Giới báo chí, truyền thông viết gì về sự kiện và những thành quả đạt được sau sự kiện là những gì mà nhà tổ chức sự kiện cần phải quan tâm. Tuy nhiên, nên nhớ rằng: “Truyền thông là con dao hai lưỡi”. Khi chương trình sự kiện gây được tiếng vang lớn, điều này giúp cho sự kiện đạt mục tiêu dễ dàng hơn, khách hàng hài lòng hơn với hiệu quả sự kiện. Nhưng truyền thông cũng là nơi khiến cho những lỗi hay sự cố dù là nhỏ nhất cũng ảnh hưởng đến toàn bộ mục tiêu của chương trình, uy tín của đơn vị tổ chức sự kiện, “tiếng xấu đồn xa”. Lúc này, việc xử lý khủng hoảng truyền thông là ưu tiên hàng đầu với sự nỗ lực của cả đơn vị tổ chức, bộ phận truyền thông, mối quan hệ báo chí của các nhà lãnh đạo cũng như ứng dụng các công cụ xử lý khủng hoảng. Mục tiêu hàng đầu đặt ra lúc này là giảm thiểu khủng hoảng truyền thông đến mức tối đa.
Sẽ rất khó dự đoán được thông điệp về sự kiện có được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến hay không, và nếu có, nó sẽ xuất hiện như thế nào
trước công chúng. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả có thể tạm tiến hành theo hai tiêu chí sau:
- Đánh giá tần số xuất hiện: Có bao nhiêu bài báo nhắc đến sự kiện? Bao
nhiêu lần đại diện Công ty trả lời phỏng vấn về sự kiện trên các phương tiện truyền thông?
- Đánh giá hiệu quả thiết thực: Có tạo được thay đổi nào về hình ảnh Công ty hoặc sản phẩm đối với công chúng không? (ví dụ: số lượng người tham gia bình chọn, dùng thử, tiếp tục mua thêm sản phẩm...) Mục đích chính của các doanh nghiệp vẫn là tạo ra lợi nhuận từ việc kinh doanh sản phẩm. Vì vậy, việc xây dựng hay khuếch trương thương hiệu thông qua các sự kiện, xét cho cùng, cũng chỉ là một bước trong chiến lược quảng bá. Dù xuất hiện dưới hình thức nào, hỗ trợ phát triển thể thao, đề cao văn hóa hay tinh thần thiện nguyện, thì tác động sau sự kiện đó đối với hiệu quả kinh doanh cũng cần đặc biệt lưu tâm.
Việc đo lường truyền thông và khủng hoảng truyền thông hiện nay ngày càng dễ dàng hơn khi có công nghệ 4.0. Các công cụ công nghệ thông tin này có thể tính toán được chính xác hiệu quả truyền thông bằng các con số thông qua toàn bộ thông tin lan truyền trên mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn, nhóm hội thoại, ... Điều này thật sự hữu ích. Đánh giá được hiệu quả truyền thông sau sự kiện, phát hiện sớm các khủng hoảng truyền thông để xử lý kịp thời, đồng thời nhận được phản hồi của người tham gia sự kiện sẽ giúp cho các đơn vị tổ chức sự kiện kịp thời cập nhật, rút kinh nghiệm cho các chương trình tiếp theo.