu dài
mà nói thì không có công nghệ năng lượng nào rẻ và hiệu quả bằng thuỷ điện. Các chi phí vận hành và bảo dưỡng hàng năm là rất thấp so với vốn đầu tư và thấp hơn nhiều so với các nhà máy điện khác.
Các dự án nhỏ và phân tán sẽ đóng vai trò quan trọng trong chương trình điện khí hoá nông thôn, miền núi trên khắp thế giới với chi phí nhỏ hơn và có hiệu quả kinh tế lớn. Các thủy điện nhỏ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt ở vùng núi nơi có tiềm năng phát triển các thủy điện vừa và nhỏ trong nước.
Khai phóng tiềm năng thủy điện sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương và cả nước. Thông qua việc phát triển thủy điện, kết cấu hạ tầng khu vực cũng sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại với tốc độ rất nhanh. Đường giao thông vào các vùng khó khăn được xây dựng thúc đẩy sự giao lưu, phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng khu vực.
1.1.2.2. Bảo tồn và phát triển hệ sinh thái
Thuỷ điện sử dụng năng lượng của dòng nước để phát điện mà không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng không làm biến đổi các đặc tính, chất lượng của nước sau khi chảy qua tuabin. Chất lượng nước trước và sau khi đi qua tuabin nhà máy gần như không thay đổi về thành phần, hàm lượng chất ô nhiễm.
Sau khi các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ đưa vào tích nước và vận hành, độ ẩm trong đất sẽ được cải thiện, vi khí hậu trong vùng cũng sẽ mát mẻ hơn, đặc biệt là vùng xung quanh những công trình tạo mặt thoáng lớn. Tại vùng lòng hồ tích nước sẽ hình thành hệ sinh thái đất ngập nước có mức độ đa dạng cao, các loài thủy sinh sẽ có nhiều không gian sống ít bị đe dọa.
Việc xây dựng các hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ sẽ làm tăng độ ẩm của đất, không khí, giúp cho thảm thực vật trên cạn trong vùng phát triển hơn. Sau khi quy hoạch nếu diện tích đất rừng được mở rộng và được khoanh nuôi, bảo vệ thì các loài động vật trên cạn sẽ ít bị đe dọa và có thể phát triển tốt hơn.
1.1.2.3. Vận hành linh hoạt trong công tác điều tiết
năng điều chỉnh công suất. Nhờ công suất phủ đỉnh của thủy điện, có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải chạy nền bởi các nguồn kém linh hoạt hơn (như các nhà máy nhiệt điện hoặc điện hạt nhân).
Nhà máy thủy điện tích năng làm việc như acquy, trữ khổng lồ bằng cách tích và xả năng lượng theo nhu cầu hệ thống điện. Hầu hết các thủy điện vừa và nhỏ hoạt động chủ yếu vào giờ cao điểm trong ngày đáp ứng nhu cầu điện cao của cả nước trong thời gian ngắn.
Một ưu điểm của thủy điện là có thể khởi động và phát đến công suất tối đa chỉ trong vòng vài phút, trong khi nhiệt điện (trừ tuốc bin khí - gas turbine) phải mất vài giờ hay nhiều hơn trong trường hợp điện nguyên tử. Do đó, thủy điện thường dùng để đáp ứng phần đỉnh là phần có yêu cầu cao về tính linh hoạt mang tải
(Nguyễn Thị Phương Anh, 2006).
1.1.2.4. Vận hành có hiệu quả cao
Nguyên tắc vận hành một nhà máy thủy điện với mục tiêu tối đa hóa lượng điện phát ra, được thể hiện trong ba tiêu chuẩn: thứ nhất là giữ mực nước hồ càng cao càng tốt để tối đa hóa thế năng của nước; thứ hai là duy trì lượng nước chạy máy càng nhiều càng tốt, hay nói cách khác là giảm thiểu lượng nước xả thừa; cuối cùng là chạy tuốc bin ở điểm có năng suất cao nhất.
Trong một thị trường mua bán điện tự do với giá điện theo thị trường, có thể thay đổi từng giờ thì bài toán vận hành hiệu quả nhà máy thủy điện trở thành tối đa hóa lợi nhuận từ bán điện chứ không phải tối đa hóa lượng điện phát ra. Cộng thêm yếu tố bất định từ dự báo giá điện, bài toán tối ưu vận hành nhà máy hay hệ thống thủy điện càng trở nên phức tạp hơn. Dự báo dài hạn lượng nước vào hồ, do đó trở nên cần thiết để có thể sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả nhất cũng như giảm thiểu những tác động xấu khi hạn hán hay lũ lụt.
1.1.2.5. Tác động tốt đến môi trường
- Hoạt động của thủy điện tương đối sạch: So với nhiệt điện, thủy điện cung cấp một nguồn năng lượng sạch, hầu như không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chất lượng nước sau khi đi qua tuabin nhà máy gần như không thay đổi nhiều.
- Góp phần vào phát triển bền vững: Về khía cạnh bền vững, thuỷ năng có tiềm năng rất lớn về bảo tồn hệ sinh thái, cải thiện khả năng kinh tế và tăng cường sự công bằng xã hội.
