Kiến nghị đối với Bộ Tài chính, Tổng cục thuế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chi cục thuế thành phố vĩnh yên tỉnh vĩnh phúc​ (Trang 122 - 126)

5. Kết cấu của luận văn

4.3.2. Kiến nghị đối với Bộ Tài chính, Tổng cục thuế

Về chính sách thuế: tăng cường công tác tham mưu cho cơ quan Nhà nước cấp trên sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế và Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN theo hướng rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và thống nhất, tránh gây sự hiểu lầm; hạn chế đến mức thấp nhất quy định nhiều mức thuế suất trong một luật thuế (thuế suất ưu đãi miễn thuế, thuế suất về thuế GTGT,giảm thuế TNDN) và điều chỉnh giảm mức thuế suất chung theo hướng phù hợp để thu hút đầu tư. Đặc biệt, văn bản hướng dẫn chính sách thuế phải nhất quán, đồng bộ và rõ ràng.

Về quy trình quản lý thuế: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý nợ thuế trên địa bàn, nên trong nhiều năm qua ngành Thuế Vĩnh Phúc luôn quan tâm chú trọng đến các biện pháp quản lý nợ thuế, đôn đốc thu nợ thuế và cả các biện pháp cứng rắn là cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Thế nhưng, quá trình tổ chức thực hiện đã nảy sinh không ít tồn tại, bất cập. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với biện pháp “Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng

chế thi hành quyết định hành chính thuế tại KBNN, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản” thì thấy, biện pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa khi số dư trên tài khoản đủ để thanh toán một phần hoặc toàn bộ cho các nghĩa vụ thuế. Trong khi mặc dù đã có quy định buộc DN khai báo với cơ quan thuế về tài khoản, nhưng thực tế DN lại cố tình không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, gây khó cho cơ quan thuế trong việc xác minh tài khoản của DN để yêu cầu phong tỏa, hoặc khi tìm được tài khoản của DN thì cơ quan thuế cũng mất rất nhiều thời gian làm các thủ tục theo quy định, khi đó DN có thể lại rút hết tiền, và như vậy vô hình chung việc quyết định cưỡng chế lại trở nên vô hiệu khi tài khoản của DN không còn tiền.

Thứ hai, sử dụng biện pháp “Ngăn chặn tạm dừng xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của DN còn nợ tiền thuế, tiền phạt”, nhưng biện pháp này lại chỉ mới có tác dụng đối với các cá nhân, chủ DN tư nhân, công ty một thành viên, nhưng lại không có tác dụng với các công ty cổ phần, trong khi đây là các DN thường có số nợ thuế lớn. Hơn nữa, việc tạm dừng xuất cảnh cũng chỉ thực hiện được với đối tượng là người nước ngoài khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, còn đối với người Việt Nam thì cũng chỉ có thể áp dụng được trong trường hợp xuất cảnh để định cư ở nước ngoài.

Thứ ba, biện pháp “Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập theo quy

định”, nhưng thực tế triển khai cho thấy, biện pháp này không mấy hiệu quả, do chỉ thu được thuế của những người làm công ăn lương, những người thu nhập không thể trốn được, còn thu nhập tự do, thu nhập khác thì cơ quan thuế cũng chịu “Bó tay”! Về phía cơ quan chi trả tiền lương, thu nhập của cá nhân nợ thuế khi nhận được quyết định cưỡng chế thuế từ cơ quan thuế, thì họ cũng chưa thực sự hợp tác, thậm chí cố tình trì hoãn, kéo dài việc khấu trừ tiền lương, thu nhập của cá nhân nợ thuế với nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, nhiều cá nhân trong khi nợ thuế đã chuyển chỗ làm, nơi sinh sống, khiến cơ quan thuế rất khó “Bám theo” để thu nợ, cưỡng chế thuế.

