Nguyễn nhân của những hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý thu thuế nhập khẩu sau thông quan tại cục hải quan tỉnh lạng sơn​ (Trang 89 - 94)

3.3.3.1. Nguyên nhân chủ quan

- Do tuyển dụng và bố trí cán bộ

+ Số lượng cán bộ công chức tại Chi cục Kiểm tra sau thông quan còn mỏng, trong đó một số cán bộ công chức mới chuyển ngành hoặc mới được làm công tác kiểm tra sau thông quan nên chưa đáp ứng về công tác chuyên môn nghiệp vụ. Chi cục phải đào tạo từ bước căn bản nhất, mặc dù yêu cầu chuẩn đối với cán bộ làm công tác kiểm tra sau thông quan là phải qua làm việc thực tế tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu, có nghiệp vụ kiểm tra hồ sơ trong thông quan, nắm vững về trị giá, mã số và chính sách mặt hàng, do vậy khả năng làm việc của cán bộ mới chưa thể đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan.

+ Công tác luân chuyển cán bộ trong các đơn vị thuộc Cục Hải quan Tỉnh Lạng Sơn được thực hiện thường xuyên, định kỳ nên ảnh hưởng nhiều đến công tác đào tạo công chức kiểm tra sau thông quan có kinh nghiệm, chuyên sâu trong từng lĩnh vực kiểm tra, một số cán bộ luân chuyển về đơn vị chưa có kỹ năng kiểm tra hồ sơ hải quan do làm ở các vị trí như giám sát, chống buôn lậu. Hơn nữa, vụ việc kiểm tra sau thông quan thường kéo dài, một số cán bộ đang xử lý vụ việc chưa xong đã có quyết định luân chuyển, phải thực hiện bàn giao công việc cho cán bộ khác. Điều này đã làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra sau thông quan.

- Do sự quan tâm của lãnh đạo một số đơn vị

Lãnh đạo các cấp tập trung chủ yếu nguồn lực vào khâu thông quan hàng hóa, nhiều đơn vị trong thời gian dài không phát sinh số liệu liên quan đến kiểm tra sau thông quan.

- Do đặc thù các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn kinh doanh kiểu thời vụ, việc quan lý doanh nghiệp không chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến việc các công ty được mở ra nhiều, hoạt động xuất nhập khẩu ồ ạt, gian lận thuế, gian lận thương mại, đến khi cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra thuế sau thông quan thì làm thủ tục giải thể, ngừng hoạt động, phá sản.

3.3.3.2. Nguyên nhân khách quan

Do xu thế hội nhập quốc tế, số lượng chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu tăng nhanh, đa dạng. Để tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu đòi hỏi thời gian thông quan giải phóng hàng nhanh chóng, vì vậy phải có cách quản lý phù hợp chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” giảm áp lực tại khâu thông quan nhưng lại là gánh nặng cho khâu sau thông quan đòi hỏi phải kiểm tra nhiều hơn. Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách của Bộ Tài chính, của Tổng cục Hải quan còn bất cập, cụ thể:

- Hiện nay, Biểu thuế hiện hành đã áp dụng mã hóa hàng hóa ở mức độ 8 chữ số, tuy nhiên nhiều loại hàng có tính chất đặc thù chưa được chi tiết và được nêu chung chung trong Biểu thuế do vậy, dễ gây nhầm lẫn khi phân loại hàng hóa. Bên cạnh đó, còn tồn tại rất nhiều văn bản lẻ của Bộ Tài chính, Tổng cục hải quan hướng dẫn mã số thuế cho những mặt hàng cụ thể. Do vậy khó khăn cho công chức trong việc tra cứu, kiểm tra phân loại hàng hóa cho phù hợp, đúng bản chất hàng hóa, tránh thất thu thuế.

- Cơ sở dữ liệu của ngành Hải quan chưa đáp ứng nhu cầu khai thác của kiểm tra sau thông quan. Các chương trình của Tổng cục Hải quan chưa tích hợp được thành một chương trình để có thể truy xuất theo các tiêu chí theo yêu cầu công tác kiểm tra sau thông quan.

- Tổng cục Hải quan đã triển khai chương trình phần mềm quản lý thông tin doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác kiểm tra sau thông quan, đến nay đã đưa vào sử dụng chính thức rộng rãi trong toàn ngành để các Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc các Cục Hải quan trên toàn quốc có thể cập nhật, khai thác, trao đổi thông tin trong công tác, tuy nhiên lượng thông tin được cập nhật không được đầy đủ, dữ liệu còn sơ sài.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu giá GTT02 chưa được các đơn vị trong ngành cập nhật đầy đủ, kịp thời, việc cập nhật dữ liệu tên hàng còn sơ sài, thiếu thông tin về hàng hóa ảnh hưởng đến công tác khai thác, so sánh, kiểm tra trị giá tính thuế nhập khẩu.

