Vì lợi ích của DNBH và người bảo hiểm là khác nhau, lợi ích của người bảo hiểm sẽ là thiệt hại của DNBH và ngược lại nên không tránh khỏi việc xảy ra những tranh chấp.
Theo qui định chung thì tranh chấp phát sinh từ HĐBHTS là sự bất đồng ý kiến, sự xung đột về mặt lợi ích, hay về quyền, nghĩa vụ phát sinh giữa DNBH với BMBH.
Các trường hợp tranh chấp về HĐBHTS phổ biến trên thực tế là:
- Tranh chấp phát sinh từ sự kiện bảo hiểm, một bên cho là có sự kiện bảo hiểm và bên còn lại thì không đồng ý;
- BMBH không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp nhằm đảm bảo cho đối tượng được bảo hiểm trong quá trình sử dụng.
- Các bên không đồng thuận về “kết quả giám định thiệt hại” đối với đối tượng
được bảo hiểm.
- Tranh chấp phát sinh từ số tiền bồi thường.
- Tranh chấp về nguyên nhân xảy ra sự kiện bảo hiểm v.v.
Khi xảy ra tranh chấp về HĐBHTS vấn đề mà các bên quan tâm là làm sao để giải quyết tranh chấp một cách nhanh nhất và kết quả sau khi giải quyết là có lợi nhất cho mình, ngoài ra việc thực hiện nghĩa vụ sau khi có kết quả giải quyết tranh chấp cũng được các bên đặc biệt quan tâm.
Theo đó thì biện pháp thương lượng có thể coi là giải pháp tốt nhất đáp ứng được những vấn đề đó, tuy nhiên về thực tiễn thì tranh chấp xảy ra do sự bất đồng quan điểm của các bên trong quan hệ HĐBHTS do đó sẽ rất khó có trường hợp các bên ngồi lại với nhau thương lượng để giải quyết và tìm tiếng nói chung.
Nghị định 22/2017/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ về hòa giải thương mại ban hành ngày 24 tháng 02 năm 2017 quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại cho phép các bên lựa chọn hòa giải vì trong trường hợp này ít nhất sẽ luôn có một bên là DNBH có hoạt động thương mại.
Khi đã không thể ngồi lại để tìm tiếng nói chung, thì các bên hướng tới các biện pháp khác nhằm giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn, có 02 phương thức thường được các bên lựa chọn đó là giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại và giải quyết tranh chấp bằng tòa án.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại:
Vì trong quan hệ HĐBHTS luôn có ít nhất một bên là DNBH, tức là bên có hợp đồng thương mại, nên khi biện pháp thương lượng không sử dụng được hoặc đã thương lượng nhưng không thành thì một trong hai chủ thể có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Nếu các bên có thỏa thuận trước về thỏa thuận trọng tài, thì tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài . Thỏa thuận này có thể được lập sau khi hai bên xảy ra tranh chấp. Theo quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
Khi trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp sẽ có một số ưu điểm sau: - Thủ tục nộp đơn khởi kiện đơn giản, thuận tiện hơn;
- Quyết định của trọng tài là chung thẩm có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên, các bên không thể kháng cáo, giúp giảm chi phí về thời gian và tiền bạc của các bên trong quá trình tham gia giải quyết vụ án;
- Tố tụng trọng tài thường ít cứng nhắc hơn tố tụng tòa án, giúp các bên chủ động và thuận lợi hơn trong quá trình tham gia tố tụng.
Giải quyết tranh chấp thông qua tòa án:
Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng Dân sự( BLTTDS) năm 2015 thì: các bên trong tranh chấp có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp.
Có hai tình huống có thể xảy ra trong trường hợp này:
Một là: Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS năm 2015 tranh chấp được xác định là vụ án dân sự thông nếu HĐBH giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với cá nhân, tổ chức không có đăng ký kinh doanh, và bên mua bảo hiểm không có mục đích kinh doanh thu lợi nhuận.
Hai là: Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS 2015 tranh chấp được xác định là vụ án kinh doanh, thương nếu HĐBH giữa DNBH với cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2015 thì cả hai trường hợp trên thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đều thuộc tòa án nhân dân cấp huyện.
Cùng với đó, theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện mà thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Ngoài ra, tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện mà tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của tòa án nhân dân cấp huyện.
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp HĐBH là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Ưu điểm của giải quyết tranh chấp tại tòa án là thông thường chi phí để giải quyết một tranh chấp hợp đồng của tòa án sẽ thấp hơn so với trọng tài. Phán quyết của tòa án có giá trị thi hành cao vì được cưỡng chế thi hành bằng quyền lực Nhà nước. Trình tự tố tụng chặt chẽ theo quy định của pháp luật.