Qui định về bảo hiểm trùng là một qui định đặc thù chỉ áp dụng với HĐBHTS, vậy bảo hiểm hiểm trùng là gì? Theo định nghĩa phổ biến thì bảo hiểm trùng là việc một tài sản được mua bảo hiểm hai hoặc nhiều lần cho cùng một lợi ích bảo hiểm và có cùng một rủi ro. Qui định bảo hiểm trùng nhằm mục đích ngăn chặn BMBH trục lợi tiền bảo hiểm bằng việc giao kết nhiều HĐBHTS với nhiều DNBH khác nhau, từ đó sẽ tạo ra số tiền bảo hiểm cao hơn giá trị thực tế của tài sản bảo hiểm.
Theo khoản 1 Điều 44 LKDBH qui định:
“1. Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.”
Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp BMBH giao kết HĐBH với từ hai DNBH khác nhau để thực hiện bảo hiểm cho một đối tượng với những điều kiện và sự kiện bảo hiểm giống nhau. Pháp luật chưa có qui định cấm BMBH thực hiện mua HĐBHTS trùng, nguyên nhân vì chủ sở hữu có quyền tự định đoạt với tài sản của mình, do đó chủ của tài sản có thể mua bảo hiểm tài sản tại nhiều hơn một DNBH và trong HĐBHTS với các doanh nghiệp này thì BMBH có thể giao kết với cùng một điều kiện và sự kiện bảo hiểm nhằm bảo vệ cho lợi ích chính đáng của mình.
HĐBH trùng có các đặc điểm sau:
- Có ít nhất 2 HĐBH tồn tại, BMBH giao kết với nhiều DNBH khác nhau. - Cùng bảo hiểm cho một quyền lợi chung, rủi ro chung và đối tượng chung. - Mỗi HĐBH này đều chịu trách nhiệm đối với tổn thất chung nào đó.
Theo qui định tại khoản 2 điều 46 LKDBH năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2019 thì số tiền bồi thường mà DNBH trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm. Khoản 2 Điều 44 LKDBH năm 2010 qui định về bảo hiểm trùng như sau:
“2. Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự
kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản”.
Theo nguyên tắc này, thì nếu xảy ra trường hợp HĐBHTS trùng thì DNBH chỉ phải trả cho người thụ hưởng số tiền theo tỉ lệ với các DNBH khác, đảm bảo cho người được bảo hiểm chỉ nhận được số tiền tương ứng với thiệt hại thực tế của tài sản bảo hiểm mà không thể trục lợi từ tiền bồi thường của các DNBH.
“Nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm trùng là căn cứ vào nguyên tắc giới hạn quyền lợi có thể được bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có quyền kí kết nhiều hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo cho quyền lợi đó, nhưng không thể thông qua việc kí kết nhiều hợp đồng bảo hiểm tài sản mà chủ thể này lại có thể được đảm bảo nhiều quyền lợi hơn quyền mà họ có, cũng như bù đắp bồi thường nhiều hơn những thiệt hại mà họ phải gánh chịu khi tài sản bị tổn thất. Khi bên mua bảo hiểm tham gia bảo hiểm trùng tại các doanh nghiệp khác nhau, thì mỗi doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm bồi thường tương ứng theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết, đảm bảo nguyên tắc tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế.” [13, tr.40]
Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi DNBH chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.