Trong những năm qua, Việt Nam được đánh giá là “thỏi nam châm hút FDI” của khu vực. Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có được kết quả trên là do đất nước này có được những thuận lợi sau trong việc thu hút FDI:
Thứ nhất, Việt Nam có tình hình xã hội, chính trị ổn định
Một đất nước có tình hình chính trị ổn định sẽ thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là yếu tố chủ đạo mang tính quyết định đến sức hấp dẫn của một nước nhận đầu tư với các nhà đầu tư quốc tế. Bởi lẽ khi môi trường chính trị ổn định thì kinh tế mới phát triển, khi đó các NĐT mới yên tâm đầu tư kinh doanh. Nếu tình hình chính trị bất ổn, thường xuyên xảy ra bạo động hay tồn tại nội chiến trong một quốc gia thì đồng vốn NĐT bỏ ra sẽ khó bảo toàn cũng như việc tiến hành SX-KD để sinh lời từ đồng vốn ấy cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn hấp dẫn các NĐT FDI nhờ việc xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách tài chính có lợi cho NĐT, như chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu một số ngành hàng; ưu đãi về tiền thuê đất...góp phần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút FDI, khiến cho các NĐT chọn Việt Nam là nơi đặt nền móng SXKD, mở rộng thị trường.
Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, thúc đẩy quan hệ kinh tế quốc tế, tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với nhiều quốc gia và khu vực, kỳ vọng sẽ là nam châm thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ chảy vào Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 189/193 nước; có quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư với trên 224 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương, tiêu biểu như: CPTPP, EVFTA,
VKFTA, VJEPA. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Do đó, việc tham gia và thực thi các FTA sẽ mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam. Cụ thể, giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần thúc đẩy hoàn thiện chính sách theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng hình ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, mở cửa với tất cả các đối tác trên thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài”.
Thứ ba, Việt Nam có địa thế thuận lợi: Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đông Nam Á, vị trí này đem đến tiện nghi trong việc kết nối với các quốc gia khác trong khu vực. Đặc biệt, với đường bờ biển dài hơn 3000km, Việt Nam có lợi thế trong việc xây dựng các cảng nước sâu, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh giao thương với khu vực và thế giới.
Thứ tư, lợi thế thu hút nguồn vốn FDI đến từ nguồn nhân lực dồi dào. Tính đến tháng 4/2021 dân số Việt Nam là hơn 98 triệu người, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam có tháp dân số tương đối trẻ. Đây là nguồn lao động trẻ, sáng tạo, sẵn sàng thích ứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hơn nữa, chi phí nhân công của nước ta còn khá rẻ, đây cũng là một lợi thế so sánh cho việc hấp dẫn nguồn vốn FDI đặt nền móng phát triển ở Việt Nam.