- Tạo sự yên tâm cho các NĐT FDI khi quyết định chọn Việt Nam là điểm đến cho hoạt động SXKD của họ bằng cách tiếp tục giữ vững sự ổn định của tình hình chính trị, tăng cường các hoạt động ngoại giao, giữ vững tốc độ phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục đưa ra những sách lược, biện pháp chặt chẽ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 để tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, hấp dẫn, đáng tin cậy với các đối tác đầu tư.
- Đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Từ thực trạng giai đoạn 2011- 2020 có thể thấy, FDI đầu tư vào những tỉnh, thành phố có vị trí địa lý chiến lược và cơ sở hạ tầng phát triển lớn hơn nhiều những vùng xa trung tâm và hạ tầng yếu kém. Để hóa giải sự chênh lệch giữa lượng FDI thu hút được của các địa phương, cần phải đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn cần thiết để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng là rất lớn, cần tận dụng từ nhiều nguồn lực như: khai thác vốn hiệu quả từ tài sản công, từ bất động sản, hay chính từ nguồn vốn ĐTTTNN. Về hạ tầng giao thông, cần ưu tiên hoàn thiện, nối thông tuyến đường cao tốc Bắc-Nam - tuyến đường đi qua 32 tỉnh thành - nhằm khai thông mạng lưới giao thương giữa các địa phương của đất nước. Nâng cấp quy mô, chất lượng của các sân bay, cảng biển để hoạt động xuất nhập khẩu được diễn ra dễ dàng, thuận tiện hơn. về hệ thống điện, cần quy hoạch tốt các nhà máy thủy điện, khuyến khích mở rộng hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời ở nhiều địa phương để tăng công suất, đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp FDI và các DN nội địa. Hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lí rác thải cũng cần được quan tâm đầu tư để bảo vệ môi trường khỏi tác hại từ các chất thải công nghiệp. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin cũng cần tập trung phát triển, tiêu biểu là tạo dựng, thử nghiệm mạng 5G rộng rãi, rút ngắn khoảng cách về năng lực công nghệ giữa Việt Nam với các nước đối tác.
- Tăng cường kết nối giữa DN FDI và DN nội địa. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có những biện pháp đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa DN nội địa và DN FDI như:
+ Xây dựng các KCN dành cho các DN FDI có kết nối với cụm công nghiệp của các DN nội địa, khoảng cách địa lý gần hơn sẽ giúp khả năng liên kết giữa hai khối doanh nghiệp cao hơn.
+ Các doanh nghiệp trong nước tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, trình độ của nguồn nhân lực, cải thiện sức cạnh tranh, năng lực quản trị, năng lực công nghệ của công ty, dùng chính thực lực để thuyết phục các doanh nghiệp FDI chọn mình là đối tác làm ăn.
+ Xây dựng các chính sách hiệu quả phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, để các DN này tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao GTGT nội địa, tăng hiệu ứng lan tỏa công nghệ, kĩ thuật tiên tiến từ các đối tác ĐTNN đến các doanh nghiệp Việt Nam.