Thứ tư, biện pháp “Thông báo hóa đơn không còn giá trị” - Đây là biện pháp

cưỡng chế thuế có tính pháp lý rất cao, vì nếu thực hiện biện pháp này thì DN có thể sẽ không thể hoạt động được do không còn hóa đơn.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện được biện pháp này thì cơ quan thuế sẽ phải thu thập thông tin về hóa đơn DN, nhưng thường thì DN sẽ cố tình tránh né, kéo dài thời gian cung cấp thông tin về số hóa đơn còn tồn, vì thế trong thời gian kéo dài này, DN vẫn có thể có hóa đơn để sử dụng, mà cơ quan thuế cũng chưa thể có biện pháp “Cứng hơn”. Hoặc theo quy định “Quyết định cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng phải được gửi tới tổ chức, cá nhân có liên quan và đối tượng bị cưỡng chế trong thời hạn 3 ngày làm việc trước khi quyết định cưỡng chế có hiệu lực”, do đó trong 3 ngày đó DN đã cố tình xuất rất nhiều hóa đơn cho khách hàng, nhằm thu tiền và trốn tránh việc nộp tiền thuế nợ vào NSNN.

Đặc biệt, có một vấn đề đặt ra là, nếu cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với các đối tượng đặc thù như viễn thông, intenet, bảo hiểm... thì sẽ ảnh hưởng đến số lượng khách hàng đang sử dụng dịch vụ rất lớn, vì thế cũng rất khó có thể thực hiện được.

Thứ năm, biện pháp “Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt”. Đây là biện pháp cũng rất hữu hiệu nếu triển khai thực hiện tốt, hiệu quả. Nhưng thực tế cho thấy lại có nhiều trường hợp rất phức tạp, khó xử lý trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản, điển hình như việc: Rất khó xác định quyền sở hữu của đối tượng nộp thuế với tài sản bị kê biên mà pháp luật không quy định để đăng ký (Giấy tờ đăng ký, hóa đơn mua hàng). Hoặc việc xác định tỷ lệ trách nhiệm của người nợ thuế với tỷ lệ đóng góp của DN hoặc xác định tỷ lệ tài sản đối với các tài sản có đồng sở hữu. Hoặc trường hợp đơn vị chi nhánh trực thuộc, hạch toán phụ thuộc công ty ở ngoại tỉnh nhưng được phép tự khai thuế GTGT, nhưng tài sản của chi nhánh lại do công ty chính quản lý, khi đó chi nhánh nợ thuế thì cũng không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, vì công ty đó không phải là người nợ thuế, còn nếu cưỡng chế thì chi nhánh lại không có tài sản.

Thứ sáu, biện pháp “Thu hồi chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng

nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập, giấy phép hành nghề”. Thực tế cho thấy, đây là biện pháp mạnh nhất, vì áp dụng biện pháp này thì coi như DN sẽ phải giải thể, vì vậy mục đích thu được nợ thuế dường như không đạt...

Một số kiến nghị

Qua nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm về quản lý nợ thuế của một số nước trên thế giới cho thấy, ngoài các biện pháp quản lý nợ thuế mà hiện nay Việt Nam đang áp dụng, có thể có thêm các biện pháp gián tiếp để hạn chế các quyền giao dịch của đối tượng nợ thuế như việc cấm đối tượng nợ thuế ký các hợp đồng giao dịch với cơ quan Nhà nước; từ chối cấp “Chứng nhận nộp thuế” - Là loại giấy bắt buộc phải xuất trình mới có thể nhận được tiền thanh toán từ cơ quan Nhà nước. Cần phải có quy định cụ thể những đối tượng được hưởng ưu đãi thuế của Nhà nước phải là đối tượng không nợ thuế.

