Vai trò của thuhút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 29 - 32)

Vai trò của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất quan trọng, bởi vì FDI mang đến những hiệu quả thiết thực sau đây:

Thứ nhất, FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện tốt việc tiếp nhận FDI đem lại cho nước tiếp nhận nguồn vốn lớn cho sự phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường... Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với những nước đang phát triển, đang hạn chế về nguồn vốn trong nước và có cơ hội tăng thêm vốn trên thị trường quốc tế, mà nước nhận đầu tư không phải lo gánh nặng công nợ. Hơn nữa, FDI có khả năng tăng nguồn vốn trong nước vào các dự án đầu tư. Đây là cơ sở để nước nhận đầu tư có động lực tăng tốc độ phát triển kinh tế, từ đó rút ngắn khoảng cách phát triển với thế giới.

Thứ hai, FDI giúp tiếp thu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và kỹ năng quản

Trình độ khoa học - công nghệ của các nước đang phát triển còn thấp, lạc hậu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm khiến cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn các công nghệ tiên tiến, hiện đại đều xuất phát từ các nước công nghiệp phát triển. FDI thường đi kèm với công nghệ, kỹ thuật hiện đại, chuyển giao các bí quyết công nghệ, bí quyết kỹ thuật tiên tiến. Nhờ chuyển giao, lan toả công nghệ mà năng suất lao động ở nước tiếp nhận và hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngày càng tăng. Cụ thể là thông qua FDI, các công ty xuyên và đa quốc gia thường với nguồn vốn lớn, công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến đã chuyển giao công nghệ và tài sản vô hình cho các doanh nghiệp nước tiếp nhận có quan hệ kinh doanh. Bằng con đường

này, các doanh nghiệp nước tiếp nhận có điều kiện tiếp cận và sử dụng máy móc thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ đã tạo ra môi trường cạnh tranh buộc các doanh nghiệp khác trong nước cũng phải đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp, kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp... đều có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là trong môi trường toàn cầu hoá, hội nhập và cạnh tranh quốc tế gay gắt. Các kỹ năng trên là tài sản vô hình hết sức quan trọng mà các công ty quốc tế chuyển giao cho các công ty nước tiếp nhận. Thông qua FDI, các nước tiếp nhận đầu tư có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận các kỹ năng, phương pháp quản lý, cách thức điều hành tiên tiến của các công ty xuyên và đa quốc gia.

Thứ ba, FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Phần lớn vốn FDI đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, trong đó có những ngành chủ chốt như công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; khai khoáng; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa; bán buôn bán lẻ; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống.

FDI góp phần làm tăng tỷ trọng của những ngành này trong nền kinh tế đồng thời tạo điều kiện hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn giúp hình thành các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đại như điện tử, tin học, viễn thông, lắp ráp ô tô và xe máy, giúp chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý tiên tiến, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. FDI được thực hiện một cách hiệu quả hướng vào việc hình thành cơ cấu ngành kinh tế, tạo điều kiện từng bước khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất nước, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, thúc đẩy nền kinh tế hội nhập vào sự phân công lao động và hợp tác quốc tế.

Thứ tư, FDI góp phần phát triển thêm nguồn nhân lực và tạo thêm nhiều việc làm mới

Thực hiện FDI tại nước tiếp nhận đầu tư, các công ty xuyên và đa quốc gia sử dụng lao động tại địa phương. Điều này tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho

người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng và tri thức của họ. Ngay cả trong trường hợp họ không còn làm việc trong các công ty này, họ có thể làm việc hiệu quả ở các nơi khác với vốn kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo và tích luỹ.

Ngoài tạo việc làm một cách trực tiếp, FDI còn gián tiếp tạo ra nhiều việc làm thông qua các ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, với chính sách tăng dần tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của các doanh nghiệp FDI các ngành sản xuất ô tô, xe máy, giày da, may mặc... đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp vệ tinh cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp FDI, tạo ra nhiều việc làm hơn. Các hoạt động phụ trợ này cũng đòi hỏi công nghệ cao, chất lượng sản phẩm tốt, do đó cũng nâng cao trình độ người lao động.

Nhiều doanh nghiệp FDI tạo điều kiện cho nhân viên, người lao động học tập nâng cao tay nghề, hoặc gửi đi học tập ở nước ngoài nâng cao năng lực quản lý, giúp cho vấn đề lao động được giải quyết cả về số lượng và chất lượng. Như vậy, việc cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, tăng cường thu hút nhân tài, nâng cao năng lực, trình độ của người lao động cũng góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước sở tại.

Thứ năm, FDI thúc đẩy cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế

Cạnh tranh ngày một gay gắt của khu vực FDI buộc nền sản xuất trong nước phải kiện toàn, tăng cường hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời khu vực FDI còn đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư. Một mặt các nhà đầu tư yêu cầu nước nhận đầu tư phải mở cửa thị trường hơn nữa và tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Mặt khác, khả năng cạnh tranh và tính hướng ngoại cao, đặc biệt hoạt động xuất khẩu của khu vực FDI là cơ sở tốt để kinh tế nước nhận đầu tư tăng cường mở cửa với bên ngoài, thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, làm quen với tập quán thương mại quốc tế, thích nghi nhanh hơn với những thay đổi trên thị trường thế giới. Đó là vai trò làm cầu nối và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế quan trọng của FDI, giúp các doanh nghiệp nước tiếp nhận đến với thị trường nước ngoài và thực hiện kinh doanh quốc tế.

Thực tiễn thế giới cho thấy, dòng vốn đầu tư này góp phần làm dịu lạm phát khi chúng làm tăng cung những mặt hàng khan hiếm, tăng nhập khẩu phụ tùng thiết bị sản xuất và công nghệ tiên tiến, từ đó làm tăng tiềm lực xuất khẩu, khả năng cạnh tranh, cải thiện cán cân thanh toán, tăng thu ngân sách cho nước chủ nhà và giúp hạn chế sức ép tăng tỷ giá tiền tệ thực tế.

Cuối cùng, việc tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo cơ hội cho nước sở tại phát triển quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa vì lợi ích chung, nâng cao vị thế trên trường quốc tế

Hoạt động FDI là chiếc cầu nối ràng buộc lợi ích kinh tế giữa các nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư. Hoạt động FDI góp phần quan trọng đối với đẩy mạnh xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán. Trong đó, xuất khẩu là một trong những giải pháp tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng thêm thu nhập cho nền kinh tế, từ đó tạo điều kiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Thông qua thặng dư xuất khẩu và chuyển vốn đầu tư về, hoạt động FDI góp phần vào việc hạn chế thâm hụt của cán cân thanh toán.

Hoạt động FDI nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, biến những tiềm năng về nguồn lực thành hiện thực, tạo sự hấp dẫn đầu tư, sự quan tâm của các nước trên thế giới. Thông qua việc hội nhập với các tổ chức, các diễn đàn kinh tế, các liên kết. Từ đó góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(74 trang)
w