- Thông tin về giá vẫn còn rất hạn hẹp, chủ yếu dựa vào chương trình dữ liệu GTT02 của Tổng cục Hải quan, việc khai báo, mô tả hàng hóa hiện nay của doanh nghiệp phổ biến là thể hiện rất chung chung, thông tin sơ sài. Việc chứng minh hành vi gian lận qua giá là rất khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động thanh toán quốc tế qua ngân hàng, tình trạng sử dụng hóa đơn GTGT ghi không đúng giá trị của hàng hóa là phổ biến trên thị trường, tình trạng thanh toán tiền mặt không thể hiện trong hệ thống sổ sách kế toán.

- Cơ sở dữ liệu của ngành chưa đồng bộ, chưa kết nối với các đơn vị liên quan để kịp thời trao đổi thông tin phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan.

- Nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động kiểm tra sau thông quan bao gồm rất nhiều nguồn tuy nhiên trên thực tế Chi cục Kiểm tra sau thông quan chỉ nhận được thông tin từ Tổng cục Hải quan chuyển đến, thông tin từ khâu thông quan tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu rất quan trọng cho hoạt động kiểm tra sau thông quan nhưng lại rất hạn chế, chưa đầy đủ, kịp thời. Phương thức khai thác các nguồn thông tin để phân tích và xác định các dấu hiệu vi phạm còn mang tính thủ công, tốn nhiều thời gian và công sức.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phần nào chưa đáp ứng nhu cầu kiểm tra sau thông quan. Trong thời gian qua, Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã Lãnh đạo Cục được phê duyệt các trang thiết bị như máy vi tính, máy chụp ảnh, máy ghi âm, máy tính xách tay. Tuy nhiên, cần trang bị thêm cho Chi cục một số thiết bị như máy giám định tài liệu, máy quay, các thiết bị đo lường, công nghệ thông tin để đảm bảo hoạt động kiểm tra sau thông quan đạt hiệu quả nhất.

Mặt khác, công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, mặc dù đã có văn bản được ký kết giữa ngành tài chính và ngân hàng về trao đổi phối hợp cung cấp thông tin, tuy nhiên do đặc thù hoạt động của các ngân hàng là bảo vệ thông tin cho khách hàng khiến việc cung cấp thông tin chậm chễ, không rõ ràng hoặc cung cấp cho có khiến cho việc thu thập thông tin bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó đối với các cơ quan quản lý nhà nước khác như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an, cơ quan Thuế… chưa có văn phản phối hợp cụ thể, việc thu thập thông tin chủ yếu dựa vào quan hệ quen biết.

Hệ thống văn bản còn chưa đồng bộ, thống nhất, còn nặng về mặt thủ tục hành chính, các văn bản còn chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm tra sau thông quan, dễ trở thành kẽ hở dẫn đến khiếu kiện khiếu nại.

Do thay đổi về chính sách, các Chi cục Hải quan cửa khẩu tập trung nguồn nhân lực lớn tại khâu thông quan, công chức làm kiểm tra sau thông quan chủ yếu là kiêm nhiệm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan.

Cuối cùng, nhận thức từ phía doanh nghiệp đối với công tác KTSTQ cũng là một trong những nguyên nhân của hạn chế nêu trên. Hầu hết các doanh nghiệp đang được kiểm tra sau thông quan thường chậm trễ trong việc cung cấp hồ sơ làm kéo dài thời gian kiểm tra, một số doanh nghiệp được mời đến trụ sở cơ quan Hải quan chưa tự giác chấp hành, hợp tác. Do vậy thời gian kiểm tra và xử lý các vụ việc kiểm tra sau thông quan tiến hành tại cơ quan hải quan chưa được rút ngắn, gây chậm trễ so với kế hoạch kiểm tra.

Một số trường hợp kiểm tra sau thông quan doanh nghiệp không hợp tác, không cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan Hải quan; doanh nghiệp không đến làm việc theo quyết định kiểm tra hoặc không đồng ý với kết quả kiểm tra, không chịu ký vào biên bản kiểm tra; không nộp tiền thuế theo quyết định ấn định thuế ... Một số trường hợp doanh nghiệp biết thông tin chuẩn bị kiểm tra sau thông quan thì làm thủ tục tạm ngừng hoạt động xuất nhập khẩu.

Chương 4

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÍ THU THUẾ NHẬP KHẨU SAU THÔNG QUAN TẠI CỤC HẢI QUAN TỈNH LẠNG SƠN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý thu thuế nhập khẩu sau thông quan tại cục hải quan tỉnh lạng sơn​ (Trang 89 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)