Mỗi thị trường lại có những đặc điểm khác biệt dẫn đến tác động của các nhân tố sẽ ảnh hưởng theo các chiều hướng khác nhau. Vì vậy, các học giả trong nước cũng đã đóng góp những nghiên cứu để hiểu thêm về vấn đề này tại Việt Nam. Điển hình như
nghiên cứu của Võ Xuân Vinh (2014) chỉ ra rằng những doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu của các tổ chức càng lớn thì hiệu quả hoạt động và giá trị của doanh nghiệp đó sẽ càng cao. Tác giả cũng hàm ý rằng chính phủ nên ban hành chính sách giúp khuyến khích các quỹ đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước đẩy mạnh tham gia đầu tư vào doanh nghiệp vì những kinh nghiệm và lợi thế trong quản trị điều hành giúp tăng hiệu quả hoạt động và giá trị doanh nghiệp. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh Huệ và Đặng Tùng Lâm (2017) kết luận rằng trong khi sở hữu của nước ngoài có tác động dương đến hiệu quả của doanh nghiệp thì sở hữu nhà nước lại cho kết quả ngược lại, đồng nhất với nhận định rằng các công ty có mức sở hữu nhà nước cao thường có sự yếu kém và chậm chạp trong kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên khi xét đến quyết định tài trợ vốn cho doanh nghiệp qua công cụ đòn bẩy tài chính thì sở hữu tổ chức lại có ưu thế hơn khi được hậu thuẫn bởi các doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu của Phụng Đức Nam và Lê Thị Phương Vy (2013) sử dụng dữ liệu giai đoạn 2008 đến 2011 của các doanh nghiệp trên sàn HOSE lại cho thấy rằng cổ đông ngoại ảnh hưởng một cách tiêu cực đến hoạt động của công ty do mức độ của nó là không tập trung.
1.3.3. Tổng quan nghiên cứu về tác động của cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hoạt
động của doanh nghiệp bất động sản
Trong tổng hợp những nghiên cứu trước đây về vấn đề cấu trúc sở hữu doanh nghiệp, có khá ít những nghiên cứu tập trung vào doanh nghiệp bất động sản. Các nghiên cứu trước đây về doanh nghiệp BĐS thường tập trung vào cấu trúc vốn hay việc quản trị doanh nghiệp. Phạm Thảo Anh (2017) cho rằng để các doanh nghiệp bất động sản tăng khả năng sinh lời thì doanh nghiệp cần giảm các nguồn vay ngắn hạn, tăng cường sử dụng thêm các nguồn vay dài hạn, dựa theo tình hình kinh doanh, đặc thù các công trình... mà lựa chọn sử dụng nguồn vay ngắn hay dài hạn và sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất, tránh việc sử dụng quá nhiều vốn vay vào hoạt động sản xuất kinh doanh làm gia tăng nhiều chi phí giảm khả năng sinh lời cho doanh nghiệp. Trịnh Thị Phan Lan (2013) cho rằng đòn bẩy tài chính có hai mặt đối lập với nhau, một mặt hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh chóng khi mà yêu cầu về vốn rất lớn mà bản thân
không đáp ứng được, mặt khác nếu quá lạm dụng vấn đề nợ vay mà không có sự tính toán về rủi ro có thể xảy ra thì nguy cơ trở thành gánh nặng đối với các doanh nghiệp là rất cao, thậm chí là dẫn đến phá sản nếu bước vào giai đoạn nền kinh tế bất ổn.