a. Nguyên tắc sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất
Cơ sở của nguyên tắc: Con người luôn có xu hướng tìm cách khai thác tối đa lợi ích của bất động sản.
Nội dung: Mỗi bất động sản có thể được sử dụng vào nhiều mục đích và đem lại các lợi ích khác nhau, nhưng giá trị của chúng được xác định hay thừa nhận trong điều kiện nó được sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất. Một bất động sản được coi là sử
dụng tốt nhất và hiệu quả nhất phải thỏa mãn các điều kiện: được sử dụng trong bối cảnh tự nhiên, được phép về mặt pháp lý và khả thi về mặt tài chính.
Lưu ý khi vận dụng:
- Phải chỉ ra các khả năng thực tế về việc sử dụng bất động sản và những lợi
ích của việc sử dụng đó.
- Phải khẳng định tình huống nào là sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất.
b. Nguyên tắc thay thế
Cơ sở của nguyên tắc: Những người mua thận trọng sẽ không trả nhiều tiền hơn để mua một bất động sản nào đó nếu anh ta tốn ít tiền hơn nhưng vẫn có một bất động sản tương tự.
Nội dung: Giá trị của một bất động sản có thể được đo bằng chi phí để có được
một bất động sản tương đương. Lưu ý khi vận dụng:
- Thẩm định viên phải nắm được các thông tin về giá cả hay chi phí xây dựng
- Phải có kỹ năng điều chỉnh sự khác biệt giữa các bất động sản.
c. Nguyên tắc dự kiến các khoản lợi ích trong tương lai
Cơ sở của nguyên tắc: Giá trị của một bất động sản phụ thuộc vào những lợi ích mà nó đem lại cho người sử dụng trong tương lai.
Nội dung: Khi ước tính giá trị của bất động sản phải dự kiến được các khoản lợi ích trong tương lai mà bất động sản đó mang lại cho chủ sở hữu.
Lưu ý khi vận dụng:
- Phải dự kiến được những lợi ích và nhất thiết phải dựa vào các khoản lợi ích đó để ước tính giá trị bất động sản.
- Phải thu thập chứng cứ thị trường gần nhất của các bất động sản tương tự để tiến hành so sánh, phân tích, điểu chỉnh và cuối cùng là ước tính giá trị bất động sản.
d. Nguyên tắc đóng góp
Cơ sở của nguyên tắc: Khi kết hợp nhiều tài sản với nhau thì giá trị của tài sản
toàn bộ sẽ lớn hơn giá trị từng tài sản bộ phận.
Nội dung: Giá trị của một tài sản hay một bộ phận cấu thành tài sản phụ thuộc
vào sự vắng mặt hay có mặt của nó sẽ làm cho giá trị của toàn bộ tài sản tăng lên hoặc
giảm đi bao nhiêu đơn vị.
Lưu ý khi vận dụng: Khi đánh giá giá trị của một tổ hợp tài sản không được cộng gộp giá trị của từng tài sản bộ phận lại với nhau.
e. Nguyên tắc cung cầu
Cơ sở của nguyên tắc: Căn cứ chủ yếu và phổ biến nhất của việc thẩm định giá bất động sản là dựa vào giá trị thị trường. Vì bất động sản luôn khan hiếm nên giá
trị của chúng còn phụ thuộc vào cung - cầu thị trường. Giá trị thị trường của bất động
sản tỷ lệ thuận với yếu tố cầu và tỷ lệ nghịch với yếu tố cung.
Nội dung: Khi thẩm định giá bất động sản phải đặt nó trong sự tác động của yếu tố cung cầu thị trường.
Lưu ý khi vận dụng: Phải đánh giá được tác động của yếu tố cung cầu đối với các giao dịch trong quá khứ và dự báo ảnh hưởng của chúng trong tương lai, nhằm xác minh bất động sản cần thẩm định nên được định giá trên cơ sở giá trị thị trường hay phi thị trường.