Đào tạo trong công việc là các phương pháp đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc trong đó, người học sẽ thu được những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc thông qua thực tế thực hiện công việc và thường là dưới sự hướng dẫn của những
người lao động lành nghề hơn. Vì là đào tạo trong công việc nên học viên có một sự chuyển biến gần như ngay tức thời trong kiến thức và kỹ năng thực hành vì được làm
việc thực tế, kết hợp với lý thuyết được học và có người chỉ dẫn làm việc áp dụng thực tế.
Ưu điểm: Hình thức đào tạo này không yêu cầu một không gian hay trang thiết bị riêng biệt đặc thù nào mà sử dụng ngay thiết bị máy móc hiện có của doanh nghiệp,
nên tiết kiệm được chi phí đào tạo. Đồng thời, học viên có thể vừa học vừa làm không
những được học tập nâng cao kiến thức mà còn có thu nhập. Đào tạo trong công việc giúp cho nhà quản lý có thể dễ dàng kiểm soát quá trình học tập của nhân viên và không phát sinh những chi phí ngoài công việc. Cách học này cũng cho phép học viên
cùng được làm việc với đồng nghiệp tương lai của họ và bắt trước được những hành vi lao động của những đồng nghiệp.
Nhược điểm: Cách đào tạo này cũng có một số nhược điểm như lý thuyết được trang bị không hề có hệ thống vì không phải là những giảng viên chuyên nghiệp giáo trình giảng dạy là tự tổng hợp được, và kỹ năng truyền tải kiến thức không như ở trường đào tạo thực sự. Đồng thời, nếu người hướng dẫn không được lựa chọn kỹ lưỡng thì học viên có thể bắt trước những kinh nghiệm, thao tác không tiên tiến của người hướng dẫn. Không chỉ vậy có thể xảy ra tình trạng máy móc, thiết bị hư hỏng nhiều hơn do thiếu kinh nghiệm của học viên.
Điều kiện để đào tạo trong công việc đạt được hiệu quả là các giáo viên dạy nghề phải được lựa chọn cẩn thận và phải đáp ứng những yêu cầu của chương trình đào tạo về trình đồ chuyên môn, mức độ thành thạo công việc và khả năng truyền thụ;
quá trình đào tạo phải được tổ chức chặt chẽ và có kế hoạch. Đào tạo trong công việc bao gồm các phương pháp sau:
a) Đào tạo theo kiểu chỉ dẫn công việc
Đây là phương pháp phổ biến dùng để dạy các kỹ năng thực hiện công việc cho
hầu hết các công nhân sản xuất và kể cả một số công việc quản lý. Quá trình đào tạo bắt đầu bằng sự giới thiệu và giải thích của người dạy về mục tiêu của công việc sau đó chỉ dẫn tỉ mỉ, theo từng bước về cách quan sát, trao đổi học hỏi và cho học viên
làm thử cho tới khi thành thạo dưới sự chỉ dẫn và quan sát chặt chẽ của người dạy. Người học cũng phải phối hợp với người dạy phải biết lắng nghe, quan sát và làm được theo sự hướng dẫn.
Phương pháp này có ưu điểm là không đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị đặc thù
hay một không gian riêng để học tập. Người học sẽ được học trực tiếp trên máy móc hiện có của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí. Đồng thời giúp người học nắm bắt nhanh kiến thức vì được thực hành luôn sau khi được chỉ dạy.
Tuy nhiên nhược điểm là can thiệt vào quá trình sản xuất, dẫn đến hư hại máy móc, thiết bị do chưa quen việc, chưa nắm bắt thành thạo các thao tác sử dụng máy móc, thiết bị vừa học.
b) Đào tạo theo kiểu học nghề
Theo phương pháp này, chương trình đào tạo bắt đầu bằng việc học lý thuyết trên lớp, sau đó các học viên được đưa đến làm việc dưới sự hướng dẫn của công nhân lành nghề hơn trong một vài năm; được thực hiện các công việc thuộc nghề cần học cho tới khi thành tạo tất cả các kỹ năng của nghề. Phương pháp này dùng để dạy một nghề hoàn chỉnh cho công nhân, và thực chất là sự kèm cặp của công nhân lành nghề đối với người học và là phương pháp thông dụng ở Việt Nam.