- Giảm phát thải khí nhà kính : Bằng cách sử dụng nguồn nước thay vì các loại nhiên liệu hoá thạch (đặc biệt là than), thuỷ điện giảm bớt ô nhiễm môi trường, giảm bớt các trận mưa axít, giảm axit hoá đất và các hệ thống thủy sinh. Thuỷ điện thải ra rất ít khí hiệu ứng nhà kính so với các phương án phát điện quy mô lớn khác, do vậy làm giảm sự nóng lên của trái đất (Lưu Đức Hải, Nguyễn Ngọc Sinh, 2001).
Lượng khí nhà kính mà thuỷ điện thải ra nhỏ hơn 10 lần so với các nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp và nhỏ hơn 25 lần so với các nhà máy nhiệt điện than. Nếu tiềm năng thuỷ năng thực tế còn lại mà được sử dụng thay cho các nhà máy nhiệt điện đốt nhiên liệu hoá thạch thì hằng năm còn có thể tránh được 7 tỷ tấn khí thải. Điều này tương đương với việc mỗi năm tránh được một phần ba các chất khí do con người thải ra hiện nay hoặc ba lần các khí thải của xe hơi trên hành tinh.
1.1.2.6. Sử dụng nước đa mục tiêu
Thuỷ điện không tiêu thụ lượng nước đã dùng để phát điện mà xả lại nguồn nước quan trọng này để sử dụng vào những việc khác. Hơn nữa, các dự án thuỷ điện còn sử dụng nước đa mục tiêu. Trên thực tế, hầu hết các đập và hồ chứa đều có nhiều chức năng như: cung cấp nước cho sản xuất lương thực, điều tiết lũ cho hạ du, có thể cải thiện các điều kiện nuôi trông thủy sản và vận tải thủy.
Tuy nhiên, lợi ích cục bộ của một nhà máy thủy điện đôi lúc mâu thuẫn với chức năng căn bản của một hồ chứa. Ví dụ, trong mùa khô hạn, nhà máy có thể quyết định ngưng phát điện trong một thời gian nào đó (nghĩa là không xả nước về hạ lưu) vì nhiều lý do khác nhau. Tương tự trong mùa lũ, nhà máy có thể giữ mực nước hồ cao (để tăng công suất phát điện) do đó làm giảm khả năng điều tiết lũ của hồ chứa (Luong V. D. (2007)).
1.1.2.7. Vai trò cung cấp năng lượng của thủy điện
Hiện nay, thủy điện là nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia. Đến nay, các công trình thuỷ điện đã khai thác được khoảng hơn 4.000
MW, chiếm hơn 40% tổng công suất lắp máy của toàn hệ thống điện quốc gia. Lượng nước sử dụng để phát điện từ dung tích hữu ích của các hồ chứa thuỷ điện khoảng hơn 14 tỷ m3.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000 MW hiện nay lên 21.300 MW vào năm 2020. Trong giai đoạn sau đó, tỷ trọng, khi tiềm năng thủy điện đã cơ bản được sử dụng, thì tỷ trọng thủy điện sẽ giảm xuống.
1.1.2.8. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Thu nhập nhờ bán điện còn cho phép tài trợ cho các nhu cầu hạ tầng cơ sở cơ bản khác, cũng như để xoá đói giảm nghèo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng thuỷ điện và cộng đồng dân cư nói chung.
Thuỷ điện có tiềm năng rất lớn trong việc cải thiện công bằng xã hội, trong suốt thời gian dự án được triển khai và quản lý theo cách thức đẩy mạnh sự công bằng giữa các thế hệ hiện tại và tương lai, giữa các cộng đồng bản địa và trong khu vực, giữa các nhóm bị thiệt hại và toàn xã hội nói chung. Do chi phí đầu tư ban đầu cao cho các nhà máy thủy điện đã được các thế hệ hiện tại trang trải, nên các thế hệ tương lai sẽ nhận được nguồn điện trong thời gian dài với chi phí bảo trì rất thấp.
Doanh thu của các nhà máy thủy điện thường “gánh thêm” phần chí phí cho các ngành sử dụng nước khác như: nước sinh hoạt, tưới và chống lũ, do vậy nó trở thành công cụ để chia sẻ nguồn tài nguyên chung một cách công bằng.
Các dự án thuỷ điện còn có thể là một công cụ để thúc đẩy sự công bằng giữa các nhóm người bị thiệt hại và toàn xã hội nói chung, khi thực hiện cả những chương trình di dân và tái định cư được quản lý tốt dẫn đến một sự chia sẻ lợi nhuận để bảo đảm rằng những người bị thiệt hại sẽ có cuộc sống tốt hơn sau khi dự án hoàn thành so với trước kia.
1.1.2.9. Phát triển thủy điện đáp ứng thực hiện nghị định thư Kyoto
Cơ chế của dự án Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto dựa trên các dự án được xây dựng tại các nước đang phát triển. Lượng cắt giảm
phát thải tiềm năng chủ yếu nhờ vào các công trình thủy điện. Lượng lớn CO2 cắt giảm nhờ sản xuất 1MWh năng lượng tái tạo đối với mỗi lưới điện là rất khác nhau, từ mức thấp là 0,25 tấn CO2/MWh ở Brazin (cơ cấu sản xuất điện chủ yếu từ thuỷ điện) đến mức cao là 1,1 tấn CO2/MWh ở Nam Phi (chủ yếu từ than). Cho đến nay, thuỷ điện là loại nhà máy cắt giảm phát thải thành công nhất trong CDM. Ở Việt Nam con số này là 0,5408 tấn CO2/MWh.