Nhóm nhân tố bên trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hiệu quả kinh doanh tại công ty cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản lào cai (Trang 35 - 38)

5. Kết cấu của luận văn

1.1.5.2.Nhóm nhân tố bên trong doanh nghiệp

* Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là hệ thống các quan điểm, mục tiêu kinh doanh và phương hướng kinh doanh cùng các chính sách, biện pháp của doanh nghiệp nhằm sử dụng một cách tốt nhất các nguồn lực, lợi thế, cơ hội của doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong một thời gian nhất định. Chiến lược kinh doanh xác định các mục tiêu và phương hướng kinh doanh trong thời kỳ tương đối dài (5 năm, 10 năm…). Nói cách khác, chiến lược kinh doanh là công cụ mà doanh nghiệp sử dụng để vạch ra mục tiêu và hướng đi dài về mặt thời gian, dự định những bước đi trong tương lai của doanh nghiệp trong sự biến đổi của thị trường và xác định công cụ, biện pháp chủ yếu để thực hiện những bước đi đó. Nội dung chiến lược kinh doanh phải thể hiện hai mặt sau: Đưa ra mục tiêu lớn, mục tiêu dài hạn với định hướng rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Hoạch định các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp, công cụ hữu hiệu.

Chiến lược kinh doanh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh đúng đắn là điều kiện cơ bản giúp doanh nghiệp có hướng đi đúng đắn, khai thác được các cơ hội phát triển cũng như lường trước được các nguy cơ đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực, phát huy tiềm năng của doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh tạo ra quỹ đạo hoạt động cho doanh nghiệp, nó tạo mối liên kết gắn bó giữ các thành viên trong doanh nghiệp cùng hướng tới mội mục đích chung, qua đó tăng cường và nâng cao hơn nữa nội lực của doanh nghiệp.

Với bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng cần phải có chiến lược kinh doanh nhất là trong điều kiện kinh doanh hiện tại của các doanh nghiệp Việt Nam với

nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, vừa làm cho tính biến động của môi trường kinh doanh lớn hơn. Trong môi trường kinh doanh này để chống đỡ với sự thay đổi không lường trước của môi trường đòi hỏi doanh nghiệp phải có một chiến lược kinh doanh hợp lý, vừa mang tính lâu dài, vừa có tính linh hoạt thích ứng với điều kiện của từng thời kỳ.

Để phát huy ảnh hưởng tích cực của chiến lược kinh doanh doanh nghiệp cần chú trọng tới việc xây dựng chiến lược kinh doanh một cách bài bản, có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn. Chỉ có như vậy doanh nghiệp mới có thể tập trung mọi nguồn lực vào mục tiêu dài hạn để thực sự tạo nên sức mạnh và khả năng cạnh tranh. Song nội dung cảu chiến lược kinh doanh đúng đắn, khâu tổ chức hiện có ý nghĩa quyết định tác động của chiến lược kinh doanh tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

* Mô hình tổ chức và quản lý doanh nghiệp

Mô hình tổ chức và quản lý doanh nghiệp của hình thành trên cơ sở phân chia tổng thể tổ chức doanh nghiệp thành những bộ phận nhỏ theo những tiêu chuẩn riêng biệt, thực hiện những chức năng khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau nằm thực hiện mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Bất kỳ tổ chức nào muốn tồn tại và phát triển thì mỗi con người trong tổ chức đó không thể hành động riêng lẻ mà cần phối hợp với nhau để hướng tới hoàn thành mục tiêu chung. Trong mỗi doanh nghiệp nếu không có mô hình tổ chức và quản lý thì không thể tiến hành các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp đã đặt ra. Mô hình tổ chức và quản lý doanh nghiệp được xem như chất keo dính để liên kết các cá nhân và các chức năng mà họ thực hiện lại với nhau thành một thể thống nhất với phương hướng hành động rõ ràng, làm cho hoạt động của doanh nghiệp ổn định, thu hút được mọi người tham gia và có trách nhiệm với công việc hơn.

Để mô hình tổ chức và quản lý của doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần phải có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, cần có sự phân công, phân nhiệm vụ cụ thể, có cơ chế quản lý kinh hoạt, phù hợp với đặc thù

của từng doanh nghiệp. Bộ máy tổ chức và quản lý chỉ phát huy được sức mạnh khi nó được tổ chức một cách khoa học và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, ngược lại có thể trở thành lực lượng kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Việc hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý, làm cho bộ máy hợp lý hơn, phù hợp hơn, linh hoạt hơn và hiệu lực hơn là yêu cầu và điều kiện không thể thiếu để thực hiện mục tiêu kinh doanh và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

* Chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp

Nguồn nhân lực của doanh nghiệp là tổng hòa của yếu tố thể lực và chí lực tồn tại trong toàn bộ lực lượng lao động của doanh nghiệp. Nguồn nhân lực là yếu tố đầu vào quan trọng nhất, là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng các nguồn lực khác. Trình độ, năng lực, kỹ năng, sức khỏe và tinh thần trách nhiệm của người lao động nói cách khác là chất lượng nguồn nhân lực tác động trực tiếp đến việc sử dụng các nguồn lực kinh doanh của doanh nghiệp, đến tất cả các giai đoạn, các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, tác động trực tiếp đến năng xuất, chất lượng sản phẩm, tới tiêu thụ sản phẩm do đó có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Để có nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trước mắt cũng như lâu dài, các doanh nghiệp cần phải căn cứ vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công việc, khai thác sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn nhân lực, làm tốt công tác dự báo để có kế hoạch nhân lực cụ thể, xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để tạo động lực làm việc cho người lao động.

* Khả năng tài chính của doanh nghiệp

Khả năng tài chính của doanh nghiệp là khả năng tạo lập các nguồn tài chính và khả năng tổ chức khai thác, sử dụng các nguồn tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Khả năng tài chính của doanh nghiệp là điều kiện trực tiếp và quan trọng giúp doanh nghiệp hình thành các hoạt động kinh doanh và mở rộng sản xuất kinh

doanh cả về chiều rộng và chiều sâu. Nó giúp doanh nghiệp đảm bảo các yếu tố đầu vào, cải thiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, đảm bảo khả năng thanh toán và cải thiện đời sống cho người lao động trong doanh nghiệp. Trong sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của nền kinh tế, khả năng tài chính là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Thiếu vốn doanh nghiệp không thể chủ động sản xuất kinh doanh, không thể mở rộng quy mô và có thể bị đối thủ mạnh hơn cạnh tranh dẫn đến quy mô kinh doanh bị thu hẹp và dẫn tới phá sản. Như vậy, có thể thấy rằng, tài chính của doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tình hình tài chính của doanh nghiệp được cải thiện tốt đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh ngày càng tiến triển và hiệu quả. Với mỗi doanh nghiệp công tác tài chính luôn ảnh hưởng tới sự chủ động lựa chọn cơ hội kinh doanh, lựa chọn hình thức và phương thức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hiệu quả kinh doanh tại công ty cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản lào cai (Trang 35 - 38)