Ưu điểm của phương pháp là học viên được trang bị kiến thức một cách có hệ thống cả lý thuyết và thực hành. Do đó chất lượng đào tạo tốt, sau khóa học học viên có kỹ năng thành thạo. So với phương pháp đào tạo theo kiểu chỉ dẫn thì việc đào này
không can thiệp vào quá trình sản xuất nên không ảnh hưởng đến việc vận hành của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó nhược điểm là phương pháp này tốn kém cả về mặt thời gian và tiền bạc do phải tổ chức lớp học riêng, các trang thiết bị cho học tập. Việc đào tạo là toàn diện nên có phần sẽ không áp dụng được trong công việc.
c) Kèm cặp chỉ bảo
Phương pháp này dùng để giúp các cán bộ quản lý và các nhân viên giám sát có
trong tương lai thông qua sự kèm cặp, chỉ bảo của người quản lý giỏi hơn. Có ba cách
để kèm cặp là:
- Kèm cặp bởi người lãnh đạo trực tiếp; - Kèm cặp bởi cố vấn;
- Kèm cặp bởi người quản lý có kinh nghiệm hơn.
Ưu điểm: Đơn giản, dễ tổ chức, có thể đào tạo nhiều người cùng một lúc; ít tốn kém; các vấn đề đào tạo sát với thực tế; học viên có phản hồi nhanh chóng về kết quả
đào tạo
Nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là có thể ảnh hưởng bởi phương pháp của người hướng dẫn.
d) Luân chuyển và thuyên chuyển công việc
Đây là phương pháp đào tạo giúp cho người được đào tạo có những kiến thức và kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những kinh nghiệm và kiến thức thu được trong quá trình đào tạo nay sẽ giúp họ có khả năng thực hiện được những công việc cao hơn trong tương lai. Luân chuyển công việc còn giúp học viên hiểu được cách thức phối hợp thực hiện công việc của các bộ phận khác nhau, làm gia tăng sự hiểu biết và văn hóa tổ chức. Không chỉ vậy, luân chuyển công việc còn là cách thức tốt nhằm tránh đơn điệu của công việc. Phương pháp này có thể áp dụng để đào tạo cả các nhà quản trị lẫn công nhân kỹ thuật và cán bộ chuyên môn. Trong trường hợp đào tạo các quản trị gia và cán bộ chuyên môn bằng phương pháp luân chuyển công việc có ba cách sau đây:
Thứ nhất, chuyển đối tượng đào tạo đến nhận cương vị quản lý ở một bộ phận khác trong tổ chức nhưng vẫn với chức năng và quyền hạn như cũ. Với cách này làm gia tăng sự hưng phấn cho đối tượng đào tạo trong một môi trường mới và tăng thêm sự hiểu biết cho họ về tổ chức;
Thứ hai, người quản lý được cử đến nhận cương vị công tác mới ngoài lĩnh vực
chuyên môn của họ
Thứ ba, người quản lý được bố trí luân chuyển công việc trong phạm vi nội bộ một nghề chuyên môn
Phương pháp này giúp học viên đào tạo đa kỹ năng, tránh được tình trạng trì trệ,
dễ dàng thích nghi với các công việc khác nhau trong tổ chức; giúp học viên kiểm tra,
phát hiện các điểm mạnh, điểm yếu của mình và có kế hoạch đầu tư phát triển phù hợp; tăng tích lũy kinh nghiệm và giảm sự nhàm chán đối với công việc. Nhược điểm
của phương pháp này là cường độ thực hiện công việc sẽ cao dễ gây xáo trộn và bất ổn tâm lý; không thực hiện được phương pháp luận cho công việc; thời gian ở lại một
công việc hay một vị trí quá ngắn có thể làm cho học viên không hiểu đầy đủ về công
việc.