Đi liền với đó, cơ quan thuế phải được phép cung cấp thông tin về đối tượng nợ thuế cho các tổ chức tài chính như ngân hàng, các tổ chức tín dụng về các đối tượng nợ thuế lớn, nợ thuế kéo dài, để các ngân hàng, tổ chức tài chính có “Danh sách đen” để hạn chế khoản vay của đối tượng nợ thuế. Việc này cần phải được rà soát, phân loại và phối hợp cung cấp với ngân hàng theo từng quý, để đảm bảo các đối tượng khi đã đáp ứng yêu cầu nghĩa vụ thuế với nhà nước sẽ lập tức được tháo “Vòng kim cô” với các giao dịch ngân hàng. Còn đối tượng cố tình chây ì nợ sẽ khó lòng tiếp cận được vốn vay của các ngân hàng.

Tiếp đó, cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về tài khoản ngân hàng của người nộp thuế để liên thông với dữ liệu của cơ quan thuế, có như vậy mới kiểm tra, kiểm soát được việc một cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể mở nhiều tài khoản giao dịch tại các ngân hàng khác nhau. Xây dựng dữ liệu về tài sản của cá nhân như: Sở hữu về nhà, đất, bất động sản, các động sản, trên cơ sở đó cho phép cơ quan thuế có quyền truy cập, tra cứu để kiểm tra phục vụ công tác quản lý, cưỡng chế nợ thuế.

Mặt khác, kiến nghị với cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định cho phép cơ quan thuế chủ động lựa chọn biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo hiệu quả, thay vì phải làm tuần tự theo các thủ tục, các bước như quy trình hiện nay, vì có nhiều trường hợp nếu thực hiện theo quy trình thì đến bước cuối sẽ không thể thu nợ, cưỡng chế được thuế.

Đặc biệt, cần nghiên cứu cho phép cơ quan thuế có quyền khởi kiện người nộp thuế nợ thuế kéo dài, số lượng lớn (như cách làm của ngành Bảo hiểm).

Đồng thời nghiên cứu sửa đổi, đưa thêm nội dung hành vi nợ tiền thuế, chây ì không nộp thuế vào loại tội danh hình sự và phải chịu phạt tù.

Ngoài ra, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan chuyên trách về tổ chức, kê biên và bán đấu giá tài sản một cách độc lập, chuyên nghiệp. Nghiên cứu, xem xét trao thêm quyền cho cơ quan thuế có quyền điều tra về các hành vi trốn, nợ thuế.

Bổ sung các quy định bắt buộc việc phối, kết hợp giữa các cơ quan quản lý thuế với các cơ quan liên quan trong quản lý người nộp thuế như: Cơ quan thuế - Kế hoạch và Đầu tư - Công an - Kho bạc Nhà nước - Hải quan…, nhằm mục đích có các biện pháp hạn chế tổng thể đối với các trường hợp nợ thuế, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, góp phần kéo giảm tình trạng nợ thuế, nhất là các đối tượng chây ì nợ thuế trong thời gian tới.

Về công tác cán bộ: tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển đổi kịp thời cho các cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đáp ứng đủ điều kiện sang ngạch thanh tra viên, kiểm tra viên chính để đảm bảo yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra nội bộ theo quy định.

Đề nghị nâng cấp hạ tầng truyền thông từ Cục thuế đến các chi cục thuế cấp huyện; triển khai đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý thuế cho các Cục thuế, các Chi cục thuế.

Hoàn thiện chính sách lương, thưởng và điều kiện, môi trường làm việc đối với cán bộ, công chức thuế. Con người là yếu tố quyết định sự thành công, tuy

nhiên, cán bộ, công chức thuế trong tình trạng chung, chưa được cải thiện thỏa đáng về thu nhập và điều kiện, môi trường làm việc cũng như các cơ hội phát triển nghề nghiệp chưa được khuyến khích. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ tài chính cần sớm có chính sách lương, thưởng, điều kiện và môi trường làm việc phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức ngành thuế thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Xây dựng Luật cán bộ, công chức đặc thù cho ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng làm sao vừa đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức thuế nhưng cũng phải có tính răn đe cao nhất đối với những cán bộ không làm tròn trách nhiệm và vi phạm kỷ luật của ngành.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chi cục thuế thành phố vĩnh yên tỉnh vĩnh phúc​ (Trang 122 - 126)